Nhà chức trách Ấn Độ đang đổ hàng triệu USD để tân trang lại cảnh quan của thành phố Ahmedabad trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm, dự kiến vào ngày 24/2.
Ahmedabad là điểm dừng chân của Tổng thống Trump trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Ấn Độ. Tại thành phố quê hương của Thủ tướng Narendra Modi, ông Trump sẽ khánh thành sân vận động cricket lớn nhất thế giới với sức chứa 110.000 người.
Bức tường chắn khu ổ chuột trên đường đi đoàn xe của TT Trump. Ảnh: Reuters. |
Sửa sang thành phố để tiếp đón
Một phần trong dự án cải tạo cảnh quan thành phố Ahmedabad là xây bức tường dài 400 m dọc tuyến đường từ sân bay thành phố tới sân vận động Motera. Mục đích của bức tường là nhằm che đi tầm nhìn của người đi trên con đường đối với khu ổ chuột của thành phố. Một số cư dân của khu ổ chuột cáo buộc chính quyền đã yêu cầu họ rời khỏi khu vực này.
Vijay Nehra, ủy viên hội đồng thành phố, dù vậy nói quyết định xây dựng bức tường cao tới 2 m được đưa ra từ 2 tháng trước nhằm ngăn chặn sự lấn chiếm lòng đường và vỉa hè. "Việc liên hệ bức tường với chuyến thăm của tổng thống Mỹ là không xác đáng", ông Nehra nói.
Công tác chỉnh trang thành phố cũng bao gồm mở rộng và sửa sang các tuyến đường, xây dựng cơ sở hạ tầng xung quanh sân vận động. Những bức tường dọc con đường nơi Tổng thống Trump đi qua sẽ được trang trí với hình ảnh của chính ông Trump cùng Thủ tướng Modi, cùng các hình vẽ và biểu ngữ chào mừng. Các lối đi bộ cũng được sơn nhiều màu sắc tươi sáng.
"Namaste Trump"
Sự kiện lớn nhất tại Ahmedabad sẽ là buổi đại lễ ở sân vân động Motera có tên "Namaste Trump", nơi ông chủ Nhà Trắng cùng thủ tướng nước chủ nhà phát biểu trước hàng chục nghìn người dân Ấn Độ.
Sự kiện được Bộ Ngoại giao Ấn Độ miêu tả là nhằm "thể hiện sự phong phú và đa dạng văn hóa của Ấn Độ" mà ít nơi nào có được sự tương đồng. "Namaste" có nghĩa là "tôi cúi đầu chào bạn".
Hình vẽ Tổng thống Trump sẽ được bố trí dọc con đường từ sân bay về sân vận động Motera. Ảnh: India Times. |
"Tuyến đường từ sân bay về sân vận động, chúng tôi dự đoán sẽ có lượng lớn người dân xếp hàng chào đón", Raveesh Kumar, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết. Trước đó, Tổng thống Trump dẫn lời Thủ tướng Modi khẳng định sẽ có khoảng 7 triệu người chào đón nhà lãnh đạo nước Mỹ trên các tuyến đường của thành phố.
Hiện chưa rõ sẽ có bao nhiêu người trên thực tế xuống đường chào đón ông Trump, tuy nhiên nhà chức trách Ấn Độ xác nhận ít nhất 100.000 người đã đăng ký tham gia các hoạt động biểu diễn đường phố trong ngày Tổng thống Trump đến thăm. 28 sân khấu đã được lắp đặt để trình diễn các tiết mục đặc trưng của các vùng miền Ấn Độ.
"Biểu diễn lưu động sẽ tái hiện cuộc đời của Mahatma Gandhi, và chúng tôi dự đoán sẽ có lượng lớn người dân chào đón Tổng thống Trump bên ngoài sân vận động", ông Kumar nói. Diễn văn của Tổng thống Trump tại sân vận động Motera được cho là tương tự với sự kiện "Howdy Modi" tại sân vận động NRG ở Houston năm 2019 để chào mừng Thủ tướng Modi thăm Mỹ.
