Reuters dẫn lời công ty bảo mật máy tính và cung cấp phần mềm chống virus FireEye của Mỹ cho biết, tin tặc đột nhập vào máy tính của các Bộ Ngoại giao bằng cách gửi email chứa các tập tin nhiễm mã độc cho nhân viên ngoại giao. Khi họ nhận các thư điện tử, mã độc nhanh chóng xâm nhập vào máy tính và lấy cắp dữ liệu.
Công ty bảo mật Mỹ tố tin tặc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: Blogspot. |
Trong suốt một tuần trước khi Hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới diễn ra tại Nga vào ngày 5 và 6/9, FireEye - công ty bảo mật tại bang California, Mỹ - theo dõi chặt chẽ hoạt động của các tin tặc Trung Quốc. Họ giám sát hoạt động của hệ thống máy chủ mà các tin tặc sử dụng để thu thập dữ liệu từ các cơ quan ngoại giao châu Âu.
Tuy nhiên, FireEye mất dấu các tin tặc ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở thành phố St Petersburg, Nga những ngày đầu tháng 9 vừa qua. Họ tin rằng tin tặc Trung Quốc thay đổi máy chủ để ăn cắp dữ liệu từ các cơ quan ngoại giao châu Âu, đồng thời “cắt đuôi” các chuyên gia chống gián điệp máy tính.
FireEye không nêu tên các quốc gia mà tin tặc do thám nhưng cả 5 nước đều thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài FireEye, các công ty an ninh mạng phương Tây đang theo dõi hàng chục nhóm tin tặc hoạt động tại Trung Quốc. Phương Tây nghi ngờ phần lớn các nhóm này liên quan tới chính phủ. Một vài nhóm tin tặc bị cáo buộc đánh cắp các bí mật thương mại nhằm phục vụ lợi ích cho các công ty, tập đoàn Trung Quốc.
Hiện tại, Jenny Shearer, phát ngôn viên Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), từ chối bình luận về cáo buộc của FireEye. Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington cũng im lặng trước sự việc.