Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá dầu thế giới tăng mạnh

Giá dầu thế giới bất ngờ xuyên thủng ngưỡng 100 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất trong gần 2 tuần. Các thị trường hàng hóa đã hưởng lợi khi đà tăng của đồng USD chững lại. 

Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 24/8, trong vòng 24 giờ qua, giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã xuyên thủng ngưỡng quan trọng 100 USD/thùng, rồi điều chỉnh nhẹ về 99,6 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất trong vòng gần 2 tuần qua.

Cách đây 2 ngày, dầu Brent có thời điểm rơi xuống dưới ngưỡng 93 USD/thùng do những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế trên toàn cầu.

Trong khi đó, giá dầu WTI chuẩn Mỹ cũng tăng mạnh từ 90,5 USD/thùng - mức thấp trong vòng 24 giờ qua - lên 94,2 USD/thùng rồi giảm nhẹ còn 93,2 USD/thùng.

Theo giới quan sát, những bình luận của Saudi Arabia về việc cắt giảm sản lượng đã thúc đẩy giá dầu. Các thị trường hàng hóa cũng hưởng lợi khi đà tăng của đồng USD chững lại.

dau tho the gioi anh 1

Giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu bất ngờ vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Ảnh: Trading Economics.

Giá USD quay đầu giảm

"Thông tin không mấy khả quan của kinh tế Mỹ đã ngắt đà tăng của đồng USD. Điều này loại bỏ một lực cản lớn đối với các thị trường hàng hóa, trong đó có dầu", ông Edward Moya - nhà phân tích cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận.

Các số liệu vừa được công bố cho thấy khu vực kinh tế tư nhân của Mỹ đã sụt giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong tháng 8 của Mỹ - do S&P Global tổng hợp - lao dốc xuống 45 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Các hoạt động kinh tế được coi là suy yếu khi PMI rơi xuống dưới ngưỡng 50 điểm.

dau tho the gioi anh 2

Đà tăng của đồng USD so với các tiền tệ chủ chốt khác đã chững lại. Ảnh: Trading Economics.

Chỉ số USD (DXY) - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chủ chốt khác - đã giảm còn 108,6 điểm. Ngày hôm qua, DXY lên tới 109,26, áp sát đỉnh 20 năm 109,29 đạt được vào giữa tháng 7.

Trước đó, đà tăng của đồng USD đã tạo sức ép lên các thị trường hàng hóa, trong đó có dầu và vàng. Giá vàng thế giới cũng phục hồi trong ngày hôm nay sau khi đồng bạc xanh mất giá.

"Kinh tế Mỹ suy yếu là tin xấu với thị trường dầu. Nhưng các số liệu kinh tế mới có thể trở thành cái cớ để OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) cắt giảm sản lượng", ông Moya nhận định.

Nguy cơ OPEC+ cắt giảm sản lượng

Mới đây, Saudi Arabia cảnh báo OPEC+ có thể giảm sản lượng để kìm hãm đà giảm mạnh của giá dầu.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman kiêm Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho rằng "biến động và thanh khoản thấp" đã gửi đi tín hiệu sai lệch về tình trạng khan hiếm nguồn cung vật chất hiện tại.

Ông khẳng định với cơ chế hiện tại, OPEC+ "có sự cam kết, linh hoạt và công cụ để giải quyết mọi thách thức, kể cả giảm sản lượng bất cứ lúc nào".

"Ngay cả khi các hoạt động kinh tế tiếp tục suy yếu, những nền kinh tế lớn giảm tốc tăng trưởng, thị trường dầu vẫn đang ở trong tình trạng cung không theo kịp cầu", ông Moya lập luận.

Kinh tế Mỹ suy yếu là tin xấu với thị trường dầu. Nhưng các số liệu kinh tế mới đây có thể trở thành cái cớ để OPEC+ cắt giảm sản lượng

Ông Edward Moya - nhà phân tích cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ)

Ngoài ra, theo báo cáo chính thức, dự trữ dầu thô của Mỹ (SPR) đã giảm 5,632 triệu thùng trong tuần trước, lớn hơn nhiều mức dự báo 900.000 thùng.

Viện Nghiên cứu Năng lượng Mỹ dự báo SPR ​​sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 40 năm vào cuối tháng 10 tới với lượng tồn kho khoảng 358 triệu thùng, giảm mạnh so với 621 triệu thùng một năm trước đó.

Tuy nhiên, giới đầu tư cũng dồn sự chú ý vào thỏa thuận hạt nhân Iran. "Động thái từ phía Iran đã mang tới cơ hội hồi sinh thỏa thuận hạt nhân, vốn có thể cải thiện nguồn cung dầu toàn cầu", ông Moya nhận định.

Mới đây, Iran đã từ bỏ quy định "lằn ranh đỏ" nhằm thúc đẩy việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới.

"Nếu Iran có thể ký thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, giá dầu thô thế giới có thể rơi xuống mức 80 USD/thùng", ông Moya dự báo.

Tín hiệu đáng ngại của kinh tế toàn cầu

Các hoạt động kinh tế toàn cầu đang trên đà sụt giảm khi giá thực phẩm, năng lượng tăng cao ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và lợi nhuận doanh nghiệp.

Tuần tồi tệ của dầu

Thị trường dầu vừa trải qua một tuần tồi tệ. Những lo ngại về lãi suất và suy thoái tiếp tục đeo bám thị trường, trong khi thỏa thuận hạt nhân Iran đã đạt được một số tiến bộ.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm