Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tình bạn giữa CEO dầu khí và tổng thống tan rã vì 32 tỷ USD

Hai người bạn cũ – một là Tổng thống Brazil, một là lãnh đạo công ty dầu khí lớn nhất nước, đã chia lìa đôi ngả sau “quả bom” bê bối trị giá 32 tỷ USD, Bloomberg đưa tin.

CEO Petrobras và Tổng thống Brazil là bạn thân thiết trong hơn một thập kỷ. Ảnh: Thepoechtimes

Tình bạn 10 năm

Ngày 27/1, khi đang tham dự cuộc họp nội các, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff nhận được cuộc gọi từ bà Maria das Gracas Foster – Giám đốc điều hành công ty dầu khí Petroleo Brasileiro.

Bà Foster không gọi để báo tin vui. Thiệt hại của vụ bê bối tham nhũng dai dẳng nhiều năm tại công ty dầu khí lớn nhất Brazil đã chạm tới con số “trên trời”.

Petrobras phải chi ít nhất 1,5 tỷ USD để bù đắp tổn hại do đút lót, nhưng đây chỉ là một phần nhỏ nhoi trong khoản tính toán tiềm tàng lên tới 32,5 tỷ USD. Bà Rousseff cho rằng, con số này cao tới mức phi lý.

Tuy nhiên, Petrobras vẫn công bố thông tin này ngay ngày hôm sau, đánh dấu thời điểm chấm hết cho sự nghiệp 35 năm của bà Foster tại Petrobras.

Bà Foster lập tức bay tới Brasilia để đối chất với bà Rousseff tại Dinh Tổng thống. Ngày hôm ấy, căng thẳng nhen nhóm trong nhiều tháng giữa hai nữ tướng quyền lực của Brazil trào lên mức đỉnh điểm. 

CEO Petrobras và Tổng thống Brazil là bạn thân thiết trong hơn một thập kỷ.

Tổng thống và bà Foster là bạn thân thiết trong hơn một thập kỷ. Bà Rousseff cũng từng ngồi ghế Chủ tịch Petrobras. Nhưng thứ Ba ngày 27/1 ghi dấu tình bạn lâu năm tan vỡ vì tiền bạc và chính trị.

Vụ bê bối phủ bóng đen lên Petrobras, một câu chuyện kéo dài tới 10 năm, tràn đầy các cáo buộc lót tay, lại quả, rút lõi dự án, làm rúng động Brazil và bôi nhọ thanh danh của bà Rousseff.

Nói lên sự thật

Thông báo từ nhiệm của bà Foster và 5 lãnh đạo cao cấp khác được đăng tải ngắn gọn vào thứ Tư, khiến nhân viên công ty ngỡ ngàng. Trong nháy mắt, ban lãnh đạo của một trong những công ty lớn nhất Mỹ Latin mất ghế.

Đây là điều cả bà Rousseff và Foster không ngờ tới trước đó. Hai người thống nhất bà Foster sẽ rời ghế vào cuối tháng.

Tuy nhiên sau cuộc họp tại Brasilia, khi bà Foster quay trở lại Rio de Janeiro, đón chờ bà trước cửa căn hộ là một đoàn người giơ băng rôn, biểu ngữ hò hét yêu cầu bà rời công ty.

Bà Foster đã liên lạc với lãnh đạo cấp cao của Petrobras và Chủ tịch, yêu cầu đẩy nhanh tốc độ từ chức. Công ty hiện chưa tìm được ứng viên thanh thế chức vụ CEO bà để lại.

“Bà Foster bị đánh gục vì nói lên sự thật. Bà ra đi sau khi báo tin dữ cho chính phủ”, ông Adriano Pires, lãnh đạo công ty tư vấn Brazilian Center for Infrastructure nhận xét.

“Bà Foster bị đánh gục vì nói lên sự thật".

Ngoài nghi vấn về quy mô tổng thiệt hại, bà Rousseff cũng truy cứu Foster về một quyết định sai lầm vào ngày 29/12.

Bà Foster đã gạch tên 23 nhà cung cấp đang bị điều tra tham nhũng khỏi các hồ sơ đấu thầu trong tương lai.

Nhưng mặt khác, chính nhóm công ty khổng lồ về xây dựng và kiến trúc này đang phát triển các dự án trụ cột của nền kinh tế. Hệ thống sân vận động, cầu đường… trên được đánh giá là yếu tố then chốt để vực dậy nền kinh tế vẫn còn yếu ớt kể từ khủng hoảng tài chính 2009.

Từ anh hùng thành tội đồ

Bà Foster từng bước thăng chức trở thành CEO nữ đầu tiên của công ty dầu khí niêm yết lớn nhất Mỹ Latin vào năm 2012.

Bà từ chức sau khi Petrobras “bốc hơi” 100 tỷ USD giá trị thị trường kể từ tháng 9/2014, khi công ty è cổ thanh toán các khoản “lại quả” trong bối cảnh dầu thô sụt giá không phanh.

Petrobras “bốc hơi” 100 tỷ USD giá trị thị trường kể từ tháng 9/2014.

Giới điều tra phát hiện một con số khổng lồ gần 8,4 tỷ USD có liên đới tới các vụ lại quả dành thầu.

Thông tin vỡ lở này là hệ quả của nhiều tháng tắc trách của ban quản lý. Petrobras công bố kết quả kinh doanh quý III muộn hơn 2 tháng, không được cơ quan kiểm toán độc lập phê duyệt, do đó không được tái tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Bị dồn góc tường, công ty quyết định cắt mọi khoản đầu tư và bán tài sản để bù đắp vào khoản vốn hao hụt.

Kể từ khi nằm quyền điều hành một trong những công ty sở hữu dàn khoan sâu nhất thế giới, bà Foster đi từ hình tượng được cả nước kính trọng đến mục tiêu của người biểu tình.

Tại thời điểm bà Foster trở thành CEO, Petrobras đang trong tình cảnh khó khăn. 

Trước đó, nhờ phát hiện ra một số mỏ dầu có trữ lượng khổng lồ, Petrobras nhanh chóng trở thành một trong số những nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới.

Thậm chí, ban lãnh đạo công ty còn mạnh miệng tuyên bố, Petrobras sẽ vượt Apple trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, sự bất ổn đã làm tổn thương nền kinh tế vốn đã trì trệ của Brazil. Là một tập đoàn nhà nước, Petrobras cũng bị phương hại.

Tại thời điểm bà Foster trở thành CEO, Petrobras đang trong tình cảnh khó khăn.

Hoạt động khai thác dầu mỏ ngày càng trì trệ. Những kế hoạch đầu tư hào phóng đã khiến Petrobras trở thành hãng sản xuất dầu mỏ có chi phí vốn lớn thứ hai trên thế giới (42,9 tỷ USD), sau hãng PetroChina của Trung Quốc.

Tập đoàn này cũng trở thành con nợ lớn nhất trong số các công ty dầu khí niêm yết đại chúng với số nợ lên tới 97 tỷ USD.

Không nỡ cắt giảm nhân công, bà Foster đã buộc phải cắt giảm chuỗi cung ứng, thậm chí với các điều khoản hợp đồng nhỏ, Petrobras cũng mất một năm mới thông qua. Quyết định này không chỉ làm tổn hại tới các nhà cung cấp mà còn làm suy yếu hoạt động của cả Petrobras.

Giờ đây, khi đã bỏ lại sau lưng chiếc ghế CEO, bà Foster không còn cơ hội thực hiện lời thề năm nào: “Tôi sẽ chết vì Petrobras”.

http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/vi-32-ty-usd-tinh-ban-giua-nu-tuong-dau-khi-va-tong-thong-brazil-tan-ra-784853.html

Theo Lề Phương/ Bizlive

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm