Tiêu biểu nhất là nhân vật cậu Vàng của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Cậu Vàng - người bạn thân thiết của Lão Hạc, ông lão nông thôn nghèo khó, sống cô đơn một mình, chỉ có con chó làm bạn: “Những lúc buồn, có con chó làm bạn thì cũng đỡ buồn một chút. Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm”.
Tuy sống trong cảnh nghèo, nhưng lão Hạc quý cậu Vàng đến mức: “Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu. Lão ăn gì lão cũng chia cho nó cùng ăn. Những buổi tối, khi lão uống rượu, thì nó ngồi ở dưới chân. Lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ”.
Hình ảnh Lão Hạc và "cậu Vàng" trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy. |
Đoạn đối thoại sống động khiến người đọc cũng phải rưng rưng xúc động:
“Rồi lão chửi yêu nó, lão nói với nó như nói với một đứa cháu bé về bố nó. Lão bảo nó thế này:
- Cậu có nhớ bố cậu không? Hả cậu Vàng? Bố cậu lâu lắm không có thư về. Bố cậu đi có lẽ được đến ba năm rồi đấy... Hơn ba năm... Có đến ngót bốn năm... Không biết cuối năm nay bố cậu có về không? Nó mà về, nó cưới vợ, thì nó giết cậu. Liệu hồn cậu đấy!
Con chó vẫn hếch mõm lên nhìn, chẳng lộ một vẻ gì; lão lừ mắt nhìn trừng trừng vào mắt nó, to tiếng dọa:
- Nó giết mày đấy! Mày có biết không? Ông cho thì bỏ bố!
Con chó tưởng chủ mắng, vẫy đuôi mừng, để lấy lại lòng chủ. Lão Hạc nạt to hơn nữa:
- Mừng à? Vẫy đuôi à? Vẫy đuôi thì cũng giết! Cho cậu chết!
Thấy lão sừng sộ quá, con chó vừa vẫy đuôi, vừa chực lảng. Nhưng lão vội nắm lấy nó, ôm đầu nó, đập nhè nhẹ vào lưng nó và dấu dí:
- À không! À không! Không giết cậu Vàng đâu nhỉ!... Cậu Vàng của ông ngoan lắm! Ông không cho giết... Ông để cậu Vàng ông nuôi”.
Nhưng rồi đến khi Lão Hạc bị ốm, không còn tiền sinh sống, lão Hạc đã phải bán cậu Vàng để đưa tiền cho ông Giáo chuẩn bị hậu sự cho mình. Những câu thoại thể hiện sự ân hận của Lão Hạc khi bán cậu Vàng đã khiến người đọc cũng phải rơi nước mắt:
“Khốn nạn... Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi về thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!”.
Trong Tắt đèn, một tiểu thuyết về sự khốn cùng của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, cảnh “bán con, bán chó” của gia đình nhân vật chị Dậu cũng gây xúc động mạnh mẽ với người đọc. Tuy không gây xúc động mạnh bằng cảnh người mẹ dứt ruột bán con, nhưng những dòng văn miêu tả tình cảm giữa chó và người nuôi của nhà văn Ngô Tất Tố cũng rất ấn tượng:
“Con vật ấy ở nhà chị Dậu, tuy không làm tên lính gác nhà như các bạn nó ở vào những nơi giàu có, nhưng cũng là hạng tôi tớ cần dùng. Những lúc con cái chủ nhà đau dạ lạnh lòng… Công việc vệ sinh trong nhà, phận sự nó phải gánh vác tất cả. Sự quan hệ giữa nó với chủ tuy chỉ có thế, song mà trời đã sinh nó làm một loài vật giầu lòng trung thành thì, ăn lương của chủ, nó phải hết lòng mến chủ, cũng như nó phải hết lòng vâng theo lời chủ. Cái bản tính ấy, khiến nó chỉ muốn làm việc với chủ suốt đời, không muốn có ngày hưu trí, mặc dầu chủ vẫn coi nó là vật hèn. Vì vậy, nay thấy chị Dậu xích nó, lôi nó, đối với nó có vẻ khác hẳn mọi ngày, hình như nó cũng biết rằng chủ nó sắp sửa đổi nó đi đâu hoặc là đem nó đến chỗ làm tình làm tội gì đó. Khăng khăng ghì lại nhất định nó không chịu đi. Chị Dậu càng kéo, nó càng tỏ ra thái độ van lơn. Nếu có một nhà động vật tâm lý học đứng ở cạnh nó lúc ấy, tất nhiên người ta có thể đoán rằng: nó đương lạy chủ, xin chủ cho nó ở lại thêm một hạn nữa".
