Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tình cảm của Nguyễn Tuân với người liệt sĩ trung đoàn thủ đô

Khi ăn mừng tiểu đoàn 54, trung đoàn Thủ đô hạ đồn Đại Bục, Nguyễn Tuân và Tô Hoài nâng bát rượu uống trong im lặng để viếng hương hồn người chiến sĩ trinh sát vừa hy sinh.

Đó là chuyến Nguyễn Tuân, Tô Hoài cùng một số văn nghệ sĩ khác như Chính Hữu, Lương Ngọc Trác tham gia đi thực tế cùng Trung đoàn Thủ đô (Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 ngày nay) trong chiến dịch Sông Thao tháng 5/1949, tiêu diệt một chuỗi cứ điểm hành lang bờ sông Thao án ngữ Tây Bắc, từ các đồn Đại Bục, Đại Phác, Khe Pịa, Ngòi Mác, Mã Yên Sơn lên đến đồn tiểu khu Phố Ràng.

Chuyến đó, Nguyễn Tuân cùng với Tô Hoài đi cùng tiểu đoàn 54, đơn vị chủ công của trung đoàn do Vũ Lăng làm tiểu đoàn trưởng, đánh đồn Đại Bục để kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 19/5. Đây cũng là chuyến đi thực tế chiến đấu đầu tiên của Nguyễn Tuân. Tiểu đoàn 54 cũng là đơn vị “em nuôi” của Hội Văn nghệ mà Nguyễn Tuân là Tổng thư ký.

Trong trận này, Nguyễn Tuân và Tô Hoài suýt chút nữa là hy sinh vì trước giờ nổ súng, một cánh quân địch đi lùng sục đã qua nơi tiểu đoàn bộ đóng quân, nhưng trận đánh "tao ngộ chiến" chỉ xảy ra chốc lát và sở chỉ huy của tiểu đoàn vẫn giữ được bí mật.

Nguyen Tuan,  To Hoai,  Cat bui chan ai,  trung doan thu do,  Thuy Ta anh 1
Nhà văn Nguyễn Tuân trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Trần Văn Lưu.

Trong cuốn hồi ký Cát bụi chân ai (NXB Hội nhà văn, tái bản 2017), Tô Hoài kể về kỷ niệm với Nguyễn Tuân trong những năm thập kỷ 1960, khi hai ông ngồi quán cà phê vỉa vè ở ngã sáu Bà Triệu, Hà Nội. Nguyễn Tuân hỏi:

- Có nhớ Két không?

- Tay Két trinh sát tiểu đoàn 54?

- Cứ ngồi đây mình lại nhớ nó. Không hiểu sao.

Từ đó, Tô Hoài lần ngược lại kỷ niệm về cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ giữa người khách quen của nhà hàng Thủy Tạ những năm trước chiến tranh với người hầu bàn cũ, ngay trước trận đánh:

Chập tối ấy, bộ đội qua sông xuống đò bến đền Đông Cuông gần Mậu A, rồi hành quân suốt đêm vào hậu địch để kịp chiều hôm sau đánh đồn Đại Bục. Tình cờ, chúng tôi gặp lại Két ở Mậu A, Nguyễn Tuân quen Két của Trung đoàn Thủ đô.

Các chiến sĩ quần áo bà ba đen như chúng tôi. Bộ đội được phát như thế nào thì mặc nấy, áo nâu, áo đen, có khi nhuộm lá cơi, nhuộm pin xanh sẫm, thâm xịt. Đã xế chiều, người ngồi đen ngòm sân đền Đông Cuông. Trung đội trưởng Két trong đám chiến sĩ, người hầu bàn nhà hàng Thuỷ Tạ Bờ Hồ năm trước, bây giờ là trung đội trưởng trinh sát đã trông thấy cái ông nhà văn hay uống uýt ky, quăng trô xếch ở Thuỷ Tạ lúc chặp tối sao ông ấy lại lên tận đây thế này. Mà đội mũ vải ka ki xám, mặt lành lạnh như phái viên cấp trên xuống. Két đến trước mặt Nguyễn Tuân:

- Ông...

Nguyễn Tuân giơ cái gậy tre, nắm tay Két.

- Anh Két! Đồng chí Két! Tôi cũng sang sông đêm nay. Đồng chí ở 54 à?

