Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuốn sách giúp độc giả đắm mình vào tiếng Việt tràn ngập sự sống

Trong "Tình ca tiếng nước ta", tác giả Dương Thành Truyền chọn cách đắm mình vào thứ tiếng Việt tràn ngập sự sống ngoài vỉa hè, trên mạng, trong quán nhậu, báo chí, thể thao.

Khi bàn về tiếng Việt, chúng ta hay nghĩ đến những phân tích câu từ, ngữ pháp đậm tính giáo khoa, nghiên cứu phương ngữ, những áng văn thơ xưa và nay. Đó là những bộ sách không thể thiếu nhưng phần nào khó tiếp cận với bạn đọc trẻ tuổi, bạn đọc phổ thông. Trong Tình ca tiếng nước ta, tác giả Dương Thành Truyền chọn cách đắm mình vào thứ tiếng Việt tràn ngập sự sống ngoài vỉa hè, trên mạng, trong quán nhậu, báo chí, thể thao.

Cuốn sách Tình ca tiếng nước ta nằm trong bộ Tiếng Việt giàu đẹp do NXB Trẻ phát hành.

tieng Viet anh 1

Bộ sách "Tiếng Việt giàu đẹp".

Anh quan sát và ghi chép lại những phát hiện về cách dùng và “chơi” với tiếng Việt với tâm thế cởi mở, đặt ngôn ngữ trong sự phát triển nhanh chóng của cuộc sống và giao lưu văn hóa đa chiều.

Tác giả Dương Thành Truyền quan niệm tiếng Việt có sự đóng góp của mỗi người, dù vô tình hay cố ý “từng người trong muôn người cùng góp vào giai điệu nghĩ suy và tiết tấu giao tiếp bằng nguồn chất liệu vừa xưa cũ và hồn nhiên, vừa tươi mới mà sáng tạo”. Những kênh giao tiếp khác nhau sẽ tác động tới cách dùng ngôn ngữ; con người, đặc biệt là người trẻ luôn luôn thích “chơi chữ” theo nhiều cách đa dạng mà các bài nhạc rap là ví dụ.

Với lối tiếp cận của cuốn sách này, chúng ta thấy đó là một phần của quá trình phát triển ngôn ngữ, chứ không làm tiếng Việt mai một đi, là đúc kết của “giá trị văn hóa mà bao thế hệ, qua ngàn đời đã trao truyền bằng lời, bằng mực cho một kho báu có sức sống mãnh liệt vì hôm nay và mai sau”.

tieng Viet anh 2

Tác giả bàn về tiếng Việt từ tình yêu, cũng vì thế mà anh đặt tên sách là Tình ca tiếng nước ta. Anh chia sẻ: “Cứ khi nào bắt được, gặp được, chạm được một lối ăn nói, một kiểu chơi chữ, một phương thức diễn đạt độc đáo, bất ngờ, thú vị, ấn tượng… thì vui, thì mừng, có khi sảng khoái, có khi sung sướng và xúc động nữa, hệt như những khoảnh khắc mà người ta thường gọi là tình yêu!”

Tình yêu đó đã cụ thể hóa thành hơn 400 trang sách, chia thành hai phần chính:

Phần 1 - Riêng một góc trời giới thiệu và phân tích những kiểu chơi chữ mà chỉ tiếng Việt mới có thể vận dụng được. Những màn “ảo thuật” với chữ khó lòng chuyển ngữ và cũng rất khó hiểu với người nước ngoài, vì nó gắn với đặc trưng ngôn ngữ và văn hóa. Trong phần này tác giả bàn về Can-Chi và cách lý giải trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam; cách đố chữ vận dụng chữ Hán, chữ Nôm, câu đối, thơ xưa, đọc thuận đọc nghịch.

Có những bài thơ có thể đọc được đến sáu cách, tám cách… và hơn thế.

Hoặc những ví dụ về chữ cái một thời gắn liền với lịch sử. Như thế hệ ngày nay không hiểu từ “đi B”. Trong kháng chiến chống Mỹ, “đi B” nghĩa là “đi vào chiến trường Nam Bộ”.

