Cuốn sách Mẹ tôi kể về người phụ nữ trong các gia đình trí thức nổi tiếng. Sách do chính những người con trong các gia đình ấy viết, nên chứa đựng những câu chuyện đầy chân thực mà lay động lòng người.
Được sự đồng ý của NXB Phụ Nữ, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách. Dưới đây là câu chuyện về những người phụ nữ trong cuộc đời nhà cách mạng, nhà sử học Trần Huy Liệu qua bài viết của con trai - nhà văn Trần Chiến.
Trong di chúc viết những ngày cuối đời, bố tôi ghi: "Tôi có hai vợ và sáu con cả trai lẫn gái. Vợ tôi, Nguyễn Thị Tý, đã từng sống với tôi trong những ngày gian khổ, giúp đỡ sự nghiệp cách mạng của tôi. Tôi không bao giờ phụ tình. Đề nghị sau khi tôi chết, cho vợ hai tôi là Nguyễn Thị Hy và hai con tôi là Trần Nguyệt Quang và Trần Trường Chiến về dự tang lễ của tôi một cách chính thức và đi lại với gia đình cho vui".
Bố tôi nhỏ người, chân tập tễnh do bị đánh trong tù, mắt không được “trong sáng” vì nước quê nhà không mấy vệ sinh, thường gọi “ông lòe”. Vậy mà hóm hỉnh, lãng mạn. Bị dong từ Hà Nội lên nhà tù Sơn La, thấy cô gái Thái bên đường ông cũng “Gặp nhau chẳng hỏi chẳng chào/ Xa nhau vẫn thấy nao nao trong lòng”. Và đào hoa. Giữa “chính thất” và “kế thất” còn người nữa, không có con với nhau, nên tôi “tính cả thẩy” là hai bà rưỡi.
Ông bà Trần Huy Liệu - Nguyễn Thị Tý cùng các con ở quê nhà năm 1945. |
Không có bà (Nguyễn Thị Tý), liệu đã có nhà cách mạng Trần Huy Liệu?
Bà Nguyễn Thị Tý là con một ông lang cùng huyện Vụ Bản, Nam Định, lấy chồng sớm và hơn chồng một tuổi, có lẽ để “cậu” Liệu biết đường mà chững chạc sớm, theo cách nghĩ của ông bà nội tôi. Hẳn đây là một cuộc hôn nhân xếp đặt, giữa các đấng sinh thành, vì nhà xa nhau, đều còn “trẻ con”, hai người chả làm gì có chuyện tìm hiểu, hẹn hò. Ông nội tôi có tiếng hay chữ trong vùng nhưng buổi Nho tàn, quê nghèo, mấy ai dư dật đãi thầy đồ. Các bác gái tôi thường phải sang tận Thái Bình cắt rau về, nhà ăn cám nuôi cơm rượu lũ đòi nợ đến báo cô.
Khỏe mạnh, tần tảo, không ngại việc, bà Tý xứng là con dâu trụ cột trong cái gia đình tiếng cả mà chẳng sang. Tính toán miếng ăn độ nhật, lo giỗ chạp, bà làm đủ việc của nhà nông, sau này buôn nước mắm và nhiều nghề khác đắp đổi qua ngày. Phải ông chồng hay “xiêu bạt”, không chịu nổi đời tù túng làng nghèo, vào Nam lập nghiệp trong làng báo, lập đảng Thanh niên, ngã vào Quốc dân đảng rồi chuyển sang Đảng Cộng sản Đông Dương, bà chẳng yên được nào. Bố tôi làm cách mạng, lấy ở tù làm “nghiệp”, thì bà, ở ngoài, chắc còn vô vàn khổ cực. Sau khi hai con đầu mất ở quê, bà theo chồng vào Nam, đẻ anh Diễm, chị Vân ở Sài Gòn. Chị Hồng ra đời giữa hai đợt “du lịch” của bố tôi ở nhà tù Côn Đảo và Sơn La. Còn anh Công, sau này là họa sĩ, là kết quả chuyến thăm chồng đang ở căng (trại) Bá Vân, Thái Nguyên, bên dòng sông Công. Kể bây giờ nghĩ lại thấy các cụ có sức sống ghê thật, và cái nhà tù đế quốc nó cũng phải thế nào...
Vấn đề sống của gia đình đã trở nên nghiêm trọng khi có thêm ba miệng ăn nữa. Giá gạo ở đây lên tới ba vạn đồng một tạ... bà Tý đã chỉ huy vỡ đất giồng thêm sắn và làm cỏ những vườn chè bỏ hoang để lấy chè bán. Như vậy, kết quả những hoa lợi trong vườn chỉ có thể là món ăn phụ với gạo.
“Hoa màu nhà ta đã có kết quả nhiều. Cà chua và su hào đều sai quả và to củ. Giàn su su cũng rất nhiều triển vọng”.
Những dòng nhật ký trên, bố tôi ghi năm 1951 về giai đoạn “gia đình lớn” ở vùng tự do Thái Nguyên, cho thấy công lao duy trì cái gia đình của má tôi để cho ông được tang bồng phỉ chí lớn thế nào. Không có bà thì liệu có nhà cách mạng Trần Huy Liệu? Bố tôi có yên lòng bỏ lũ con lít nhít đâu đó, cho ai đấy, để ra đi làm những việc thỏa mãn lòng yêu nước của mình? Khó hình dung lắm.
Lại “nỗi” khác để “chết”. Ơn vợ bề bề, ông Nho gia xuất thân ấy lại yêu những Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ rất phóng túng. Không thỏa mãn với người vợ xếp đặt, ông phải yêu, phải đèo bòng nữa. Đâm bà đa mang.
“Nửa tập” của Trần Huy Liệu
Nửa “tập” của bố tôi, nằm giữa “chính thất” và “kế thất” là bà Phạm Thị Bách, có lẽ sinh năm 1912... Tôi được gặp bà bảy, tám lần, cảm tưởng là rất sắc sảo, chủ động, dù đã cao tuổi. Câu chuyện tình thật ly kỳ và cảm động, dù bố tôi để lại sự dở dang cho bà. Nó nói lên cái bản tính khó thỏa mãn, khát vọng yêu và được yêu của bố tôi, cũng cho thấy luôn sự thay đổi của ông về mặt văn hóa.
Sau vài lần vào khám “vặt”, năm 1929, bố tôi lãnh án 5 năm ra Côn Đảo... Bà Bách theo chị họ là Phạm Thị Hồng ra mở nhà hộ sinh ở đây năm 1930... Nhà hộ sinh của hai bà ngoài đảo là cơ sở chuyển giao tài liệu, quà cáp bí mật giữa đất liền và tù nhân. Banh 2 của bố tôi có người quen bà Hồng, chả biết thế nào mà “xảy ra” cuộc xướng họa của ông và bà Bách (trong vai bà Hồng), để lại tương tư trong lòng người đang lao lý [...] Cuộc “đùa dai” đứt đến năm 1935 thì nối lại, khi bà thấy tên ông trên báo Tiếng vang.
Bà Phạm Thị Bách có cuốn hồi ức Những ngày xa xưa ấy, chủ yếu về mối quan hệ với bố tôi. Bí mật được bật mí trong thư bà gửi ông, từ Sài Gòn ra Hà Nội khoảng năm 1935 - 1936, khi người trong mộng của ông mang tên Phạm Thị Hồng đi lấy chồng.
"Ngay từ bức thư đầu tiên anh viết cho Hồng cho đến bức thư ngày hôm qua mới nhận được, trong toàn bộ những bức thư ấy đã diễn tả một giai đoạn từ tình bạn sang tình yêu mà anh đinh ninh giữa anh và Hồng. Sự thật không phải vậy, mà người ký tên ấy là em, chỉ là em thôi! Lý do: Hồng giao cho em trả lời tất cả thư từ, em có hỏi lại... cả thư anh Liệu nữa sao? Hồng trả lời cụt ngủn: “Tất cả chẳng từ một ai”... Em hiểu ngay Hồng chẳng có chút tình cảm riêng tư gì với anh cả. Lẽ ra, em nên nói cho anh biết lúc ấy. Nhưng, không biết vì cơn cớ gì, đã xui em... viết tiếp cho anh... Hồng không lừa anh mà chính em lừa anh và căn nguyên sự lừa lọc ấy chỉ là một tình yêu cuồng nhiệt không kịp suy nghĩ, thế thôi.
Từ nay chúng ta sẽ không bao giờ gặp nhau nữa, nhưng luôn luôn trong lòng em vẫn có một chỗ cao quý nhất, sâu kín nhất để tôn thờ hình ảnh của anh"...
Trần Huy Liệu, từ Hà Nội, ngay lập tức viết lại cho bà Hồng “giả”, tức Phạm Thị Bách: "Anh tha thứ tất cả cho em và càng yêu quý em nhiều hơn. Vậy từ nay em hãy vui vẻ và yên ổn khi mang tên anh, đừng nghi ngại gì cả. Gửi cho em tất cả những cái hôn nồng cháy và thương nhớ".
Hồi ký Những ngày xa xưa ấy ghi tiếp: "Suốt đêm hôm ấy tôi không sao ngủ được... Tôi dự tính khi nào Hồng đi chơi về sẽ nói hết sự thực cho Hồng nghe, xin Hồng giúp tôi mở một nhà bảo sanh khác để sau khi có căn bản làm ăn sẽ tính đến việc thành hôn với anh Liệu. Còn cách đối phó với chị Liệu ra sao thì lúc ấy tôi còn trẻ người non dạ, nhất là chưa kinh nghiệm về chuyện chồng đôi vợ ba, cứ nghĩ đơn giản anh Liệu đã thương tôi nhiều đến thế, thì hẳn là anh thu xếp được việc nhà, không để đến nỗi tôi phải dở dang".
Sau án cấm cố Côn Đảo, bố tôi bị trục xuất khỏi Nam Kỳ, về quê rồi lại lội lên Hà Nội, làm báo Tin tức, Đời nay... trong thời kỳ Mặt trận Bình dân bên Pháp thắng thế. Không thể vào Sài Gòn, hai người hẹn gặp nhau ở Huế...
"Một đêm khuya thức giấc, anh Liệu thở dài và nói với tôi thế này: “Em có biết những lúc chúng ta vui vẻ thế này thì má thằng Diễm (tức bà Tý) ở nhà làm gì không?”... “Bà ấy ăn trầu em ạ... Thì bà ấy buồn mà lại. Em có biết rằng anh vắng nhà bao nhiêu đêm thì bấy nhiêu đêm bà ấy thức suốt sáng. Những lúc ấy dĩ nhiên phải ăn trầu miếng nọ tiếp miếng kia chứ ngồi không sao được”... Tôi bỗng thấy như có một mũi dùi nung đỏ đâm suốt qua trái tim mình. Tôi thật sự đã hiểu hết cái khổ của một kẻ yêu chồng người khác” (Trích Những ngày xa xưa ấy).
Má tôi (bà Tý), chả thể bằng lòng, đơn giản nhưng quyết liệt, yêu cầu đoàn thể cắt đứt mối quan hệ này. Về phần mình, tổ chức chắc cũng chả muốn nó kéo dài, vì từng biết bà Bách bảo bố tôi nhạy cảm, không hợp với chính trị. Một cuộc họp ở tòa soạn báo Tin tức, và các “đương sự” diễn ra, tuyên bố rằng đảng viên không được lấy hai vợ. Bà Bách suy sụp trở về Nam, trách bố tôi coi “phu thê như y phục”. Phần mình, dù không dứt được tình, bố tôi đối mặt ngay với tù ngục, lần này là Sơn La.
Chiến tranh, chia cắt rồi lại chiến tranh. Bằn bặt. Sau năm 1975, nhà sử học Phan Huy Lê vào Đà Lạt, bà Bách tìm gặp, kể sau này truân chuyên vài lần nữa “nhưng không ai được như ông Liệu”. Rồi bà ra Bắc thăm ông, đã nằm dưới đất.
Bà Phạm Thị Hy (Sửu) cùng con trai cả ở Huế trước năm 1945. |
Bà hai - hoa khôi Hàng Đường
Mẹ tôi tên là Nguyễn Thị Hy, sinh năm Quý Sửu 1913, ở nhà thường gọi là Sửu. Nhiều người bảo bà là “hoa khôi Hàng Đường” nhưng trong ký ức, tôi thấy bà có những đường nét hài hòa tạo nên cái vẻ buồn buồn...
Ông ngoại tôi là cụ Nguyễn Văn Ngọc, đốc học tỉnh Hà Đông, soạn những sách Cổ học tinh hoa (chung với cụ Trần Lê Nhân), Nam thi hợp tuyển, Tục ngữ phong dao, Đào nương ca... Chín người con sinh ra không “đậu” cả, mẹ tôi trở thành con gái lớn. Hiệu sách Vĩnh Hưng Long thư quán ở Hàng Đường của ông tôi, nhiều “cậu” thông phán, ký lục, học trò trường Bưởi ghé lại mua bút chì, thước kẻ, cốt nhìn mặt cô Sửu.
Ông ngoại tôi đồng hương Hải Dương, đồng môn trường Thông ngôn với học giả Phạm Quỳnh, bèn gả con cho nhau. Mẹ tôi lấy chồng rất sớm sau nhiều năm được sêu Tết, anh Vinh tôi ra đời khi bà mới mười chín tuổi. Là dâu cả cụ thượng thư, nhà có người hầu, nhưng sáng sáng bà dậy sớm đun nước cho bố mẹ chồng rửa mặt, pha chè. Bà là người an phận, được dạy dỗ theo kiểu cổ điển, không được xem Truyện Kiều (dù vậy, hồi trẻ, có lần tôi về nhà vài ngày, khi đi nghe mẹ đọc "Dẫu vui sum họp đã sầu chia phôi") và truyện Tự lực văn đoàn lãng mạn, nhưng không đáp ứng được ông chồng “tân tiến”; ông Phạm Giao “lập” bà hai hiện đại, biết đi xe đạp, mặc váy... Sau nhiều đau khổ, tủi phận, mãi tới năm 1943, với lý do bố mất (1942) phải trông nom các em, mẹ tôi mới đem anh Phạm Dũng ra Bắc được, còn anh Vinh, đích tôn, ở lại Huế với ông bà Phạm Quỳnh đến mãi sau này.
Năm 1945, như nhiều người dân, mẹ tôi hồ hởi chào đón nền độc lập, biết đến những nhân vật đình đám trong chính trường, trong đó có Trần Huy Liệu. Tuần lễ vàng, bà bế anh Dũng bảy tuổi lên để bỏ vàng vào thùng quyên góp ở gò Đống Đa. Ông ngoại tôi đã mất nhưng ngôi nhà ở Thái Hà Ấp vẫn đông đúc. Do xung đột với Quốc dân đảng, cán bộ Việt Minh ban ngày đến trụ sở ngoài phố, tối lui về cơ sở ở ngoại ô tránh nguy hiểm, chỗ Thái Hà Ấp chủ yếu là người của Văn hóa cứu quốc như Xuân Thủy, Nguyễn Đình Thi, Văn Tân... Trần Huy Liệu là Việt Minh gộc đã đành, lại từ Quốc dân đảng “chạy” sang, càng là mục tiêu báo thù.