- Vâng ạ.

Chỉ một thoáng, mọi người hối hả về sửa soạn. Suốt chặng đường vào sâu trong kia, Nguyễn Tuân mong gặp lại Két. Như còn bao nhiêu chuyện mấy năm qua chưa nói hết. Suốt đêm ấy, mù mịt bóng sương, hơi nước và lầy lội, hầm hập.

Thế rồi trận đánh diễn ra quyết liệt từ 5 giờ chiều ngày 19 tháng 5, đến 8 giờ tối chưa giải quyết xong lô cốt cuối cùng.

Tô Hoài, trong ký sự Ngược sông Thao, mô tả về hình ảnh Nguyễn Tuân đầy hào hùng thúc giục bộ đội công đồn để hạ đồn Đại Bục:

Cái trống nhà chánh tổng treo đầu hồi ngoài nhà sàn không biết ai đã khiêng ra vứt lăn lóc giữa sân. Một đám vác xác người chạy qua. Nguyễn Tuân quần áo đen như hung thần hiện lên, tay cầm dùi trống, mấy chiến sĩ quay ngược nện báng súng vào mặt trống. Cả đám người xông đến đánh trống ngũ liên thúc trận quyết hạ cái lô cốt cuối cùng lừng lững trước mặt. Mấy lính Thái gan lỳ vẫn dai dẳng bắn xuống phát một. Nhiều chiến sĩ đã bị đạn tỉa chết. Một tổ tiêm kích bắc thang trèo lên thả lựu đạn vào lỗ châu mai. Đã hơn 8 giờ tối. Tiếng súng im như tắc họng...

Nửa đêm, cả ban chỉ huy 54 lên một cái nhà sàn còn sót lại trong xóm xung quanh vẫn cháy rực. Chiếc dùi trống cái thò một đầu trên ba lô Nguyễn Tuân. Cạnh bếp, một cái thùng đựng rượu vang to bằng cái vại sành đặt trên cái gốc cau đã thủng toang một mặt ván. Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng tới chiều qua ở bên kia sông, mặt mày còn phẳng phiu, bây giờ râu na quai nón đã trổ đen ngòm.

Tiểu đoàn trưởng giơ bát rượu vang: "Đúng hẹn với các anh nhé. Chúng ta vào uống rượu giữa đồn Đại Bục. Nào các anh! Mời ông Nguyễn". Một lúc, Nguyễn và tôi nâng hai bát trước mặt, nhưng không đụng cốc, chúng tôi uống im lặng viếng hương hồn người bồi bàn - chiến sĩ trinh sát, trung đội trưởng Két - đã hy sinh trong một đợt xung phong lúc nãy.

Sau chuyến đi này, Nguyễn Tuân đã viết ba bài bút ký Bàn đạp, Lửa sinh nhậtĐời lại mấy mươi tuổi. Bài thứ nhất có nội dung là việc chuẩn bị sau khi tới khu vực tập kết, bài thứ hai là diễn biến trận đánh, bài thứ ba là chứng kiến cái vui trong vùng vừa giải phóng.

Theo Tô Hoài, cái tình với chiến sĩ và với Trung đoàn Thủ đô của Nguyễn Tuân tuyệt nhiên không phải ngẫu nhiên. Vì người con trai lớn của Nguyễn Tuân đã là một trong những cán bộ chỉ huy đầu tiên của đơn vị từ sáu mươi ngày đêm chiến đấu trong lòng Hà Nội ở Liên khu I.

Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài viết tiếp:

Mỗi khi ngồi trông ra sóng hồ lăn tăn lẫn bóng liễu, bóng chiều, bóng bia hơi và sáng đèn quanh chân cột sàn nhà Thuỷ Tạ, lại nhớ. Thế mà là thật, những gắn bó xưa sau. Vui chuyện, Nguyễn Tuân hay nói một câu, một câu nói đi nói lại:

- Ừ! Phải viết chuyện ấy rồi phải viết.

Những từng trải và kỷ niệm cả đời thúc giục, đã viết ra đấy, nhưng chưa được mấy. Mỗi ngày qua trở thành một thấm thía, khi chợt nhớ, đêm nay ngồi quán cóc ông lão 81 lại nhớ người hầu bàn nhà Thuỷ Tạ Bờ Hồ xưa kia.

Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm