Họa sĩ Phạm Bình Chương nổi tiếng với những bức tranh phong cảnh Hà Nội theo lối hiện thực. Trước mỗi bức tranh của Phạm Bình Chương, người xem ngỡ như đứng trước một không gian thân quen, một khung cửa sổ xanh, một bức tường vàng, một cành bàng thưa lá hay một vòm cổng dẫn vào nhà phố cổ…
Nhưng cái tài của Phạm Bình Chương không phải chỉ nằm ở chỗ vẽ lại một góc phố của Hà Nội, anh mang tới cho người xem những khoảnh khắc, rung cảm đặc biệt khi đứng trước các tác phẩm ấy.
Sách Lặng phố được thiết kế trong một hộp giấy đẹp. |
Lê Nguyễn Nhật Linh - một cây bút 9X - là một trong những người rung động đặc biệt trước các tác phẩm của Phạm Bình Chương. Cô đề nghị họa sĩ cùng hợp tác để làm một ấn phẩm đặc biệt có tên Lặng phố.
Lặng phố được in dưới hình thức một cuốn sách trong hộp cứng, ở đó, những bức tranh của họa sĩ Phạm Bình Chương in xen những tản văn của Lê Nguyễn Nhật Linh. Cả hai cùng mang đến những xúc cảm đẹp về Hà Nội phố cho người đọc sách.
Như phần mở đầu sách, Lê Nguyễn Nhật Linh bày tỏ, người ta đã viết về Hà Nội quá nhiều, Hà Nội cũ, Hà Nội mới, Hà Nội đủ màu sắc và đậm hương vị. Bởi vậy, chính cô từng kẹt trong sự chật hẹp đề tài ấy, rồi tự hỏi: “Hà Nội còn lại gì, để viết đây?”
“Nhưng rồi một ngày, đứng dưới một tán bàng xanh ngắt, tôi nhận ra là mùa đến mùa đi, bàng xanh lá trắng hoa rồi bàng lại vàng nâu thẫm đỏ. Hà Nội vẫn luôn ở đó, trong ý ức, trong nỗi nhớ, Hà Nội vẫn là của tôi, của tuổi trẻ, của ngày hôm nay, ngày mai và những ngày còn chưa đến, đang đợi” - Nhật Linh viết.
Một trang sách Lặng phố. |
Hà Nội của mọi người, và Hà Nội của mỗi người. Bởi vậy, trên chặng đường sáng tác, họa sĩ Phạm Bình Chương và cây bút Lê Nguyễn Nhật Linh, mỗi người một ngôn ngữ sáng tạo riêng, mỗi người có một phương pháp, phong cách, theo đuổi con đường nghệ thuật riêng, nhưng họ cùng gặp nhau ở một điểm: cảm xúc đẹp về những khoảng lặng của phố phường Hà Nội.
Tên sách Lặng phố do nhà văn Nhật Linh đặt đã gọi đúng tên những cảm thức đẹp trong sáng tác của hai tác giả. Đó là những khoảng lặng trữ tình của phố phường. Nơi đó, Bình Chương họa lại góc kiến trúc cổ Hà Nội vào những sớm thu, những trưa hè, những đêm đông; một vài bức có người sinh hoạt, nhưng tất cả hiện lên như một thước phim không lời, chỉ có hình ảnh đưa dẫn người xem vào không gian đó.
Những bài tản văn của Nhật Linh sử dụng ngôn từ để gợi lên màu sắc, hình khối, hương vị của phố phường. Với thế mạnh về miêu tả, tản văn của Nhật Linh cho người đọc những hình dung rõ nét về vẻ đẹp trong tĩnh lặng của Hà Nội: “Chẳng hạn, một buổi ban trưa giữa mùa hè. Nắng phết từng lớp trên nền tường vàng khô, đôi chỗ bong xước hở ra màu ghi nhạt của một ngôi nhà đã cổ, mái nhà cũ xưa xếp ngói nâu trầm, cửa sổ gỗ sơn màu rêu sẫm khi đóng khi hở. Những hàng dây điện đen đặc giăng ngang khi căng như kẻ khi thõng như sẽ rơi, hoa giấy rực hồng xanh lá leo giàn ở ban công, con đường sát vỉa hè lúc nào cũng đông thì màu xám đậm…”
Họa sĩ Phạm Bình Chương (trái) và cây bút Lê Nguyễn Nhật Linh. |
Ấn phẩm nghệ thuật Lặng phố được họa sĩ Thành Chương đánh giá là sự kết hợp nhuần nhuyễn, sự giao duyên giữa hội họa và văn chương. Ở đó không có chuyện tranh minh họa cho văn, hay chữ giải thích cho tranh, mà chỉ thấy đường nét màu sắc và ngôn từ hòa quyện, cùng tạo nên một cảm xúc đẹp về phố phường Hà Nội.