|
NXB Hà Nội và Thái Hà Books vừa cho ra mắt cuốn Đời của Mệ của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông - nguyên Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa miền Trung; giảng viên Dân tộc học - Nhân học, Đại học Tổng hợp Huế.
Nguồn gốc của từ “Mệ”
Cuốn sách được tác giả tái hiện sinh động, thể hiện sự đa dạng, những nét đặc trưng mang tính khí của con người xứ Huế.
Đặc trưng đó được tạo nên từ chất “Mệ” - vốn là thứ đặc sản của giới quý tộc Nguyễn - theo thời gian lan tỏa trong dân gian, tạo nên tính cách con người vùng đất này.
Bìa sách Đời của Mệ. |
Trong Lời thưa cho chuyện của Mệ, TS Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa miền Trung - có những lý giải nguồn gốc của từ “Mệ” từ góc độ của các ngành khoa học xã hội: Lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo, nhân học, dân tộc học.
Ông Hằng cho biết trong thổ ngữ vùng Huế, tiếng "Mệ", "Mụ" rất gần gũi, thân thương.
Trên hành trình mở cõi của dân tộc, gốc Việt Mường cổ xưa đã tiếp xúc hài hòa với yếu tố bản địa phương Nam ở Thuận Hóa để định hình hồn cốt trong con người xứ sở này.
Từ buổi đầu, người Việt sớm chuyển hóa Bà mẹ xứ sở Poh Inư Nagar thành Thiên Y A Na và cô đọng thành Thiên Mẫu, dân gian quen gọi Thiên Mụ. Người Việt lại đưa Bà trời Áo Đỏ ở đồi Hà Khê, hay núi Hòn Chén, về hóa thân thành Quan Âm, khai sinh chùa Thiên Mụ.
Phật giáo hòa quyện Đạo giáo và những phương thuật trong tín ngưỡng dân gian để hóa giải vận hạn, giúp hoàng gia chúa Nguyễn vượt qua tai ách.
"Mệ" từ đó được tôn xưng cho hoàng gia chốn cung nội, rồi mở rộng dần, chỉ danh phận, cốt cách riêng có của họ. Nó lan dần trong tâm thế, nếp nghĩ suy của lớp lớp chủ nhân chốn kinh đô và cả cố đô.
Trong bài Mệ tự bạch, tác giả Nguyễn Hữu Thông cho biết: “Mệ Huế” là từ gọi không chính thức, nhưng thường được sử dụng, nhất là khi người ngoại tỉnh muốn so sánh tính cách của người Huế với nơi khác. Nó vừa bao hàm ý nghĩa thân mật, pha chút dí dỏm, nhưng không phải có dụng ý của người so sánh.
“Các Mệ” là từ dùng để chỉ tầng lớp quý tộc Nguyễn, các hoàng thân cư trú trong nội, ngoại thành ở những phủ đệ quanh Huế.
Từ nghĩa hẹp ấy, “Mệ Huế” đã trở thành khái niệm bao hàm một số thuộc tính của người Huế, hằn lên trong tính cách và lối ứng xử, khiến trong nhận xét của người nơi khác, ở một chừng mực nào đó, không còn dành riêng để chỉ tầng lớp quý tộc Nguyễn nữa.
Danh phận và ý thức dòng dõi
Tác giả còn cho biết thêm dưới triều Nguyễn, nhất là từ triều Tự Đức trở đi, tầng lớp quý tộc đã bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn. Không ít người thuộc tầng lớp hoàng gia Nguyễn sa sút, thậm chí thiếu thốn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông. Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế. |
Họ đã hoàn toàn mất sự đồng bộ giữa thực tế với danh phận trong xã hội quân chủ.
Các “Mệ Huế” đã tồn tại như thế suốt thời gian còn lại của các triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
Vòng “nguyệt quế” dành cho giới hoàng thân đương thời, dù là ảo ảnh vẫn không thể rời khỏi tư thế và nếp nghĩ của “Mệ”.
Cho nên “Mệ vẫn phải luôn ý thức để giữ đúng danh phận là dòng dõi con vua cháu chúa, trong nếp sinh hoạt, nói năng, phong thái ứng xử".
Do vậy, không có gì hơn là các "Mệ" tự tạo “vầng sáng” cho mình bằng một hệ ứng xử xã hội, đồng bộ với thân phận. Đó cũng là cách để các "Mệ" cố gắng bảo vệ nếp quyền quý mà thời gian và lịch sử đe dọa tước mất.
Cũng đề cập việc này, trong lời thưa, ông Hằng cho biết các "Mệ" cũng luôn bảo toàn được di sản tinh thần, trông lên ngó xuống để sống, hành xử cho không thẹn với lòng, với tổ tiên, với trời đất và với tha nhân.
"Mệ" noi gương tiền nhân, làm gương cho hậu bối và ráng làm điều tốt đẹp nhất cho gia môn, có “phương danh” và để lại “phước đức” cho con cháu, cho đời. Khi không làm được gì tốt đẹp cao xa thì cũng tối kỵ, không được làm điều xấu xa, “tạo nghiệp”, ô danh gia tộc.
Lý tưởng quân tử của xã hội truyền thống chưa xa tựa như sự “bao đồng” kiểu “vác tù và hàng tổng” luôn thường trực trong "Mệ": Trăn trở với khát vọng xả thân, đau đáu với nỗi đau của tha nhân, dù chỉ là “dài lưng tốn vải”, có khi gia cảnh “chạy gạo”.
Chuyện "Mệ" thả om, chơi ca Huế ngủ đò sông Hương thâu đêm, hay chơi lan tỉ mẩn đầy triết lý từ ngọn lá mà chẳng phải từ hoa, chút rau dại trong vườn cùng tép khô, cá mụn nhưng mâm cơm như hóa rồng hóa phượng… cho thấy "Mệ" thật tài hoa trong sự khốn khó nghiệt ngã của hoàn cảnh. "Mệ" đáng được thông cảm, sẻ chia hơn là mỉa mai, hờn trách.