Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội Sách Hà Nội năm 2024. |
Tăng trưởng xuất bản phẩm trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường cho thấy ngành xuất bản đáp ứng nhu cầu cơ bản của bạn đọc. Tuy nhiên, trước những thách thức đang đặt ra, ngành xuất bản cần có bước chuyển mình vượt bậc trong thời gian tới.
Tính riêng sáu tháng đầu năm 2024, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản 25.510 cuốn sách với gần 397,8 triệu bản (tăng gần 19% về cuốn và tăng 31% về bản sách). Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 23.066 cuốn với hơn 370 triệu bản (tăng 20% về cuốn, tăng hơn 29% về bản sách) và xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 1.550 xuất bản phẩm (tăng 1,4%). Các xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt 894 xuất bản phẩm với hơn 27,2 triệu bản (tăng 29% về số xuất bản phẩm và tăng gần 63% về bản).
Về nội dung, ngành xuất bản đã lan tỏa được nhiều ấn phẩm chất lượng, có giá trị lý luận và thực tiễn, phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bảo đảm sự đa dạng về đề tài, chuyên sâu về nội dung, phát huy vai trò định hướng giáo dục, thẩm mỹ cho bạn đọc; tăng cường khai thác bản quyền, xuất bản các đầu sách dịch, đưa xuất bản phẩm Việt Nam ra quốc tế, phục vụ công tác thông tin đối ngoại...
Các đơn vị xuất bản đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tập trung triển khai kế hoạch, đề tài, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; tích cực triển khai các chương trình sách quốc gia, nổi bật là tham gia, tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 theo hướng nâng tầm vị thế, uy tín của giải.
Sáu tháng cuối năm, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, song, giới làm nghề nhận định, xuất bản phẩm các dạng đều tăng mạnh. Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành xuất bản đang diễn ra sôi nổi. Các định dạng sách điện tử (Ebook, Audiobook, Videobook)... tiếp tục tăng mạnh, tương tác khá hiệu quả với bạn đọc, tạo động lực cho văn hóa đọc phát triển. Trong năm, nhiều nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử, nâng số lượng nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử lên 34/57 nhà xuất bản.
Có thể nói, sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và thông tin số hóa, kết nối thông minh, công nghệ in tiên tiến... đã thay đổi bộ mặt của ngành xuất bản. Nhịp phát triển này mở ra cơ hội đồng thời cũng tạo áp lực, đòi hỏi đội ngũ vận hành cần thay đổi tư duy, kỹ năng công việc trong hoạt động xuất bản, in và phát hành, nhất là khi xuất bản điện tử đang trở thành xu thế tất yếu.
Toàn ngành hiện có khoảng gần 5.000 lao động, song, thực tế tại nhiều nhà xuất bản cho thấy, khó khăn chủ yếu là phải đào tạo lại nhân sự hoặc tuyển dụng mới để đáp ứng yêu cầu, quy trình thời đại công nghệ số.
Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, nhìn lại hoạt động xuất bản trong năm qua, vẫn còn những mặt hạn chế. Đầu tiên phải kể đến tình trạng xuất bản phẩm có chất lượng kém, có nội dung vi phạm về tư tưởng chính trị đến mức phải xử lý; tình trạng buông lỏng hoạt động liên kết làm giảm vai trò, uy tín, thương hiệu nhà xuất bản.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản vẫn diễn ra, thậm chí có nơi để tình trạng này kéo dài đến mức cơ quan chỉ đạo, quản lý phải có văn bản nhắc nhở. Việc bảo vệ bản quyền của các bản sách nói chung và các bản dịch của sách tinh gọn, sách thường thức nói riêng vẫn đang là câu chuyện hết sức nan giải.
Nếu không có chế tài, biện pháp giải quyết đồng bộ hoặc áp dụng các biện pháp kỹ thuật và công nghệ để bảo mật, nội dung sách rất dễ bị sao chép, đánh cắp, tác phẩm bị cắt ghép làm sai lệch tư duy và tác động xấu đến xã hội. Chưa kể, so với quy mô nhập khẩu sách, dòng chảy xuất khẩu sách còn khá khiêm tốn, ngành xuất bản nói chung và các đơn vị nói riêng vẫn thiếu chiến lược đầu tư dịch thuật, quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, khi nhìn vào bức tranh tổng thể của ngành, vẫn còn nhiều yếu tố thể hiện sự chưa đồng đều, chưa bền vững. Trong cơ cấu tỷ lệ sách hiện nay, chiếm số lượng lớn vẫn là sách giáo khoa, sách tham khảo…
Bài toán đặt ra cho ngành xuất bản là cần kích cầu, thúc đẩy hành vi đọc sách để bạn đọc tiếp cận tri thức một cách lôi cuốn, tự nhiên chứ không chỉ dừng lại ở chương trình học bắt buộc. Tiếp theo, doanh thu toàn ngành cao nhưng không đồng đều giữa các đơn vị, nhiều nơi vẫn chịu lỗ, dừng hoạt động.
Thực trạng này không chỉ thể hiện sự bất cập trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn là sự yếu kém, thụ động trong mô hình liên kết xuất bản. Ngoài ra, mỗi nhà xuất bản vẫn còn lượng sách tồn kho hoặc gặp khó khăn trong quá trình khai thác bản thảo.
Để có bước ngoặt, ngành xuất bản cần tiếp cận được với độc giả thế hệ gen Z khi thói quen đọc đã thay đổi, đặc biệt là hành vi đọc, xem, nghe trên nền tảng số. Muốn đạt mục đích này, các nhà quản lý cũng cần định lượng được thời gian nghe, đọc của người đọc để từ đó xây dựng các giải pháp phù hợp.
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng từng bày tỏ băn khoăn: Hiện nay sách xuất bản rất nhiều nhưng sách đỉnh cao còn quá ít. Trong khi đó, sách giải trí đơn thuần, chạy theo thị hiếu thị trường thì “sinh sôi” mạnh, đặc biệt là các loại sách về bói toán, phong thủy, ngôn tình “nở rộ” trong mùa Tết.
Ông cho rằng, các nhà xuất bản hiện nay có dấu hiệu vừa thừa, vừa thiếu, vừa trùng lặp về mặt chức năng nghiệp vụ và nội dung… và cần nghiên cứu lại hệ thống này để đáp ứng sự phát triển mới, thành lập các tổ nghiên cứu về xuất bản hiện đại.
Đại diện một số nhà xuất bản có đề xuất, Nhà nước cần điều chỉnh chính sách nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa các đơn vị trong hoạt động xuất bản, in ấn, nhất là phát hành sách giáo khoa - mảng sách đang thu hút nhiều sự quan tâm và những trăn trở cả trong và ngoài giới xuất bản. Ông Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, mới đây nêu rõ:
Chất lượng của một bộ sách giáo khoa không chỉ phụ thuộc vào việc huy động được đông đảo đội ngũ tổng chủ biên, chủ biên, tác giả tài năng mà còn được tạo nên từ việc xây dựng và thực hiện quy trình biên soạn bài bản, công phu, chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ những quy định theo quy trình biên soạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Quy định của pháp luật đối với các loại hình doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa khác nhau tạo nên cơ chế cạnh tranh không bình đẳng. Các doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty cổ phần được quyền chủ động tổ chức sản xuất; chủ động mua sắm vật tư, dịch vụ in trực tiếp theo nhu cầu thực tế mà không phải thực hiện các quy trình thủ tục đấu thầu với nhiều thời gian, hồ sơ thủ tục như doanh nghiệp nhà nước nên thời gian, tiến độ cạnh tranh hơn doanh nghiệp nhà nước.
Chuyển đổi số đang tạo ra những cơ hội mới cho ngành xuất bản, vì thế, thời gian tới cần tạo ra những động lực mới, hướng đi mới để thay đổi một cách thiết thực, cụ thể trong hoạt động xuất bản. Cần phải có sự hợp tác giữa đơn vị xuất bản với các đối tác tài chính, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở nhiều sản phẩm xuất bản số.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần cởi mở, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện thể chế để đưa ngành xuất bản phát triển bền vững. Các giải pháp công nghệ như sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong biên tập, dịch thuật, phân phối sách; quản lý bản quyền chặt chẽ hơn; tăng cường chính sách khuyến đọc và phát triển văn hóa đọc, đặc biệt ở các vùng miền còn có khó khăn… là những giải pháp cần được thực hiện có trách nhiệm hơn, hiệu quả hơn nhằm tạo bước chuyển mình vượt bậc của ngành xuất bản thời gian tới.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.