Phần 2 - Biên bản từ cuộc sống là kho sưu tầm công phu những thủ thuật chơi chữ xuất hiện từ báo đến sách, từ phát thanh đến truyền hình, từ văn bản hành chính đến thông điệp quảng cáo, từ tiếng nói sân khấu đến ca từ trong ca khúc, từ phát biểu nghị trường đến bình luận thể thao, từ lời ăn tiếng nói hàng ngày đến cuộc đấu khẩu bên bàn nhậu, sân tập, ván cờ…

tieng Viet anh 3

Với tình yêu tiếng Việt sâu sắc, sự sắc sảo của một nhà báo - người nghiên cứu ngôn ngữ, tác giả cho rằng “đâu đâu cũng cho ta cơ hội nhận ra vẻ đẹp, sự đặc sắc và sức mạnh diễn đạt của tiếng Việt, của văn hóa Việt”.

Nếu như phần 1 là nguồn tham khảo hữu ích đối với người muốn tìm hiểu tiếng Việt qua văn bản xưa, thì phần 2 là một lát cắt tươi mới, sống động của ngôn ngữ thời nay, mà một phần trong số đó có khi chỉ vài năm sau sẽ hoàn toàn xa lạ với thế hệ trẻ, nhất là những cách chơi chữ “bắt trend”. Qua lát cắt đó, người đọc hình dung được rõ ràng tiếng Việt đang phát triển rất sống động qua nhiều hình thức.

Các ví dụ trong phần này nhắc đến lối nói kết hợp Anh-Việt, Hán - Việt, tận dụng đồng âm của giới trẻ, như tựa bài hát See tình, những tựa đề báo Tự teen sải bước vào đời, slogan của trung tâm du học “You học e-learning”, cool ngầu, đỉnh kout…

GS. TS. Nguyễn Đức Dân nhận xét về Tình ca tiếng nước ta: "Trước mắt các bạn là một Kính vạn hoa lấp lánh huyền ảo kỳ thú về tiếng Việt".

"Sách này, chính là những câu chuyện kể lại từ hành trình ngắm nhìn thế giới chữ nghĩa đã và đang đi cùng chúng ta mọi lúc, mọi nơi.

Hành trình này, có thể nói là bất tận. Không chỉ những lúc ngồi bên trang giấy, trước màn hình, qua mạng xã hội; ngay trong lúc vừa đánh bài, chơi cầu lông, xem bóng đá, đi trên phố, bù khú với bạn bè… ai ai cũng có thể khám phá và tận hưởng. Và khi cùng chia sẻ những câu chuyện này, rốt lại mọi người sẽ thấy tràn ngập trong lòng mình một tình yêu sâu đậm dành cho tiếng mẹ đẻ - tiếng nói của quê hương, tiếng nói của dân tộc, tiếng nói của lịch sử", nhà báo Dương Thành Truyền bày tỏ.

Bộ sách "Tiếng Việt giàu đẹp"

Bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp do NXB Trẻ phát hành có 10 tựa:

Vẻ đẹp ngôn ngữ, vẻ đẹp văn chương (Lê Xuân Mậu)Nỗi oan Thì, là, mà (Nguyễn Đức Dân)Cuộc sống ở trong ngôn ngữ (Hoàng Tuệ)Ăn uống, nói, cười & khóc (Trần Huiền Ân)Tiếng Việt Phương Nam (Trần Thị Ngọc Lang)Muôn màu lập luận (Nguyễn Đức Dân)Đi tìm bản sắc tiếng Việt (Trịnh Sâm)Từ câu sai đến câu hay (Nguyễn Đức Dân)Triết lý tiếng Việt (Nguyễn Đức Dân)Tình ca tiếng nước ta (Dương Thành Truyền)

Bộ sách hướng đến đông đảo bạn đọc yêu thích tìm hiểu ngôn ngữ Việt, lối viết ngắn gọn sáng rõ, nhiều ví dụ gần gũi với cuộc sống, hình thức hiện đại, bìa mềm dễ cầm đọc.

Linh Đan/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm