Theo CNBC, chỉ cách đây vài tháng, thị trường nhà đất của Mỹ vẫn trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Giá nhà tăng vọt, lãi suất thấp kỷ lục, nhu cầu liên tục tăng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những số liệu gần đây cho thấy thị trường nhà ở đã rơi vào suy thoái.
Chẳng hạn, doanh số bán nhà trong tháng 7 đã giảm 5,9% so với tháng 6, đánh dấu tháng giảm thứ 6 liên tiếp. So với một năm trước đó, mức giảm lên tới 20%. Ngành công nghiệp bất động sản bắt đầu sa thải việc làm và đóng băng tuyển dụng.
Lãi suất cho khoản vay thế chấp tăng cao khiến người mua ngần ngại. Ảnh: Reuters. |
Doanh số sụt giảm
Trong 2 năm qua, giá nhà đã tăng phi mã nhờ lãi suất chạm đáy và các gói kích thích kinh tế quy mô lớn của Chính phủ Mỹ. Thêm vào đó, trong thời kỳ đại dịch, mọi người bị mắc kẹt ở nhà và muốn chuyển sang căn nhà lớn hơn.
Nhưng giờ, chủ đầu tư trở nên kém lạc quan đối với triển vọng của thị trường nhà ở. Nhiều người mua hủy hợp đồng mua nhà do lãi suất thế chấp tăng cao. Lãi suất thế chấp đã tăng từ 3,3% vào đầu năm 2022 lên 5,72%.
"Xét trên khía cạnh doanh số bán nhà và số lượng dự án đang được xây dựng, chúng ta đang chứng kiến một cuộc suy thoái của ngành bất động sản", ông Lawrence Yun - chuyên gia kinh tế trưởng của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ - nhận định.
Xét trên khía cạnh doanh số bán nhà và số lượng dự án đang được xây dựng, chúng ta đang chứng kiến một cuộc suy thoái của ngành bất động sản
Ông Lawrence Yun - chuyên gia kinh tế trưởng của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ
Tuy nhiên, đây không phải tin xấu với bên bán, người mua hay các công ty môi giới bất động sản. "Suy thoái không xảy ra với giá. Nguồn cung vẫn khan hiếm, giá nhà tiếp tục tăng lên trên toàn quốc, gần 40% căn hộ đang giữ nguyên giá niêm yết", ông Yun chia sẻ.
"Các chủ nhà vẫn đang ở vị thế thuận lợi. Hầu hết thị trường trên cả nước đều ghi nhận giá tăng. Nguồn cung đã được cải thiện nhưng không đáng kể", vị chuyên gia nói thêm.
Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu cho thấy thị trường đang chuyển sang hướng có lợi cho người mua.
Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ (NAR), trong tháng 7, doanh số bán nhà cũ đã giảm 20,2% so với cùng kỳ năm 2021 từ 6 triệu căn xuống còn 4,8 triệu căn.
Tuy nhiên, giá nhà trung bình vẫn tăng 10,8% lên 403.800 USD. Trong khi đó, lãi suất thế chấp đã tăng gần gấp đôi so với 6 tháng trước. Điều này khiến người mua khó đáp ứng điều kiện vay hoặc phải chịu lãi suất cao hơn.
"Khi phải trả lãi vay nhiều hơn dự tính, một số người mua đã hủy hợp đồng mua bán", anh Al Bingham - một nhân viên chuyên về mảng cho vay thế chấp tại Momentum Loans - chia sẻ.
Người mua hưởng lợi
Tuy nhiên, nhu cầu chậm lại là tin tốt với nhiều người mua. "Người mua có khả năng mặc cả xuống mức giá thấp hơn một chút", ông Yun chia sẻ.
"Năm ngoái, họ phải nghe theo mọi yêu cầu của chủ nhà bởi có quá nhiều đề nghị mua nhà. Tình trạng này giờ đã không còn nữa", ông nói thêm.
Dù sẽ có những thay đổi giữa các thị trường khác nhau, người mua có thể hưởng lợi khi khoảng cách cung - cầu được thu hẹp. Ở một số khu vực, nhu cầu chậm lại đồng nghĩa với việc người mua không còn phải tranh giành để mua nhà. Người bán cũng phải chấp nhận một số yêu cầu đặc biệt, chẳng hạn đợi người mua bán nhà cũ.
"Chúng ta có thể thấy một thị trường cân bằng hơn", ông Stephen Rinaldi - Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Rinaldi Group - chia sẻ.
Thị trường nhà ở cân bằng hơn sẽ là tin tốt với người mua. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, các công ty bất động sản sẽ không dễ chốt hợp đồng như trước. "Họ không thể kỳ vọng vào việc niêm yết giá cao và vẫn dễ dàng tìm được người mua", ông Yun bình luận.
"Trước đây, số lượng lớn người mua phải tranh giành nguồn cung nhà ở ít ỏi. Nhưng những ngày đó đã qua", ông nhận xét.
Dù vậy, các căn nhà vẫn đang được bán với tốc độ khá nhanh. Theo hiệp hội Realtors, trong tháng 7, trung bình một căn nhà sẽ được bán sau 14 ngày đăng bán, giảm so với 17 ngày trước đây.