Câu hỏi lớn của giới đầu tư toàn cầu đã có lời giải. Theo CNBC, ngày 26/8 (theo giờ Mỹ), ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - có bài phát biểu được cả thế giới mong chờ tại hội nghị Jackson Hole.
Theo đó, ông khẳng định FED sẽ "sử dụng các công cụ một cách triệt để" để đối phó với lạm phát vẫn đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm.
Giới đầu tư dồn sự chú ý vào bài phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell tại hội nghị thường niên Jackson Hole. Ảnh: Reuters. |
Kiên quyết hạ nhiệt lạm phát
FED đã nâng lãi suất 2,25 điểm phần trăm trong năm nay, nhưng ông Powell khẳng định vẫn chưa thể "dừng hoặc tạm ngừng tăng lãi suất", ngay cả khi việc này có thể cản trở tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế Mỹ đã ghi nhận GDP sụt giảm trong 2 quý liên tiếp. Giới quan sát cho rằng FED khó có thể hạ nhiệt lạm phát mà không đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào suy thoái.
Thị trường Mỹ đỏ lửa sau bài phát biểu của ông Powell. Tính đến 13h (theo giờ Mỹ), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 608,47 điểm xuống 32.683 điểm.
Việc FED tiếp tục nâng lãi suất là tin xấu với các thị trường Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Chỉ số S&P 500 lao dốc 2,1% về 4.111 điểm, mức thấp nhất trong gần 3 tuần. Riêng chỉ số Nasdaq giảm tới 2,53% còn 12.320 điểm.
Các cổ phiếu công nghệ như Microsoft, Tesla và Facebook đều ghi nhận mức giảm hơn 2%. Trong khi đó, dầu thô Brent và WTI cũng sụt giá sau khi FED phát tín hiệu tiếp tục thắt chặt chính sách.
"Khi lãi suất tăng cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại và thị trường lao động hạ nhiệt có thể kìm hãm lạm phát. Dĩ nhiên, chúng sẽ làm tổn thương các hộ gia đình và doanh nghiệp", ông Powell thừa nhận.
"Đó là cái giá không mong muốn cho việc hạ nhiệt lạm phát. Nhưng nếu không thể bình ổn giá, vết thương sẽ còn lớn hơn nhiều", ông nói thêm.
Chấp nhận trả giá
Nhận xét của chủ tịch FED được đưa ra khi lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng chưa đáng kể. Trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% so với một năm trước đó, giảm từ mức tăng 9,1% của tháng 6.
Lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt chủ yếu do giá năng lượng giảm mạnh. Giá xăng trung bình trên khắp nước Mỹ ở mức 3,869 USD/gallon (1 gallon tương đương 3,78 lít), so với ngưỡng kỷ lục hơn 5 USD/gallon hồi giữa tháng 6.
Trong khi đó, các lĩnh vực khác của nền kinh tế đang giảm tốc tăng trưởng. Giá nhà giảm nhanh, nhu cầu tuyển dụng cũng được dự báo sẽ chậm lại sau hơn một năm bùng nổ.
Đó là cái giá không mong muốn cho việc hạ nhiệt lạm phát. Nhưng nếu không thể bình ổn giá, vết thương sẽ còn lớn hơn nhiều
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ
Tuy nhiên, ông Powell khẳng định tầm nhìn của FED không chỉ nằm ở 1 hay 2 tháng qua. Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ quyết liệt đưa lạm phát xuống sát mức mục tiêu 2% trong dài hạn.
Theo ông, việc bình ổn giá cả đòi hỏi phải kiên quyết duy trì lập trường. "Lịch sử chứng minh rằng nới lỏng chính sách quá sớm có thể mang tới tai họa lớn", lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ khẳng định.
"Nhìn chung, ông Powell đang muốn nhấn mạnh rằng kể từ giờ, việc đối phó với lạm phát quan trọng hơn hỗ trợ tăng trưởng", ông Jeffrey Roach, chuyên gia kinh tế trưởng của LPL Financial, bình luận.
Tại hội nghị thường niên, bài phát biểu của ông Powell ngắn gọn bất thường. Người đứng đầu FED chỉ phát biểu trong khoảng 8 phút.
Mở đầu, ông khẳng định "bài nhận xét sẽ ngắn gọn, trọng tâm hẹp lại và thông điệp rõ ràng hơn". "Ổn định giá cả là trách nhiệm của FED và đóng vai trò nền tảng cho nền kinh tế. Nếu không bình ổn giá, nền kinh tế sẽ không hoạt động", vị quan chức nhấn mạnh.
Các thị trường đang dồn sự chú ý vào cuộc họp tiếp theo của FED trong tháng 9. Câu hỏi đặt ra là Ủy ban Thị trường mở Liên bang - cơ quan hoạch định chính sách của FED - có tiếp tục nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 hay không.
Theo thước đo của CME Group, sau bài phát biểu của ông Powell, 54,5% nhà đầu tư cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Một số khác dự báo mức tăng là 0,5 điểm phần trăm.