Trước tất cả màn biểu diễn đường phố và sân vận động Motera, Ấn Độ dự kiến tổ chức buổi chào đón truyền thống chính thức ngay khi Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania rời khỏi chiếc Air Force One.
Cụ thể, 6 đoàn múa với tổng cộng 116 nghệ sĩ sẽ biểu diễn các điệu nhảy truyền thống dọc tấm thảm đỏ dài 50 m trải từ cầu thang chiếc Air Force One tới sảnh tiếp đón của sân bay, chính quyền bang Gujarat xác nhận. Đồng thời, 256 nghệ sĩ Ấn Độ sẽ biểu diễn các điệu nhảy truyền thống tại các bãi cỏ ở sân bay Ahmebadad.
Tổng thống Trump dự kiến sẽ thăm ngôi nhà tưởng niệm của Mahatma Gandhi ở thành phố Ahmebadad. Tổng thống Trump dự kiến cũng sẽ tới thăm đền Taj Mahal ở Agra trong ngày 24/2 trước khi lên đường tới thủ đô New Delhi để bắt đầu hội đàm chính thức với lãnh đạo Ấn Độ ngày 25/2.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi sẽ cùng khánh thành sân vận động cricket lớn nhất thế giới. Ảnh: India Times. |
Ấn Độ tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ
Đầu tuần qua, Tổng thống Trump đã ám chỉ sẽ không có thỏa thuận thương mại nào đạt được giữa Mỹ và Ấn Độ trong chuyến thăm sắp tới. "Chúng ta có thể có một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ, nhưng thực sự thì tôi sẽ để dành thỏa thuận lớn cho sau này", Tổng thống Trump nói hôm 19/1.
Washington muốn quyền tiếp cận rộng hơn với thị trường Ấn Độ về xuất khẩu hàng nông sản và thiết bị y tế như thiết bị stent tim, đầu gối nhân tạo, trong khi Ấn Độ muốn Mỹ khôi phục quy chế ưu đãi thương mại dành cho các nước đang phát triển của nước này.
Năm ngoái, Tổng thống Trump đã loại Ấn Độ khỏi danh sách các nước đang phát triển được hưởng ưu đãi thương mại, chương trình từng giúp các doanh nghiệp Ấn Độ hưởng chính sách miễn thuế khi tham gia thị trường Mỹ.
"Tôi đi Ấn Độ trong tuần tới và chúng ta sẽ bàn về thương mại. Họ đã đánh thuế chúng ta trong nhiều năm, một trong những nước đánh thuế cao nhất thế giới là Ấn Độ", Tổng thống Trump phát biểu trước đám đông cử tri ủng hộ ở Colorado hôm 20/1.
Trước phát biểu của Tổng thống Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định không muốn thúc ép hai bên đi đàm phán một thỏa thuận thương mại bởi đây là vấn đề "phức tạp", có những hệ quả kinh tế lâu dài và "tác động lớn lên cuộc sống của nhiều người dân".
Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Trump diễn ra trong bối cảnh chính quyền Thủ tướng Modi đối diện nhiều sức ép do nền kinh tế giảm tốc cùng các cuộc biểu tình tồi tệ nhất trong hàng chục năm liên quan tới luật quốc tịch công dân, đạo luật bị chỉ trích là phân biệt đối xử nhắm vào cộng đồng Hồi giáo.
Chính quyền Thủ tướng Modi cũng hứng chịu chỉ trích của cộng đồng quốc tế sau khi bất ngờ tước bỏ quyền tự trị giới hạn của khu vực Kashmir hồi tháng 8/2019, bắt giam các lãnh đạo dân cử, đồng thời đặt toàn bộ cư dân của khu vực này vào tình trạng phong tỏa an ninh và liên lạc.
Một số chuyên gia nhận định chính quyền Thủ tướng Modi đang tìm kiếm sự ủng hộ của Washington đối với các chính sách đối nội gây tranh cãi thời gian qua.