Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người trợ lý đặc biệt của học giả Đào Duy Anh

Nói đến cuộc đời và sự nghiệp của ông Đào Duy Anh, mà không nhắc đến sự giúp đỡ của người bạn đời của ông là bà Trần Thị Như Mân, hẳn sẽ là một thiếu sót lớn.

Cuốn sách Mẹ tôi kể về người phụ nữ trong các gia đình trí thức nổi tiếng. Sách do chính những người con viết về mẹ mình, nên chứa đựng những câu chuyện đầy chân thực mà lay động lòng người. Bức tượng đài huyền thoại mẹ như thước phim quay chậm để người đọc vừa cảm nhận, vừa hình dung về không khí thời đại và về những người mẹ Việt Nam.

Được sự đồng ý của NXB Phụ Nữ, Zing.vn trích đăng một phần nội dung cuốn sách. 

Dưới đây là câu chuyện về bà Trần Thị Như Mân - vợ học giả Đào Duy Anh - do con trai họ là Đào Thế Tuấn viết.

Vo hoc gia Dao Duy Anh anh 1
Ông bà Đào Duy Anh - Trần Thị Như Mân khi còn trẻ.

Người lập tổ chức xã hội phụ nữ đầu tiên ở nước ta

Mẹ tôi sinh năm 1907, xuất thân trong một gia đình quan lại ở Huế, cháu nội của cụ Trần Tiễn Thành, Thượng thư bộ Binh triều Tự Đức, Văn Minh điện đại học sĩ, phụ chính đại thần sau khi vua Tự Đức qua đời, là người đã bảo trợ các nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch, giới thiệu họ với nhà vua. Bà là con của Giải nguyên Trần Tiễn Hối, Tổng đốc Nghệ An.

Năm 1925, bà đậu cao đẳng tiểu học, được bổ làm giáo viên trường nữ trung học Đồng Khánh. Năm đó cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt ở Thượng Hải, bị dẫn độ về nước, và bị tòa đề hình Hà Nội kết án tử hình. Bà cùng với một số bạn đồng nghiệp cùng chí hướng đánh điện lên cho Toàn quyền Varenne xin ân xá cho cụ, mà chính tay bà là người gửi điện ở nhà dây thép. Hành động này bị Sở Mật thám Pháp ghi vào sổ đen.

Bà cùng bà Đạm Phương là mẹ của nhà báo Nguyễn Khoa Văn, tức Hải Triều, lập Nữ công học hội là tổ chức xã hội phụ nữ đầu tiên của nước ta ở Huế. Bà Đạm Phương làm hội trưởng và mẹ tôi làm thư ký. Hội này thường được cụ Phan Bội Châu, bấy giờ bị Pháp an trí ở Huế, ủng hộ và đến nói chuyện về phong trào phụ nữ trên thế giới.

Trong cuộc họp thành lập hội Nữ công, bà đã gặp cha tôi đang trên đường từ Quảng Bình vào Sài Gòn để dự định làm báo, là người sau này bà đã làm bạn và cùng sống suốt đời, lập nên sự nghiệp chung. Hội Nữ công dạy công việc gia chánh và dạy nghề, giúp cho phụ nữ tự lập để tham gia công việc xã hội, đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ. Bà đã tổ chức dạy nấu ăn và viết sách về kỹ thuật nấu ăn. 

Cuối năm 1926, cụ Phan Chu Trinh mất, học sinh ở Huế tổ chức truy điệu và bãi khóa. Mẹ tôi bị nghi là cầm đầu nữ sinh Đồng Khánh nên bị bãi chức. Từ đấy bà tìm cách tự lập, và hoạt động cho hội. Hội Nữ công bấy giờ tổ chức một nhóm phụ nữ học nghề dệt để dạy lại cho hội viên. Nhóm này được cử ra Hà Nội học cách sử dụng máy dệt cải tiến ở làng Bài Lâm, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, có ông Hải Triều cùng đi để giúp đỡ.

Trong nhóm còn có bà Đào Thị Xuân Yến, sau này là bà Nguyễn Đình Chi (Ủy viên Trung ương Liên hiệp các Tổ chức Hòa bình miền Nam Việt Nam). Việc học giữa chừng bị dở dang vì ông tri phủ Ứng Hòa nghi ngờ và cho người về khám xét. Hơn nữa, bấy giờ kinh tế gặp khủng hoảng, vải dệt ra không bán được nên bà phải chuyển sang làm nghề khác. Bà về quê ở làng Minh Hương (nay thuộc xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) chuyển sang nuôi tằm để sinh sống. Bà đã mua sách về học cách nuôi tằm. Sau này, bà có dạy lại cho tôi kỹ thuật nuôi tằm, kiếm giống về cho chúng tôi nuôi để vừa học vừa chơi.

Các kỷ niệm mà mẹ tôi thường kể lại cho tôi về tình trạng khổ cực của nông dân miền Bắc hồi bấy giờ, nhất là việc ăn cơm ngày hai bữa vào buổi sáng và buổi trưa, tối đói không ngủ được, tình hình các làng nghề của Hà Đông hồi đó đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng giúp tôi trong công tác nghiên cứu sau này. Do vậy, lúc biết tôi theo học nông nghiệp bà rất mừng vì thấy ước vọng của mình hồi trẻ đã có con mình theo đuổi.

Thời gian này, bà được ông Nguyễn Khoa Văn kết nạp vào đảng Tân Việt. Bà cùng với một số chị em lập cửa hàng Vân Hòa để sinh sống và làm nơi liên lạc của Phụ nữ đoàn của đảng Tân Việt. Bà đã cùng chị em đi về phát triển đoàn ở nông thôn, quen biết nhiều chị em ở nông thôn sau này là bạn thân của bà, thường đến nhà chơi và kể chuyện về đời sống nông thôn.

Năm 1929, bà xuất bản tờ báo Phụ nữ tùng san là một trong hai tờ báo phụ nữ đầu tiên ở nước ta để tuyên truyền cho việc giải phóng phụ nữ, đấu tranh cho nữ quyền. Trong thời gian này, bà thường gặp cha tôi trong hoạt động của đảng, và cả hai cùng bị Pháp bắt. 

Sau khi ở tù ra, bà đã kết hôn với cha tôi. Bà phát triển việc buôn bán của cửa hàng Vân Hòa để giúp cha tôi có thì giờ làm việc. Bà tổ chức làm ren Venise, nghề mà bà đã học được ở Hà Đông. Bà còn làm các mỹ phẩm như phấn xoa mặt của phụ nữ bằng bột gạo, phấn hồng, dầu chải tóc. Đặc biệt, dầu cao Linh Bửu của bà sáng chế nổi tiếng một thời ở Huế. Tất cả công việc này bà đều tự học lấy trong các sách đặt mua ở Pháp về. Cửa hàng còn bán cả các sách của Quan hải tùng thư do cha tôi xuất bản. 

Chính bà đã gợi ý cho cha tôi làm cuốn Hán Việt từ điển, giúp ông tập hợp các từ Hán Việt trên sách báo, ghi và sắp xếp các phích để xây dựng các mục từ. Bà là người lo việc xuất bản cuốn từ điển này. Tiếp theo bà tổ chức việc xây dựng Pháp Việt từ điển. Nhờ có hiệu sách, bà có thể đặt mua các loại từ điển khác nhau trên thế giới để làm tài liệu tham khảo. Hiệu Vân Hòa trước còn bán sách kiêm bán thuốc, dần dần chuyển sang chuyên bán sách và văn phòng phẩm.

Nhờ có hiệu sách nên chúng tôi có sự lựa chọn sách báo rất phong phú giúp cho việc học hồi bé. Chính nhờ có hiệu sách này nên bà đã xây dựng cho cha tôi một thư viện lớn với đầy đủ sách cần cho việc nghiên cứu. Lúc tôi lớn lên, bà phải tham gia công tác xã hội nên thỉnh thoảng có giao cho tôi trông coi việc bán hàng. Sau này gặp một số bạn bè đã từng học ở Huế có nhắc lại về hiệu sách của mẹ tôi và hiệu sách Hương Giang của ông Hải Triều gần đấy, đã giúp cho họ mở rộng kiến thức như thế nào.

Là một giáo viên mà không được dạy học, bà không thể từ bỏ công việc rất yêu thích ấy. Bà nghĩ đến việc mở một trường tư thục: Trường Nữ giáo cho học sinh nữ ở các tỉnh miền Trung không vào được trường Đồng Khánh, những gia đình muốn cho con gái vẫn được đi học mà không có điều kiện gửi đi học ở Hà Nội hay Sài Gòn. Trường có tổ chức nội trú, nhiều gia đình biết tiếng cha mẹ tôi nên đã yên tâm gửi con theo học.

Vì ông nội tôi mất sớm nên cha tôi là con cả phải nuôi dưỡng các em ăn học. Mẹ tôi cùng đảm nhận công việc này. Sống trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên các chú, cô, em cha tôi đều thoát ly đi hoạt động, bị bắt và bị đi tù, đày ra Côn Đảo. Mẹ tôi lại đón các cháu về nuôi nên nhà tôi đã như một nhà trẻ nhỏ. Ngoài ra, các bạn bè của cha mẹ tôi cũng gửi con về Huế trọ học. Các bạn, bà con của cha tôi lúc về Huế đều đến sống ở nhà tôi. Vì vậy, nhà tôi rất đông đúc, tất cả công việc trong nhà đều do mẹ sắp đặt, quản lý. 

Khi chiến tranh thế giới bắt đầu, cha tôi bị mắc bệnh lao. Mẹ tôi phải lo chạy chữa, mua thuốc men, đưa cha tôi về tĩnh dưỡng ở nông thôn. Thêm một gánh nặng đặt trên vai mẹ tôi. 

Vo hoc gia Dao Duy Anh anh 2
Các cựu sinh viên khoa Sử khóa 1 Đại học Tổng hợp Hà Nội thăm gia đình Giáo sư Đào Duy Anh.

Người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà

Sau Cách mạng tháng Tám, ông Nguyễn Chí Thanh biết tiếng mẹ tôi qua các hoạt động xã hội, có uy tín với phụ nữ miền Trung đến mời mẹ tôi ra làm hội trưởng Hội Phụ nữ Thừa Thiên Huế. Từ đấy, mẹ tôi trở lại tham gia hoạt động xã hội. 

Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, gia đình chúng tôi tản cư về Thanh Hóa, bà phải tổ chức lại cuộc sống ở nông thôn, nuôi dạy các em tôi và các cháu đi học. Bà được cử làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Khu Bốn, phải đi bộ đi họp rất xa. Năm 1950, cả tôi và em tôi là Đào Thế Hùng đều đi bộ đội. Bà phải xa chúng tôi mặc dù rất thương con.

Năm 1950, bà được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội Phụ nữ và được yêu cầu ra Việt Bắc. Bà đã làm một việc tưởng chừng không thể làm được là đi bộ từ Thanh Hóa đến Tuyên Quang. Hội giao cho bà tổ chức một trại nhi đồng để nuôi con cán bộ đi công tác trong kháng chiến. Trại đóng trên ngọn núi Khe Khao giữa Tuyên Quang và Bắc Kạn. Với kinh nghiệm có sẵn về nuôi dạy trẻ con, bà đã làm tốt công việc này trong điều kiện thiếu thốn của chiến tranh.

Năm 1952, cha tôi bị lao lại. Bà phải đi bộ về nơi cha tôi đang chữa bệnh, đi Tuyên Quang tìm mua thuốc về chữa bệnh cho ông. Sau này, bà kể lại lúc bấy giờ ban đêm phải đi bộ qua một khu rừng có hổ, thế mà bà vẫn đi bất chấp nguy hiểm, đưa thuốc về chữa bệnh cho ông. Sau khi bệnh đã thuyên giảm, bà lại đưa ông về Thanh Hóa để dưỡng bệnh. Phải nói rằng căn bệnh hiểm nghèo của cha tôi chữa khỏi được trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc kháng chiến, ngoài việc được bạn bè giúp đỡ mua hộ thuốc men ra, thì cái công chăm sóc một cách khoa học của mẹ tôi đã nhiều lần cứu sống cha tôi.

Sau năm 1954, về Hà Nội bà tiếp tục phụ trách trại nhi đồng miền Bắc của Hội Phụ nữ. Để hoàn thành tốt công tác của mình bà phải đi học để lấy bằng y tá, nhưng thực ra kiến thức tự học về y học và kinh nghiệm của bà đã vượt xa yêu cầu của một y tá bình thường nhiều.

Năm 1964, bà phải mổ khối u trong dạ con, sức khỏe đã giảm sút nhiều nên đến năm 1965 thì được về hưu. Từ đấy bà có điều kiện chăm sóc ông và giúp ông trong việc nghiên cứu. Bà vừa đọc Truyện Kiều để chuẩn bị các mục từ cho ông làm cuốn Từ điển Truyện Kiều, vừa chép lại các bản thảo của ông. Vì chữ ông rất xấu, chỉ có bà đọc được thôi, nếu đưa người khác đánh máy thì sẽ lần không ra. Công việc này bà đã làm từ lúc còn trẻ tuổi, cho đến khi về già bà vẫn tiếp tục thực hiện. Bà lo sợ mình sẽ ra đi trước ông. May mà ông đã qua đời trước nên trong những ngày cuối cùng của ông luôn có bà chăm sóc chu đáo. Bốn năm sau thì bà cũng đi theo ông.

Vo hoc gia Dao Duy Anh anh 3
Bà Như Mân khi về già.

Bà là một phụ nữ vừa làm trọn nhiệm vụ của một người vợ, một con dâu trưởng của đại gia đình họ Đào, vừa giúp chồng trong đời sống và công tác nghiên cứu, vừa làm công tác xã hội, đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ. Trong gia đình, các cô chú em cha tôi đều coi bà như người chị ruột. Nhiều cháu con các cô chú tôi đều gọi bà là mạ (tức là mẹ nói theo tiếng Huế), vì từ bé đã được bà nuôi dưỡng thay cho mẹ đẻ các em họ tôi.

Thật không tưởng tượng rằng một người phụ nữ nhỏ bé, con nhà quan lại cao cấp lại có một nghị lực phi thường làm đủ mọi nghề nghiệp từ chân tay đến trí óc, có một óc kinh doanh năng động, việc nào cũng hoàn thành một cách xuất sắc. Cuộc đời của bà là một tấm gương sáng cho con cháu họ Đào noi theo. 

Chuyện về người mẹ trong những gia đình trí thức nổi tiếng thế kỷ 20

Giản dị, khiêm nhường, cuốn sách là các bài viết của chính những người con ruột trong gia đình các trí thức nổi tiếng thể kỷ 20 viết về những người ở hậu phương thầm lặng hy sinh.

Trích sách "Mẹ tôi"

Bạn có thể quan tâm