Báo cáo của Liên Hợp Quốc cáo buộc chính phủ Triều Tiên đã mở "các chiến dịch nhắm vào cơ sở tài chính và sàn giao dịch tiền ảo". Số tiền do tin tặc đánh cắp được dùng cho chương trình vũ khí và hỗ trợ nền kinh tế nước này.
Một nước thành viên Liên Hợp Quốc còn cáo buộc tin tặc đã đánh cắp khoảng 316,4 triệu USD từ năm 2019 đến tháng 11/2020.
Nước này cũng nhận định Triều Tiên rất có khả năng đủ năng lực trang bị thiết bị hạt nhân vào tên lửa đạn đạo với mọi tầm bắn. Tuy nhiên, các chuyên gia của họ chưa thể khẳng định tên lửa Triều Tiên đã đạt được năng lực tái xâm nhập khí quyển hay chưa.
Triều Tiên trình làng tên lửa đạn đạo thế hệ mới trong cuộc duyệt binh cuối năm 2020. Ảnh: KCNA. |
Báo cáo mật được thực hiện theo chỉ thị của Hội đồng Chuyên gia Liên Hợp Quốc về Triều Tiên. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát thực thi và mức hiệu quả các lệnh cấm vận quốc tế đối với Triều Tiên.
CNN tiếp cận được tài liệu trên thông qua một nguồn tin ngoại giao trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Thời điểm công bố báo cáo chính thức vẫn chưa được ấn định.
Báo cáo mật đồng thời cho rằng Triều Tiên đã sản xuất vật liệu phân hạch, duy trì các cơ sở hạt nhân và nâng cấp cơ sở hạ tầng cho tên lửa đạn đạo. Bình Nhưỡng tiếp tục tìm mua từ nước ngoài vật liệu và công nghệ cho những chương trình vũ khí mà họ đang theo đuổi.
Cũng theo báo cáo Liên Hợp Quốc, Triều Tiên đang ngày càng phụ thuộc vào lực lượng tin tặc để tìm nguồn cung ngoại tệ cho nước này. Đại dịch Covid-19 khiến Triều Tiên cùng nhiều nước siết chặt quản lý biên giới, làm cho việc xuất khẩu hàng bị cấm vận trở nên khó khăn hơn.