Gìn giữ tính Đảng - “Sợi chỉ đỏ” của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam
Báo chí Cách mạng Việt Nam là nền báo chí thể hiện rõ tính Đảng, tính định hướng, lấy lợi ích Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, phục vụ Nhân dân, vì sự phát triển của dân tộc. Đây cũng chính là giá trị cốt lõi, bất di bất dịch của nghề báo – một thứ “trầm tích” không bao giờ được đánh mất, không bao giờ thay đổi. Hành trình gìn giữ và phát huy tính Đảng suy cho cùng chính là hành trình bảo vệ, nuôi dưỡng “sự sống còn” của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trách nhiệm ấy thuộc về những người trong cuộc, các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo cách mạng trong tình hình mới…
Khi đội ngũ người làm báo cùng chung sức vì mục tiêu “trong lòng ta có Đảng” thì chắc chắn sẽ tạo nên một sức mạnh “lấp biển dời non”, không thế lực nào có thể xoay chuyển được. Để hiểu hơn hành trình ấy, trước thềm kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Nhà báo & Công luận có chuyên đề “Gìn giữ tính Đảng - “Sợi chỉ đỏ” của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam”.
Trong xã hội ta, không một người làm báo nào lại không “thuộc” điều này, báo chí là phương tiện thông tin cơ bản, chủ yếu nhất trong đời sống. Mỗi ấn phẩm báo chí, phát thanh, truyền hình đều là tiếng nói của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và là diễn đàn của Nhân dân.
Từ chỗ đứng của mình mà nhận rõ những nhiệm vụ, công việc, quyền hạn, trong đó nhiệm vụ cốt lõi nhất, xuyên suốt nhất là thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới, phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Tính Đảng của Báo chí Cách mạng như mạch nguồn thẩm thấu trong mọi hoạt động báo chí, như chiếc la bàn định hướng cho mỗi bài viết, mỗi chủ trương tuyên truyền, mỗi tờ báo. Có nhà báo lão thành nói rằng, con thuyền báo chí ra khơi trước sóng gió đại dương nếu thiếu tính Đảng thì dễ chao đảo, chệch hướng. Khen hay chê, ủng hộ hay phản đối, nên đăng hay không đăng, đưa đậm hay đưa nhạt... phần lớn phụ thuộc nơi tính Đảng.
Bạn đọc với báo Đảng tại Hội báo Xuân Đà Nẵng. Ảnh: Báo Đà Nẵng |
Tính Đảng của báo chí Cách mạng như mạch nguồn thẩm thấu trong mọi hoạt động báo chí, như chiếc la bàn định hướng cho mỗi bài viết, mỗi chủ trương tuyên truyền, mỗi tờ báo.
Trong truyền thống Báo chí Cách mạng gần một thế kỷ qua, tính Đảng luôn luôn đồng hành với tính Nhân dân, tính dân tộc. Và còn những ý kiến khác nói về tính trung thực, tính phản biện, tính hấp dẫn. Cố nhiên, bao trùm lên hết thảy vẫn là tính Đảng. Hôm qua và hôm nay cho đến mai sau, báo chí Việt Nam có nhiệm vụ vẻ vang phục vụ sự nghiệp cách mạng, vì Đảng, vì Nhân dân. Đó vừa là mục đích, vừa là điều kiện, là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí. Đó cũng là tính Đảng của báo chí; là biểu hiện sự trung thành của báo chí đối với Đảng, là cống hiến của báo chí vào sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rất ngắn gọn: “Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết”. Điều này không hề mâu thuẫn với tính trung thực, với sự nóng hổi, kịp thời, với tính hấp dẫn của tác phẩm báo chí. Và cũng không phải chuyện của riêng “Ta” mà là chuyện làm báo của cả nhân loại. Báo chí thế giới cũng luôn đề cao vấn đề tôn trọng sự thật về quyền được biết sự thật của công chúng, coi đây là nhiệm vụ đầu tiên của nhà báo.
Mới đây, Giải báo chí Pulitzer năm 2024 đã trao giải cho những tác phẩm báo chí xuất sắc. Đây là những bài viết, bộ phim tài liệu, tấm ảnh còn vương bụi khói chiến trận. Đó là loạt bài xuất sắc về cuộc xung đột Hamas - Israel và nỗi thống khổ của người dân Palestine tại Dải Gaza trên tờ The Times. Dịp này, Hội đồng Giải Pulitzer cũng đã ra một tuyên bố đặc biệt để vinh danh các nhà báo đưa tin về cuộc xung đột.