Đi về nơi đây, ông thấy mình bắt đầu cảm mến người thiếu phụ có vẻ đẹp buồn buồn, chờ buổi tối được bà mang cho bát chè đường nấu kiểu hàng phố. Gia đình là cơ sở tin cậy, ông biết thế. Nhưng bà chủ lại vốn là dâu con ông thượng Nam Triều, ông cũng biết thế. Sự quyến rũ thật khó cưỡng, và hẳn bố tôi phải không ngừng tự cảnh tỉnh hậu quả chữ “đa thê” mà tổ chức từng áp dụng vào mình. Còn mẹ tôi, an phận và yếu ớt, đâu có lạ gì cái vị “chồng chung”.
“Chiến tranh Pháp - Việt không tránh được. Chị đã chuẩn bị đi đâu chưa”. Một hôm, bố tôi nói thế. Và gửi mẹ tôi mấy bồ sách đem lên chỗ tản cư. Phần mình, ngoài đồ đạc, mẹ tôi có cả bồ tạp chí Thanh Nghị.
Cái sự phải đến đã đến ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc, nơi ông tôi có cái ấp ở làng Bồ Tỉnh, dưới chân núi Con Voi. Trong vai người tuyên truyền của bộ máy kháng chiến, bố tôi đi nhiều nơi, trong đó có vùng an toàn khu Lập Thạch. Chị Trần Nguyệt Quang ra đời năm 1947, bố tôi gặp khó với tổ chức, đã đành, mẹ tôi phải điều tiếng “con dâu Việt gian dụ dỗ cán bộ”. Đứa con của kháng chiến còi cọc, ghẻ lở, lớn lên giữa những chú bộ đội đóng trong nhà. Ông tôi để lại ruộng, mẹ tôi cho cấy rẽ, nhờ tô tức mà không đến nỗi thiếu thốn, đóng góp cho kháng chiến không ít.
Bố tôi, giữa những đợt đi công tác tuyên truyền, lộn qua lộn lại đôi sườn Tam Đảo, bên Thái Nguyên có cơ quan, gia đình lớn, bên Vĩnh Phúc là vợ con “nhỏ”. Tôi ra đời năm 1951, ba tuổi “tham gia” cải cách ruộng đất: Mẹ bị cô lập, tôi hô “Đả đảo địa chủ” theo tiếng hô của nông dân bên ngoài. Nhờ sự can thiệp của bố, hai chị em “thoát ly” mẹ lên với họ hàng ở Lạng Sơn. Ấp Bồ Tỉnh còn lại “hoa khôi Hàng Đường”, trơ trọi, tuyệt vọng trong vòng vây của những người nông dân mà bà chả làm gì ác độc, và bệnh lao tàn phá. Năm 1954, nhờ có tiền thoái tô trong Thành gửi lên, bà được thoát, ra Vĩnh Yên bằng cáng rồi về tới Hà Nội.
Đối với mấy anh chị em cùng mẹ, chúng tôi thương yêu, nhường nhịn nhau, không tranh giành tham lợi, và khi ra ngoài cũng thật ít ham hố; đấy là cái “đức” bà để lại, lắm khi làm con cái thiệt thòi vì ngại va chạm. Một nét nữa tôi cũng nhớ là tuy không giỏi bươn chải, bà lại rộng rãi, thích nấu nướng rồi nhìn con em kéo bạn bè đến ăn, niềm vui phải trả giá không ít thời tem phiếu ngặt nghèo.
Bố tôi mất năm 1969, là một sự kiện trong quan hệ gia đình. Con cái lớn khôn, đi xa cả, chả còn gì để “độc tôn sở hữu” nữa, hai bà vợ xích lại, chị chị em em với nhau. Rồi hai bà kéo nhau “đi”, chỉ cách có sáu ngày, người nhà cuống lên sợ trùng tang. Tôi không tin điều ấy, nhưng thỉnh thoảng phải nghĩ đến sự ngẫu hợp, những ý nghĩa mông lung như tơ trời. Cuộc sống của bố tôi phức tạp, nặng nhọc, đành là thế, nhưng ông được hưởng phúc của ít nhất là ba người đàn bà mang lại.