Trong những năm đầu của kháng chiến chống Pháp, nhà văn Kim Lân đã viết truyện ngắn Con chó xấu xí, kể chuyện cuộc sống của các gia đình trí thức, thành thị trong hoàn cảnh sơ tán về nông thôn.
Trong khi những con chó trong văn học thường đẹp, thì con chó của Kim Lân lại xấu đến mức chỉ đọc qua trang viết cũng thấy ghê ghê:
“Đằng này, con chó nhà tôi mua, nom nó thảm hại quá. Nó không còn thể gọi là con chó được nữa. Nó bằng cái nắm đấm thế này, vừa bé, vừa lường, còm dóm như con chuột chù ốm ấy. Nhất là những hôm đang lạnh bỗng dưng trở nắng, con chó nhà tôi ra sân ngồi sưởi thì, giời đất cha mẹ ơi, không còn thể sao khươm được. Bẩn mắt quá!
Nó ngồi gù gù ngoài bóng nắng như anh nghiện thiếu thuốc. Cái mặt gục xuống, rớt rãi chảy ra, hai con mắt ướt nhoèn hai cục nhử trắng nhã. Cái lưng khòm khòm nổi lên từng đốt, từng đốt xương sống.
Cái con chó khốn khổ ấy nó không còn đủ cả lông để che kín thân thể nữa. Lông nó lường ăn rụng từng đám lơ phơ, nham nhở và đỏ bẻm như đám cỏ ấy. Da lưng, da bụng, da cổ trật ra sần sùi, cóc cáy, đến cả cái đuôi cũng không đủ lông. Đuôi nó thun lủn một mẩu xám xịt như đuôi con chuột cống già”.
Thế rồi, đến lúc gia đình phải sơ tán vì quân Pháp càn, phải đem nhân vật xấu xí này đi cho, người chủ cũng phải rơi nước mắt:
“Nước mắt nhà tôi bỗng giàn ra, nhà tôi đứng im trước mặt cụ bếp nghẹn ngào không nói được. Tiếng con chó vẫn kêu ăng ẳng và, tiếng cái xích căng ra xoắn vào thân cây mít lục cục”.
Để rồi, khi trở về, nghe tin con chó đã chết, tác giả cũng phải thốt lên: “Chao ôi! Con chó xấu xí ấy, của tôi! Con chó từ lúc mua, đến lúc chết không được một lần vuốt ve! Nó đã chết một cách thảm thương và trung hậu quá”.
Trong tập thơ Chân dung nhà văn, nhà thơ Xuân Sách đã minh họa về Kim Lân:
"Làm thân con chó sá gì
Phần đành xấu xí cũng vì miếng ăn".
Tuy nhiên, sau này, khi nhắc đến Kim Lân, bên cạnh những Làng, Vợ nhặt, Con chó xấu xí vẫn là tác phẩm nổi bật trong đời sáng tác của ông.
Chú chó Bê Tô trong sách Nguyễn Nhật Ánh được nhiều độc giả trẻ yêu thích. |
Trong khi đó, trong tập thơ Góc sân và khoảng trời nổi tiếng từ những năm 1960, “thần đồng” Trần Đăng Khoa cũng có nhiều bài về chó, trong đó, bài Sao không về Vàng ơi được nhiều độc giả nhỏ tuổi yêu thích. Nhà thơ kể: “Bài này tôi viết trong lúc ‘sát hạch’, nghĩa là các cô chú đến chơi, vây quanh rồi ra đề cho tôi làm”. Bài thơ mộc mạc, nhưng diễn tả chính xác hành động cũng như tình cảm của chú chó với cậu chủ nhỏ:
"Tao đi học về nhà
Là mày chạy xồ ra
Đầu tiên mày rối rít
Cái đuôi mừng ngoáy tít.
Rồi mày lắc cái đầu
Khịt khịt mũi, rung râu
Rồi mày nhún chân sau
Chân trước chồm, mày bắt
Bắt tay tao rất chặt
Thế là mày tất bật
Đưa vội tao vào nhà"
...
Những chú chó vẫn tiếp tục là đề tài trong các sáng tác hiện nay. Vài năm gần đây, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã sáng tác nhiều truyện hay về chó, như Tôi là Bê Tô, hay Chú chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, được độc giả trẻ tuổi rất yêu thích đón nhận.