Bây giờ, chúng tôi xin được nói cụ thể hơn về tính Đảng trên báo chí. Nên hiểu rộng khái niệm này. Không phải chỉ các tờ báo chính trị mới cần có tính Đảng và bảo đảm tính Đảng, mà tất cả mọi tờ báo, tạp chí trên đất nước ta đều cần phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của mình. Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững định hướng chính trị, nắm bắt và hướng dẫn dư luận. Đồng thời, tùy theo chức năng, nhiệm vụ cụ thể mà có phương pháp, hình thức đấu tranh phù hợp, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị. Đó chính là thể hiện tính Đảng.
Như một lẽ tự nhiên, báo chí phải thường xuyên nâng cao tính Đảng. Ảnh: XB |
Hôm qua và hôm nay cho đến mai sau, Báo chí Việt Nam có nhiệm vụ vẻ vang phục vụ sự nghiệp cách mạng, vì Đảng, vì Nhân dân. Đó vừa là mục đích, vừa là điều kiện, là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí. Đó cũng là tính Đảng của báo chí; là biểu hiện sự trung thành của báo chí đối với Đảng, là cống hiến của báo chí vào sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh.
Trong một số hội thảo gần đây, nhiều đồng chí Tổng Biên tập đề cập đến những vấn đề khá cụ thể, phân tích sâu sắc về tính Đảng trong tình hình hiện nay trong đó nhấn mạnh những biểu hiện xa rời tính Đảng. Có hay không tình trạng ai đó nói rất trơn tru về xây dựng cơ quan báo chí văn hóa nhưng ở đó lại đang có những biểu hiện phản văn hóa và dưới văn hóa (mất đoàn kết, kéo bè kéo cánh, chạy chức chạy quyền, “bán cái” cho đầu nậu từ nội dung đến phát hành...). Có hay không những nhóm lợi ích trong làng báo, nhân danh chống tham nhũng để tham nhũng?
Khi tay đã “nhúng chàm” thì viết cái gì cũng lúng túng, cũng thiếu khách quan, trung thực, thậm chí bảo kê cho cái xấu. Có hay không tình trạng dựa dẫm nguồn tin, ăn theo mạng xã hội mà không điều tra kỹ lưỡng, bảo đảm tính chính xác của thông tin? Có hay không những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, dân túy, lòng không tin nhưng tay vẫn giơ cao đồng ý? Có hay không tình trạng che giấu hoặc xuyên tạc sự thật nhằm mục đích quảng cáo, thương mại, thậm chí hạ thấp danh dự, nhân phẩm, để thu lời bất chính?...
Dám nói thẳng, nói hết, nói ra những điều mà người khác ngại/sợ nói ra, đó là dấu hiệu tích cực để sửa sai, để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Kinh tế khó khăn tác động ngay, tác động mạnh đến kinh tế báo chí. Vấn đề lợi nhuận, số lượng phát hành, mức thu nhập, luôn là bài toán đau đầu các nhà quản lý báo chí. Lúc này đây, báo chí càng không thể chạy theo mục đích thương mại. Phát triển kinh tế báo nhưng không thể kiếm tiền bằng mọi giá, không để cho tờ báo “bị sai khiến”. Vẫn phải chú ý, coi trọng cái “lãi” về tư tưởng chính trị, tinh thần, giữ cho vững “cây cầu” ý Đảng - Lòng Dân.
Thời gian tới, theo chúng tôi, cần tập trung tuyên truyền thật tốt việc chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội 14 của Đảng ta vào đầu năm 2026. Cái khó và cái mới là, tìm cho ra những đề tài, những vấn đề mấu chốt nhất để định hướng và tập trung tuyên truyền. Tính định hướng thể hiện ở hai góc độ, một, đứng trên quan điểm của Đảng để nhìn nhận, hai, phản ánh và giải quyết vấn đề mà báo chí đề cập.
Về quan điểm của Đảng ta, bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (Khóa 13) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở những vấn đề rất lớn, rất mới. Mà mới chính là nguồn “dinh dưỡng” quý giá của báo chí. Đồng chí nói: “Phải chăng sau 40 năm đổi mới, chúng ta đã thật sự hình thành được Lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam?”; “Cần tập trung vào những nội dung rất then chốt, cụ thể hơn, hiện thực hơn như: Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá phát triển; đổi mới căn bản, toàn diện công tác cán bộ, thu hút, bồi dưỡng, phát triển, trọng dụng nhân tài...”
