Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là hai người đàn ông có xuất thân hoàn toàn khác nhau. Ông Trump là con trai của một ông trùm bất động sản trong khi ông Modi xuất thân từ một gia đình bán trà nghèo.
Tuy nhiên, hai người đàn ông này đều được yêu thích bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu ở nước họ. Họ có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc, thứ giúp tạo ra một mối quan hệ cá nhân chặt chẽ giữa họ, theo các nhà phân tích.
Trước chuyến thăm chính thức đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ tới Ấn Độ, hai nền dân chủ lớn trên thế giới đã làm mọi thứ để thể hiện tình cảm với nhau. Chuyến thăm bắt đầu tại bang Gujarat, quê của ông Modi, hôm 24/2.
Tại thành phố Ahmedabad ở Gujarat, các bảng quảng cáo lớn với dòng chữ "hai tính cách năng nổ, một sự kiện trọng đại" và "hai quốc gia mạnh mẽ, một tình bạn tuyệt vời" đã xuất hiện trên khắp thành phố.
Áp phích một nhóm trữ trẻ em trong trang phục truyền thống của các bang khác nhau ở Ấn Độ để chào đón ông Donald Trump ở Ahmedabad. Ảnh: PTI. |
"Ông Trump và ông Modi có rất nhiều điểm chung. Tôi không thấy ngạc nhiên khi điều này đã chuyển thành tình bạn ấm áp giữa hai người", chuyên gia Michael Kugelman thuộc Trung tâm nghiên cứu Wilson có trụ sở tại Washington nói với AFP.
"Chính trị học tính cách là một phần quan trọng trong ngoại giao quốc tế ngày nay. Các cuộc đối thoại kín giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu thường đứng sau sự thành công của nhiều hội nghị thượng đỉnh công khai và hoành tráng", ông Kugelman nói thêm.
Kể từ khi ông Modi lên nắm quyền vào năm 2014 và ông Trump trở thành tổng thống năm 2017, hai người thường xuyên được so sánh với nhau.
Tổng thống Trump, 73 tuổi, và Thủ tướng Modi, 69 tuổi, đều có được sự ủng hộ lớn từ đám đông những người ủng hộ vẫy cờ tại các cuộc mít tinh. Cá tính của họ được sùng bái. Hình ảnh và tên của họ là tâm điểm các chiến dịch của đảng chính trị của hai ông.
Hai nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc
Trọng tâm của chính quyền ông Trump là ngăn chặn người di cư, bao gồm lệnh cấm di chuyển ảnh hưởng đến nhiều quốc gia mà người Hồi giáo chiếm đa số trong số các quốc gia khác. Trong khi đó, các nhà phê bình cho rằng ông Modi đã đối xử phân biệt với người Hồi giáo so với những người nhập cư khác thông qua một đạo luật công dân gây tranh cãi.
Hai lãnh đạo đều thúc đẩy các phong trào dân tộc và bảo hộ thương mại ở đất nước họ. Ông Trump có lời kêu gọi "Nước Mỹ trên hết" (America First) còn ông Modi tạo ra câu thần chú "Chế tạo tại Ấn Độ" (Make in India).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump rời khỏi sân khấu sau cuộc mít tinh vào ngày 22/9/2019 tại Houston, Texas. Ảnh: CNN. |
Các nhà phê bình đã mô tả cặp đôi này là thành viên của một câu lạc bộ gồm những người đàn ông quyền lực và cứng rắn trên toàn cầu bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.
"Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi có nhiều phẩm chất chung. Cả hai ông có một tình yêu dành cho việc thể hiện bản thân để có được sự ủng hộ và một niềm tin vững chắc rằng họ có thể đạt được các giải pháp hoặc thỏa thuận tốt nhất", cựu nhà ngoại giao Ấn Độ Rakesh Sood nói với AFP.
Cả ông Modi và ông Trump đã tìm cách sử dụng tình bạn giữa họ để củng cố mối quan hệ gắn bó hơn giữa hai quốc gia, ngay cả khi hai quốc gia đang vật lộn với những căng thẳng liên quan đến thương mại và quốc phòng.
Những khác biệt đáng chú ý
Mặc dù hai nhà lãnh đạo có nhiều điểm tương đồng về phong cách và bản chất, các nhà phân tích nói rằng có một số khác biệt đáng chú ý giữa cặp đôi này.
Ông Modi là một người làm chính trị. Ông đã vươn lên trong hàng ngũ của đảng Bharatiya Janata sau khi bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một cán bộ trong một tổ chức tình nguyện bán quân sự của Ấn Độ giáo Rashtriya Swayamsevak Sangh theo chủ nghĩa dân tộc.
Ông Trump là một doanh nhân và một người ngoài giới chính trị bằng cách nào đó đã nắm quyền ở đảng Cộng hòa.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi sẽ cùng khánh thành sân vận động cricket lớn nhất thế giới. Ảnh: India Times. |
"Ông Modi là một nhà lãnh đạo truyền thống hơn ông Trump ở chỗ ông Modi không tìm cách thay đổi chính quyền ông điều hành theo cách ông Trump đang làm", ông Kugelman, một người theo dõi chính trị Nam Á lâu năm nói.
Ông Kugelman nói thêm rằng các mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo của cả hai nước thực sự đã giúp phát triển mối quan hệ đối tác của hai bên.
"George Bush và Manmohan Singh, Barack Obama và Singh, Obama và Modi, giờ là Modi và Trump. Các cặp đôi này rõ ràng đã giúp mối quan hệ giữa hai quốc gia phát triển", ông Kugelman nói.
Ông Trump cũng ủng hộ nhà lãnh đạo Ấn Độ trong các quyết định gây tranh cãi, bao gồm việc hủy bỏ quyền tự trị đối với khu vực Kashmir có đa số người Hồi giáo và ra lệnh cho máy bay phản lực xâm nhập lãnh thổ Pakistan sau vụ đánh bom tự sát.
Các nhà phân tích cho biết các nhà lãnh đạo sẽ sử dụng chuyến thăm này để củng cố hình ảnh của họ với cử tri.
Một cuộc mít tinh lớn có tên "Namaste Trump" (Chào ông Trump) tại Ahmedabad vào ngày 24/2 sẽ được mô phỏng theo buổi mít tinh "Howdy, Modi" (Ông khỏe không Modi) ở Houston hoành tráng vào năm ngoái khi nhà lãnh đạo Ấn Độ đến thăm Mỹ. Tại buổi mít tinh ở Houston, hai nhà lãnh đạo đã xuất hiện trước hàng chục nghìn người Mỹ gốc Ấn tại sân vận động.
"Thành công của chuyến thăm này sẽ có tác động tích cực đến chiến dịch tái tranh cử của ông Trump và những cử tri gốc Ấn ở Mỹ. Phần lớn những người này đến từ Gujarat", cựu nhà ngoại giao Ấn Độ Surendra Kumar nói với AFP.
"Về phía Ấn Độ, việc Thủ tướng Modi có tình cảm ấm áp, tình bạn cá nhân như vậy với người đàn ông quyền lực nhất trên Trái Đất làm tăng thêm tầm vóc của ông ấy với những người ủng hộ khó tính", ông Kumar nói thêm.