Cuối thế kỷ 18, John Barrow - một nhà du hành, chính trị gia người Anh - đến vùng biển Đà Nẵng. Ông đã ghi chép, tường thuật lại những điều trông thấy trong tập khảo luận về xứ Đàng Trong - Nam Hà. Mới đây, ba chương trong tập sách của John Barrow được Nguyễn Thừa Hỷ dịch, xuất bản tiếng Việt với tên Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793). Bên cạnh những ghi chép về địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội, tác giả cũng dành một phần dung lượng viết về vua Gia Long (Nguyễn Ánh) mà ông có dịp tìm hiểu.
Dậy từ 6h, làm việc tới 2h sáng
Nhà du hành người Anh mô tả Nguyễn Ánh: “Vóc người của nhà vua cao hơn bình thường một chút, nét mặt cân đối và đáng mến, nước da đỏ hồng, rám sạm nhiều vì thường xuyên dãi dầu nắng gió. Vào những năm 1806, nhà vua đã gần 50 tuổi.
Chân dung vua Gia Long (Nguyễn Ánh). |
Thời gian biểu của vua được điều chỉnh để ông có thể tham gia tốt hơn vào việc cai trị. Một ngày của vua được miêu tả khá đầy đủ trong cuốn sách của John Barrow.
Vua sẽ dậy vào lúc 6h sáng và tắm nước lạnh. Tới 7h, vua tiếp các quan, tất cả thư từ tấu biểu nhận được của ngày hôm trước đều được tuyên đọc. Mệnh lệnh của vua về những tấu biểu này đều được ghi lại tỉ mỉ.
Sau đó ông đi đến các xưởng quân dụng hải quân, xem xét công việc đã được thực hiện khi ông vắng mặt, cho thuyền chèo quanh các hải cảng, kiểm tra những thuyền chiến. Sở quân cụ, lò đúc trong các xưởng binh khí, những cỗ súng đại bác... được vua đặc biệt quan tâm.
“Khoảng 12h trưa hoặc 13h, ông dùng bữa ngay tại xưởng đóng tàu, gồm có một ít cơm ăn với cá khô. Lúc 14h, vua lui về phòng mình và ngủ cho tới lúc 17h. Khi đó, vua trở dậy, hội kiến với các sĩ quan quân đội và hải quân, người đứng đầu các tòa án hay các công sở, tán thành, phản bác hoặc sửa chữa bất cứ đề nghị nào họ đưa ra”, John Barrow viết. Và những việc quốc gia đại sự này thường làm ông chăm chú đến tận nửa đêm.
Sau đó, ông sẽ về tư thất để ghi chú tài liệu, tổng hợp những việc trong ngày. Trong khoảng thời gian đó, nhà vua sẽ ăn nhẹ, sum họp gia đình chừng một giờ đồng hồ.
Ông xem xét các việc quốc gia đại sự tới 2h hoặc 3h sáng thì đi nằm. “Như vậy, ông chỉ nghỉ ngơi khoảng 6 tiếng vào hai quãng thời gian trong vòng 24 giờ”, John Barrow kết luận.
Một ngày của vua Gia Long. Tranh: Dương Vũ / Linhs |
Thói quen ăn uống của vua cũng được John Barrow ghi lại. Theo đó, Nguyễn Ánh không uống rượu Tàu hay bất cứ đồ uống có cồn nào. Đồ ăn uống thường ngày của ông là một ít thịt, một ít cá, cơm, rau quả, nước trà với bánh bột nhẹ.
Sách cũng cho rằng Nguyễn Ánh là “một chiến binh hoàn hảo”, người dũng cảm mà không liều lĩnh, nhiều mưu lược mỗi khi cần phải vượt khó khăn. Ông cư xử quyết đoán, không nản chí trước khó khăn; thận trọng trong quyết định.Trong chiến trận, ông cầm đầu đạo quân, ông luôn hồ hởi, vui tính và quan tâm tới cấp dưới. Người ta nói ông thuộc tên phần lớn những người lính trong quân đội của mình.
Niềm nở, nhã nhặn với người ngoại quốc, học hỏi kỹ thuật phương Tây
Nguyễn Ánh trong mô tả của John Barrow là người cư xử niềm nở, nhã nhặn với người ngoại quốc. “Ông rất quan tâm đến những sĩ quan người Pháp phục vụ ông, đối xử với họ rất lịch thiệp, thân mật và dễ chịu… Ông công khai tuyên bố rất kính trọng giáo lý của đạo Cơ Đốc, khoan dung với tôn giáo này, và tất nhiên, cả với những tôn giáo khác trong vùng lãnh thổ của ông”, sách viết.
Ông là người tuân thủ lễ nghi về đạo hiếu đã được ghi trong các kinh sách Khổng Tử. Ông hiểu biết kỹ các tác phẩm của những tác giả Trung Hoa xuất sắc. Nguyễn Ánh cũng đọc và hiểu nhiều đoạn của bộ bách khoa toàn thư (Encyclopédie) mà giám mục Adran đã dịch sang chữ Hán cho ông. Qua đó, ông nắm vững được không ít kiến thức về kỹ thuật, khoa học châu Âu, đặc biệt lưu ý những gì liên quan đến thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu.
John Barrow ghi chép lại một nguồn tin rằng vua Gia Long đã quyết tâm tìm hiểu, nắm vững lý thuyết cũng như thực hành việc đóng tàu. Nhà vua mua một chiếc tàu Bồ Đào Nha chỉ để tháo rời ra thành từng bộ phận, từng tấm ván một, rồi tự tay lắp vào một tấm vấn mới có hình dạng tương tự cái cũ mà ông đã tháo ra, cho tới khi mọi thanh sàn tàu, xà ngang tàu, thanh gỗ khớp nối được thay thế bằng những cái mới.
Sách Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793). |
Nhà vua được coi như xung lực chủ yếu của mọi cuộc cải cách trong vương quốc. Ông là người quản đốc các cảng biển và các kho quân dụng, thợ cả trong các xưởng đóng tàu, kỹ sư trưởng trong mọi công trình. “Trong việc đóng tàu, không có cái đinh nào được đóng mà không có sự tham vấn ban đầu của ông, không có một khẩu đại bác nào được đưa lên vị trí mà không có lệnh của ông”, sách viết.
Vua Gia Long (Nguyễn Ánh) sinh ngày 8/2/1762, mất ngày 3/2/1820, là vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời, được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Thế Tổ.
Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà là một phần trong tập biên khảo của John Barrow viết về khoảng thời gian ông lưu lại vùng biển Đà Nẵng (cuối thế kỷ 18). Xứ Nam Hà ở đây là vùng đất phía nam. Sách vừa miêu tả, tường thuật những gì mà John Barrow trông thấy, bên cạnh đó là những nghiên cứu, tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu về kinh tế, chính trị, lịch sử, xã hội của vùng đất.
John Barrow (1764-1848) là một nhà du hành, chính khách người Anh. Với tính năng động, tinh thần phiêu lưu, ông đã đến nhiều nơi trên thế giới, từ phương Đông tới Nam Phi. Ông viết nhiều cuốn du ký về những chuyến phiêu lưu của mình.