Tuần lễ tồi tệ của cựu Tổng thống Trump khởi đầu khi tòa án liên bang cho phép Cục Điều tra Liên bang (FBI) lục soát khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, nơi ở của ông Trump ở Florida, nơi được coi là dinh thự quyền lực của cựu tổng thống sau khi rời Nhà Trắng.
Tình hình càng tệ hơn với kết quả cuộc bỏ phiếu ở Minnesota, cho thấy cử tri dường như bắt đầu ngả về đảng Dân chủ nhiều hơn sau khi Tòa án Tối cao lật lại phán quyết liên quan quyền phá thai, theo Guardian.
Sóng gió liên tiếp
"Các đặc vụ không đối xử với cựu tổng thống lễ độ như các cựu tổng thống khác", Guardian bình luận.
Vụ lục soát được tiến hành do nhà chức trách Mỹ nghi ngờ ông Trump đã giữ lại một số tài liệu của chính phủ mà đáng lẽ phải được bàn giao cho Cơ quan Lưu trữ Liên bang.
Đặc vụ FBI bên ngoài khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. Ảnh: AP. |
Truyền thông Mỹ cho biết trong những ngày cuối của nhiệm kỳ, ông Trump đã ra lệnh chuyển 15 thùng tài liệu tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, thay vì được đưa tới Cục Lưu trữ Liên bang theo quy định.
Trước đó, đã có nhiều thông tin về cách xử lý tài liệu bất cẩn của ông Trump. Truyền thông Mỹ đã đăng tải hình ảnh một số giấy tờ có chữ viết tay của ông Trump bị xé vụn xuất hiện tại hàng rào của Nhà Trắng cũng như trên đường nơi ông Trump đi qua.
Đáng chú ý, trong chiến dịch tranh cử năm 2016, bê bối thư điện tử và máy tính cá nhân của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nằm ở trung tâm chiến dịch của ông Trump. Không ít lần ông Trump kêu gọi bỏ tù bà Clinton vì bất cẩn với tài liệu mật.
Khi đó, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy nặng lời chỉ trích bà Clinton, cho rằng cựu ngoại trưởng "hoàn toàn không đếm xỉa tới bảo vệ và xử lý các thông tin có độ mật cao". Ông McCarthy khi đó cũng yêu cầu FBI tiến hành điều tra các cáo buộc nhắm vào bà Clinton.
Hiển nhiên lúc này, lãnh đạo đảng Cộng hòa sẽ không muốn đề cập tới sự bất cẩn của cựu Tổng thống Trump. Thay vào đó, ông McCarthy đang chĩa mùi dùi vào Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland, thành viên đảng Dân chủ.
Trong dòng tweet đăng tải hôm 9/8, ông McCarthy tuyên bố Bộ trưởng Garland sẽ là tâm điểm cuộc điều tra của Hạ viện vào năm 2023, sau khi đảng Cộng hòa giành lại thế đa số ở cơ quan này. Phe Cộng hòa cáo buộc Bộ Tư pháp Mỹ đang bị lợi dụng làm vũ khí chính trị.
"Khi đảng Cộng hòa giành lại Hạ viện, chúng ta sẽ lập tức giám sát Bộ Tư pháp, truy tìm mọi sự thật, không để sót bất cứ điều gì", ông McCarthy tuyên bố.
Đáp trả lại, Bộ trưởng Tư pháp lưu ý rằng ông không thể nêu chi tiết cơ sở cho cuộc khám xét vì “những nghĩa vụ đạo đức”, nhưng đã yêu cầu một thẩm phán Florida công bố nội dung lệnh khám xét sau khi chính ông Trump lên tiếng xác nhận vấn đề này, và vì công chúng "quan tâm đáng kể”. Chính ông Garland đã phê chuẩn cho quyết định xin tòa lệnh khám xét.
Đầu năm 2021, ông McCarthy từng chỉ trích người ủng hộ cựu Tổng thống Trump vì tấn công Điện Capitol. Nhưng thời gian và lợi ích dường như đã xóa nhòa bất đồng giữa hai bên. Nhiều khả năng ông McCarthy sẽ trở thành chủ tịch Hạ viện Mỹ sau bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới.
Đảng Cộng hòa gặp bất lợi
Về phần mình, cựu Tổng thống Trump dường như muốn cuộc khám xét của FBI ở Mar-a-Lago trở nên náo động hơn. Không chỉ đăng đàn chỉ trích vụ lục soát, ông Trump từ chối cung cấp danh sách các tài liệu đã mang đi khỏi Nhà Trắng.
Đến ngày 10/8, ông Trump phải trình diện tại văn phòng Tổng chưởng lý tiểu bang New York để cung cấp lời khai phục vụ cuộc điều tra hoạt động kinh doanh của tập đoàn Trump Organization.
Dù tham dự buổi thẩm vấn, ông Trump sử dụng quyền không trả lời câu hỏi theo Tu chính án thứ 5.
“Dựa trên lời khuyên của cố vấn và các nguyên nhân trên, tôi từ chối trả lời câu hỏi dựa trên quyền lợi mà mỗi công dân được hưởng dưới Hiến pháp Mỹ”, ông Trump tuyên bố. “Hiến pháp Mỹ tồn tại vì mục đích này và tôi sẽ sử dụng nó tối đa để tự vệ trước cuộc tấn công ác ý”.
Tuyên bố này trái ngược với quan điểm của ông Trump năm 2016, trước việc một số nhân vật thân cận với bà Hillary Clinton kích hoạt Tu chính án thứ 5 trong một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ.
“Khi bạn có các nhân viên kích hoạt Tu chính án thứ 5 để không bị truy tố, tôi nghĩ đó là điều tồi tệ”, ông Trump tuyên bố năm 2016.
Ông Trump tới buổi thẩm vấn ở văn phòng Tổng chưởng lý New York. Ảnh: Reuters. |
Các ồn ào quanh ông Trump diễn ra không bao lâu sau khi Tòa án Tối cao Mỹ khôi phục quyền tự quyết của các tiểu bang với chính sách phá thai. Hai vụ việc diễn ra liên tiếp càng làm nổi bật sự chia rẽ ngày một sâu sắc giữa hai phe tự do - bảo thủ ở Mỹ.
Thời gian qua, nhiều thành phần trong đảng Cộng hòa tìm cách "bôi đen" lực lượng thực thi pháp luật liên bang cũng như cộng đồng tình báo Mỹ, gọi các cơ quan này là những cánh tay của "nhà nước ngầm".
Trong khi đó, tại các bang do đảng Cộng hòa nắm quyền, đã xảy ra những vụ việc mà phe Dân chủ cáo buộc là đi ngược lại các giá trị lập quốc của nước Mỹ, sau khi phán quyết về quyền phá thai của Tòa án Tối cao có hiệu lực.
Tại Ohio, một bé gái 10 tuổi bị cưỡng hiếp đã phải tìm đến bang Indiana để phá thai. Bác sĩ thực hiện ca phá thai và cả nạn nhân hiện bị phe bảo thủ truy lùng.
Trong khi đó ở Nebraska, cơ quan công tố đã được tòa án tiểu bang chấp thuận lục soát Facebook để tìm kiếm bằng chứng một thiếu nữ 17 tuổi lên kế hoạch uống thuốc phá thai.
Siết chặt quy định về phá thai ở các tiểu bang được coi là một chiến thắng cho đảng Cộng hòa. Thế nhưng, kết quả này cũng có thể khiến đảng Cộng hòa trả giá.
Trong cuộc bầu cử đặc biệt cho vị trí hạ nghị sĩ liên bang đại diện quận 1 bang Minnesota, ứng viên Jeff Ettinger của đảng Cộng hòa giành chiến thắng trước đối thủ đảng Dân chủ, nhưng chỉ với cách biệt 4 điểm.
Điều đáng nói, quận 1 là nơi ông Trump từng thắng cách biệt 10 điểm trong cuộc bầu cử năm 2020. Bởi vậy, cuộc chạy đua sớm ở Minnesota là cơ hội hiếm hoi hé lộ diễn biến quan điểm của cử tri trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ.
"Việc Finstad chỉ thắng với cách biệt ít hơn 5 điểm là một kết quả tuyệt vời cho đảng Dân chủ", chuyên gia Dave Wasserman nhận định.