Tạo hình nhân vật Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên (bà Trang Ý) do diễn viên Vân Trang đóng. Phim Phượng Khấu của đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn. |
Trong cuốn Chuyện các bà trong cung Nguyễn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết, vua Tự Đức thuở nhỏ hay ốm đau, dù được bà Từ Dũ (Nghi Thiên Chương hoàng hậu) chăm nom, săn sóc hết sức, nhưng sức khoẻ nhà vua vẫn không được sung mãn. Về đường sinh lý ông bị bệnh bất lực. Dù vậy, theo lệ nhà Nguyễn, khi đến tuổi nạp phi, ông vẫn được các quan đại thần tiến cho hàng trăm bà (tùy theo phẩm trật của người cha, con gái được tuyển vào cấp bậc cao hay thấp). Bà Trang Ý cũng không là ngoại lệ, năm 15 tuổi bà được tiến cung vào hầu hạ vua Tự Đức.
Theo sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, vua Tự Đức có 5 bà vợ được ghi lai lịch rõ ràng. Bà Trang Ý tên thật là Vũ Thị Duyên (thụy hiệu là Lệ Thiên Anh Hoàng hậu), húy là Hài, người Lệ Thủy (Quảng Bình), con của Ngự tiền đại thần thái tử, thái bảo Đông các học sỹ Vũ Xuân Cẩn (một công thần của triều Nguyễn), mẹ là bà họ Trần được phong là Lệ quốc nhất phẩm phu nhân. Bà sinh ngày 12 tháng 5 năm Mậu Tý (1828).
Tạo hình nhân vật Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên (bà Trang Ý) do diễn viên Vân Trang đóng. Phim Phượng Khấu của đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn. |
Thuở nhỏ, bà đoan trang dịu dàng, lại thích đọc sử sách, quen với giáo huấn chốn phòng khuê. Năm Quý Mão (1843), bà được tuyển vào hầu hạ vua Tự Đức ở nơi tiềm để (nơi ở của thái tử trước khi lên ngôi). Vốn đức hạnh, lại chịu khó hầu hạ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu, nên bà được hậu khen và chiếm trọn tình cảm của vua Tự Đức. Sách Đại Nam liệt truyện viết: “Hậu đức thì đoan trang, nết thì thục thận. Thờ Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu ở đông triều rất được mẹ chồng vui vẻ. Vua cũng yêu kính”.
Được vua sủng ái, yêu chuộng nhất, bà lần lượt được đứng vào hàng Tần và rồi lên đến tột đỉnh là Hoàng quý phi (từ thời Minh Mạng trở đi, triều Nguyễn không lập Hoàng hậu, Hoàng quý phi là ngôi cao nhất, ngôi hoàng hậu chỉ được lập khi vua băng hà, đến thời vua Bảo Đại lệ này bị bãi bỏ khi ông lập Nam Phương hoàng hậu ngay sau khi cưới). Nói về việc tấn phong bà, sách Đại Nam Liệt truyện chép: Năm Tự Đức thứ 1 (1848), vua lên ngôi phong làm Cung tần [...]. Năm thứ 3 (1853) định lại cung giai tấn phong làm Cần phi [...]. Năm 13 [1860], tấn phong làm Thuần phi. Năm 14 (1861), mùa đông, đổi phong làm Trung phi, bài sách văn vẫn theo thể cũ. Chỉ đổi khác chữ Thuần phi làm chữ Trung phi. Năm 15 (1862), mùa xuân, tháng giêng, tấn phong làm Hoàng quý phi. Vua dụ rằng: “Trong cung vi là gốc phong hóa, không thể không đặt người ra để xướng suất cung nhân, chấp hành phụ đạo. Trung phi Vũ thị, con nhà danh gia, kính vâng tuyển cho hầu ta. Cùng có đức hạnh nên cất nhắc lên. Vậy tấn phong làm Hoàng quý phi, suất nhiếp sáu viện”.
Trang phục hoàng hậu, thứ phi, tam phi triều Nguyễn. Ảnh: Thiên Điểu/ Tuổi trẻ |
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, mặc dù chuyện ái ân không được thoả mãn, phải chịu cảnh “chiếu đơn, giường lạnh” do vua Tự Đức bị bất lực, không thể gần gũi đàn bà, nhưng được chức trọng, quyền cao, gia đình được nhờ, nên bà Trang Ý cũng vui lòng. Để xứng đáng với địa vị được sùng ái nhất, bà Trang Ý đã ngày đêm phục vụ vua hết mình. Bà còn được giao việc nuôi dạy Dục Đức làm thế tử từ năm 1868 (vua Tự Đức không sinh được người con nào để nối dõi, phải nhận cháu làm con nuôi).
Nhưng chuyện đời lại không đơn giản chút nào, năm Tự Đức thứ 35 (1882) xảy ra vụ Henri Riviere tấn công ở Bắc Hà, vua suốt ngày phải chủ trì các cuộc họp bàn của triều đình để tìm phương đối phó với Pháp. Sức khoẻ của vua vốn yếu nay lại càng thêm yếu. Ông hay nổi cáu, hay tức giận đột ngột và vô cớ... Nhân một sự chậm trễ thuốc men của người phục dịch, vua nổi trận lôi đình buộc tội bà Trang Ý là thiếu cẩn trọng, giáng bà xuống hàng Trung Phi. Sách Đại Nam liệt truyện chép: “Năm 35, mùa đông, tháng 12 lại giáng làm Trung phi. Lúc bấy giờ cơ vụ rất nhiều có khi vua quá trưa mới được ăn. Vua se mình đương uống thuốc, cung nhân tiến cơm hơi chậm trái ý vua. Vua bèn giáng Quý phi làm nguyên giai Trung phi quản nhiếp Thượng nghi, không cho suất nhiếp sáu viện”.
Bị tước đoạt chức vụ Hoàng quý phi, bà Trang Ý vô cùng đau khổ. Nỗi đau khổ ấy của người đẹp đã khiến cho trái tim vị vua có tâm hồn thi sĩ xao xuyến. Vua Tự Đức hối hận và xót xa vì đã “giận cá chém thớt” một cách phi lý. Vì vậy, trước khi băng hà (19/7/1883), vua đã di ngôn truyền phải phong cho bà làm Hoàng hậu. Tưởng rằng việc tấn phong Hoàng hậu cho bà là dễ dàng. Nào ngờ vua Dục Đức mới ở ngôi được ít ngày thì bị các quyền thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế truất và tống ngục. Thế là việc tưởng dễ lại bất thành...
Khiêm Thọ Lăng trong khuôn viên Khiêm Lăng (Lăng Tự Đức). |
Tiếp đến, vua Hiệp Hoà nối ngôi muốn y theo lời căn dặn cuối cùng của hoàng huynh định tấn phong bà chức Hoàng hậu. Nhưng tình hình chính trị lúc bấy giờ quá căng thẳng, bi đát, bà đã xin được từ mệnh. Hiệp Hoà nài nỉ, bà viện lý do có tang mà lại việc Dục Đức bị tống ngục bà cũng có phần chịu trách nhiệm, do đó bà chỉ xin một ân huệ là được lên Khiêm Cung (Khiêm Lăng) để ngày đêm lo việc hương khói phụng thờ cố hoàng đế mà thôi.
Được chấp thuận, bà Trang Ý cùng hàng trăm cung phi của vua Tự Đức rời Hoàng thành lên Khiêm Cung. Vua Hiệp Hoà lệnh cho đinh thần tham cứu sử cũ tìm một tiền lệ của cổ nhân để sắc phong cho bà một cách danh chính ngôn thuận. Chiếu theo sử liệu, có thể lấy tên điện, tên cung mà tôn phong, cho nên Hiệp Hòa đã sách phong cho bà là Khiêm Cung Hoàng hậu. Đến năm Thành Thái thứ nhất, Kỷ Sửu (1889), mùa đông, tháng mười, vua thân đem Tôn Nhân phủ, văn võ thân công dâng sách vàng, ấn vàng dâng thêm huy xưng là Trang Ý Thuận Hiếu Thái Hoàng Thái Hậu
Bà sống tại Khiêm Cung cho đến ngày 27 tháng 4 năm Nhâm Dần (3/6/1902) thì tạ thế, thọ 75 tuổi. Lăng bà được xây dựng ngay trong khuôn viên lăng Tự Đức, với tên gọi là Khiêm Thọ lăng. Ngoài ra, bà được phối thờ trong điện Hòa Khiêm ở Khiêm Lăng.