Đó là cảnh ngộ bi đát của em Đậu Đức Thông, SN 2008, trú xóm 15, xã Quỳnh Tân (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Hiện Thông chuẩn bị vào lớp 11, Trường THPT Quỳnh Lưu 2.
Đậu Đức Thông bị mất gần như đôi bàn tay sau tai nạn lao động. |
Tai ương ập đến với cậu học sinh mồ côi khi chỉ còn vài ngày nữa là em về quê chuẩn bị cho năm học mới. Cách đây 5 ngày, chị Hồ Thị Hà (SN 1988), mẹ của Thông đang làm công nhân tại nhà máy giày da Diễn Trường huyện Diễn Châu) rụng rời chân tay khi nhận được cuộc gọi thông báo: “Chị ra Hà Nội gấp, con bị tai nạn lao động dập nát bàn tay phải”.
Bỏ công việc công nhân sau 3 tuần đi làm, chị Hà hớt hải về nhà lấy đồ đạc xuống quốc lộ 1A bắt xe ra Hà Nội chăm con. Tại Bệnh viện Quân y 108, chị Hà suy sụp, khóc cạn nước mắt khi thấy bàn tay phải của con trai út không còn nguyên vẹn.
Cách đây 5 năm, chồng chị Hà không may bị tai nạn giao thông gãy tay rồi qua đời do bị nhiễm trùng uốn ván. Nuốt nước mắt vào trong, chị gượng đứng lên làm lụng, nuôi 2 con cùng mẹ chồng hơn 80 tuổi. Năm 2022, chị Hà phát hiện bị u ác tuyến giáp, từng xạ trị 2 lần, phẫu thuật 2 lần tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. 2 năm một mình phải chống chọi với bệnh tật ở bệnh viện, chị đã bao lần suy sụp. Giờ u hạch to, bác sĩ khuyên nên làm việc nhẹ tránh bị di căn.
“Số tôi khổ, lần trước đi công ty may để kiếm thêm đồng chi tiêu nhưng chưa được một tháng thì nghe điện thoại chồng qua đời. Lần thứ 2 đi làm công ty giày da sau 2-3 năm trời đi viện được 3 tuần cũng 14-15 cuộc gọi nhỡ, gọi lại thì hay tin con gặp nạn”, chị Hà chua chát nói.
Đậu Đức Thông nhập viện, chị Hà phải bỏ việc ra Hà Nội chăm con trai. |
Bố mất sớm, thương mẹ bệnh tật, lam lũ nên học hết lớp 9, anh trai đầu của Thông bỏ học đi làm thuê kiếm đồng trang trải, phụ giúp mẹ chữa bệnh. Gia cảnh khó khăn, Thông cũng luôn tự giác, cố gắng học và phụ giúp mẹ làm việc nhà. Học xong lớp 9, trong lúc chờ kết quả vào trường THPT Quỳnh Lưu 2, Thông khăn gói ra Hà Nội làm thêm kiếm tiền về mua sách vở, quần áo.
Hết kỳ thi cuối kỳ lớp 10, Thông được người môi giới giới thiệu ra Hà Nội làm thuê tại xưởng đồ chơi trẻ em với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Gần đến ngày về tựu trường, Thông gắng làm thêm ít bữa nhằm kiếm thêm đồng tiền về trang trải việc học thì không may xảy ra tai nạn lao động. Chị Hà cho biết: "Sau khi đưa Thông lên nhập viện cấp cứu, chủ cơ sở thuê cháu làm để lại ít viện phí rồi nói là đã hết trách nhiệm".
Theo chị Hà, hiện hàng tháng, chị phải chi hơn 1 triệu mua thuốc điều trị khối u hạch. Với gia đình hộ nghèo, cảnh mẹ góa con côi như chị Hồ Thị Hà, đó là một khoản chi không nhỏ.
Thông bị tai nạn lao động tuy phẫu thuật đã thành công nhưng theo bác sĩ, bàn tay của em như thế nào thì còn phải chờ 3-4 ngày nữa khám lại mới biết kết quả. Do vậy, em nguy cơ phải bỏ lỡ ngày tựu trường.
Căn nhà đơn sơ ở xóm 15, xã Quỳnh Tân của mẹ con em Đậu Đức Thông. |
“Nhà nghèo, mẹ bệnh tật nên em tính học hết 12 sẽ đi học trường nghề để nhanh ra trường phụ giúp mẹ nhưng giờ bàn tay phải không còn, em sẽ cố gắng học để vào đại học. Chắc em sẽ theo ngành công nghệ thông tin”, Thông rầu rĩ nói.
Thầy Đào Xuân Đức, Phó Hiệu trưởng trường THPT Quỳnh Lưu 2 cho biết: "Em Đậu Đức Thông là một học sinh chăm ngoan, hiếu thảo. Gia cảnh nghèo, mẹ ốm đau bệnh tật nên em thường tranh thủ đi làm thêm dịp hè kiếm tiền tự mua quần áo, sách vở. Năm lớp 10, em được học sinh tiên tiến. Gia cảnh em ấy rất khó khăn, hay tin em đi làm thêm bị tai nạn lao động, nhà trường cũng đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp đỡ em vượt qua khó khăn, hoạn nạn để tiếp tục đến trường".
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.