“Lý luận về đường lối đổi mới”, “Đổi mới căn bản, toàn diện công tác cán bộ” là những đề tài báo chí cần đặc biệt quan tâm. Và những tác phẩm báo chí chất lượng cao, được công chúng đón nhận sẽ như những cây xanh khỏe khoắn mọc lên từ “mảnh đất” này. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, đưa các quan điểm, chủ trương của Đảng vào cuộc sống, các tờ báo và mỗi người làm báo, tùy theo năng lực, sở trường, lĩnh vực hoạt động còn có trách nhiệm đóng góp vào việc tổng kết lý luận và thực tiễn về xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Sự phát triển của báo chí hiện đại ở Việt Nam đã góp phần to lớn định hướng dư luận xã hội, cổ vũ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong thập niên thứ ba, thế kỷ 21, phải chớp thời cơ, vượt qua thách thức, tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để đất nước ta bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thế nhưng, trên con đường phát triển, Báo chí Việt Nam vẫn thường gặp phải không ít khó khăn, cản ngại. Một số cá nhân và tổ chức thù địch, phản động dùng mọi chiêu trò để bịa đặt, xuyên tạc tình hình tự do báo chí. Đây là một âm mưu cụ thể trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm chống phá, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Mới đây, đầu tháng 5/2024, theo thông lệ, tổ chức “Phóng viên không biên giới” (RSF) lại công bố báo cáo thường niên về “Chỉ số tự do báo chí năm 2024”. Nhân danh bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt, họ xưng rằng: Việt Nam đứng thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí, thuộc nhóm các nước “có nền báo chí tồi tệ nhất thế giới” (!). Họ lớn tiếng: “Nhà nước phải cho phép báo chí tư nhân hoạt động”.
Một số cơ quan truyền thông phương Tây thiếu thiện chí với Việt Nam mỗi khi có sự kiện, vụ việc cụ thể liên quan đến báo chí lại la lối, suy diễn, xuyên tạc tình hình trong nước. “Dựa hơi” bên ngoài, một số đối tượng phản động trong nước tự đứng ra thành lập các hội nhóm phi pháp nhằm cổ xúy cho cái gọi là “tự do báo chí”, “xã hội dân sự”, đề cao một chiều “cá tính sáng tạo” thực chất là nói ngang nói ngược, hòng đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giờ đây khi bàn về việc nâng cao tính Đảng trong báo chí, cũng cần thấy hết những khó khăn của báo chí trong cơ chế kinh tế thị trường, trong nền kinh tế đang vật vã đi lên qua hơn hai năm đất nước kiên cường chống đại dịch Covid-19. Rồi những tác động hàng ngày hàng giờ của tình hình quốc tế. “Chiến tranh ủy nhiệm” Nga - Ukraine, xung đột Hamas - Israel đang lan rộng khắp Trung Đông, chạy đua vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo... đang khiến cho kinh tế, an ninh thế giới đảo lộn, diễn biến phức tạp, khó dự báo.
Kinh tế khó khăn tác động ngay, tác động mạnh đến kinh tế báo chí. Vấn đề lợi nhuận, số lượng phát hành, mức thu nhập, luôn là bài toán đau đầu các nhà quản lý báo chí. Lúc này đây, báo chí càng không thể chạy theo mục đích thương mại. Phát triển kinh tế báo nhưng không thể kiếm tiền bằng mọi giá, không để cho tờ báo “bị sai khiến”. Vẫn phải chú ý, coi trọng cái “lãi” về tư tưởng chính trị, tinh thần, giữ cho vững “cây cầu” ý Đảng - Lòng Dân.
Muốn giữ vững thì phải tiếp tục đổi mới. Đổi mới cách khai thác thông tin, đổi mới cách viết, đổi mới mô hình quản lý tòa soạn, số hóa báo chí... Có đồng chí Tổng Biên tập cho rằng, phương châm hành động của tờ báo chúng tôi lúc này là: Sử dụng bất kỳ công cụ nào có trong tay để lan tỏa nhanh nhất thông tin đến đông đảo người dân, bạn bè quốc tế, bảo đảm chính xác nhất, hiệu quả nhất, đúng trọng tâm trọng điểm, có tính dẫn dắt định hướng dư luận.
Vâng, đó chính là thể hiện tính Đảng cao nhất, thiêng liêng nhất trước đòi hỏi của đất nước, Nhân dân, của công cuộc đổi mới, và chính sự phát triển phong phú, bền vững của báo chí nước nhà. Được như thế, mỗi nhà báo không chỉ là người làm sử đương đại mà còn là nhà dự báo tài năng, như tiếng chuông buổi sớm, như tiếng sấm đầu mùa.