Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ông Kim Jong Un có thể tặng Mỹ 'món quà bất ngờ'

Các chuyên gia vũ khí Mỹ cho biết Triều Tiên dường như đang chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa phóng từ tàu ngầm, giữa lúc nước này đang dần gia tăng áp lực với chính quyền Biden.

trieu tien thu ten lua phong tu tau ngam anh 1

Tuần trước, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chủ trì một cuộc diễu binh vào buổi tối tại Bình Nhưỡng, phô trương sức mạnh quân sự của Triều Tiên sau hơn một tuần đại hội đảng Lao động. Giờ đây, có vẻ như ông đang lên kế hoạch cho một màn bắn pháo hoa rất khác để chào đón tổng thống mới của Mỹ, ông Joe Biden.

Xuất hiện trong cuộc diễu binh là một tên lửa đạn đạo mới được thiết kế để phóng từ tàu ngầm, và truyền thông nhà nước mô tả đây là "vũ khí mạnh nhất thế giới". Hình ảnh vệ tinh đã cung cấp bằng chứng về hoạt động tại một căn cứ hải quân ở thành phố cảng Nampo phía tây đất nước, cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho vụ phóng thử loại tên lửa tương tự.

Mặc dù bằng chứng chưa đủ sức thuyết phục, việc này phù hợp với mô thức thể hiện thái độ dần dần mạnh mẽ hơn của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Bằng chứng ảnh vệ tinh

Ảnh vệ tinh thương mại được công ty Maxar chụp vào ngày 31/12/2020 cho thấy công việc đang được tiến hành trên một sà lan chìm. Loại sà lan này từng được sử dụng cho các vụ thử tên lửa phóng từ tàu ngầm trong quá khứ, theo phân tích của Jeffrey Lewis và David Schmerler, các chuyên gia vũ khí tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí hạt nhân James Martin ở California, Mỹ.

trieu tien thu ten lua phong tu tau ngam anh 2

Ảnh vệ tinh được chụp vào ngày 31/12/2020 cho thấy công việc đang được tiến hành trên một sà lan chìm ở căn cứ hải quân tại Nampo, Triều Tiên. Ảnh: Maxar.

Kể từ tháng 11/2020, chiếc sà lan nằm im lìm từ lâu đã được kéo từ nơi neo đậu thông thường đến một ụ khô gần đó ("dry dock", tức "ụ khô" hay "âu đà", là thuật ngữ hàng hải chỉ vũng tàu có thể tháo cạn nước để sửa chữa tàu).

Đây là động thái bất thường cho thấy các quan chức Triều Tiên có thể đang "chuẩn bị sử dụng sà lan cho một vụ hạ thủy" trong tương lai gần, hai chuyên gia Lewis và Schmerler viết trong phân tích của họ, được xuất bản hôm 18/1.

Trong bài phát biểu trước đại hội đảng cầm quyền vào tháng này, ông Kim cho biết ông sẽ "không ngừng củng cố sức mạnh" quân đội Triều Tiên. Ông nói đất nước sẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân và phát triển các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân mới.

Trên chuyên trang về Triều Tiên 38 North, ông Michael Elleman, giám đốc phụ trách chính sách hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nói tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm được công bố tuần trước có thể có tầm bắn khoảng 1.900 km.

Điều này có nghĩa là tên lửa sẽ có khả năng vươn tới đảo Guam từ biển Nhật Bản (Triều Tiên và Hàn Quốc gọi là Đông Hải).

Bất kỳ vụ thử tên lửa tầm xa nào cũng sẽ khiến chính quyền Biden đau đầu.

Trong khi hoạt động xung quanh Nampo gợi ý về một vụ thử nghiệm sắp diễn ra, hai chuyên gia Lewis và Schmerler cho biết không thể dự đoán chính xác thời gian việc này được thực hiện.

Chuyên gia Duyeon Kim tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới cho biết quân đội Triều Tiên luôn phải tuân thủ mệnh lệnh về việc thử nghiệm vũ khí và hoàn thiện công nghệ, nhưng bà dự đoán thời gian tiến hành bất kỳ vụ thử nghiệm nào sẽ được được quyết định chủ yếu bởi yếu tố chính trị. Đây có thể là phản ứng trước việc quân đội Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung.

Ông Biden sẽ quay lại học thuyết "kiên nhẫn chiến lược"?

Theo giáo sư Andrei Lankov của Đại học Kookin ở Seoul, một số dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang không hài lòng. Bình Nhưỡng lo ngại rằng ông Biden sẽ không mang lại cho họ những gì họ muốn và không đặc biệt quan tâm đến các cuộc đàm phán, ông Lankov nói.

Theo giáo sư Lankov, tân tổng thống Mỹ, với kinh nghiệm dày dạn của mình, có thể quay lại học thuyết "kiên nhẫn chiến lược" mà chính quyền Obama đã áp dụng, mặc dù không thành công.

trieu tien thu ten lua phong tu tau ngam anh 3

Ông Kim Jong Un trong cuộc diễu binh tại Bình Nhưỡng tối 14/1. Ảnh: KCNA/Reuters.

Giáo sư Lankov dự đoán Triều Tiên sẽ gia tăng áp lực lên Mỹ từng bước, một cách có hệ thống, chuyển từ việc diễu binh và đe dọa bằng lời nói sang các vụ thử tên lửa.

Song ông Vipin Narang, phó giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachussetts, lại có quan điểm khác. Ông sẽ không loại trừ một vụ thử nghiệm nhưng nói cũng có khả năng tương tự rằng ông Kim, vốn đang cố gắng kiểm soát đại dịch, sẽ duy trì sản xuất lương thực và thúc đẩy nền kinh tế.

Trước đó, ngay cả khi ông Kim gửi thư cho Tổng thống Trump để tán dương tình bạn của họ, các cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc đánh giá rằng Triều Tiên không ngừng nghiên cứu tên lửa mới hoặc tích lũy vật liệu phân hạch để chế tạo bom hạt nhân.

Sau đó, khi đối thoại với Washington bất thành, vào đầu năm ngoái, ông Kim tuyên bố ông không còn cảm thấy bị ràng buộc bởi lệnh cấm tự áp đặt đối với ICBM hoặc các vụ thử hạt nhân.

Tuy nhiên, một năm sau, nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn chưa hiện thực hóa lời đe dọa đó.

Dấu hiệu đáng lo ngại

Trong tháng này, ông Kim đã tuyên bố sẽ phát triển các ICBM nhiên liệu rắn có thể phóng từ đất liền và trên biển. Hai chuyên gia Lewis và Schmerler nói có nhiều bằng chứng cho thấy quá trình này đang được tiến hành, bất chấp những dấu hiệu cho thấy việc phát triển quân sự của Triều Tiên đã bị chậm lại do đại dịch và suy thoái kinh tế.

trieu tien thu ten lua phong tu tau ngam anh 4

Hình ảnh được cho là tên lửa phóng từ tàu ngầm Pukguksong-5 trong lễ diễu binh tối 14/1 ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA/Reuters.

Việc công bố một ICBM nhiên liệu rắn mới khổng lồ trong cuộc diễu binh vào tháng 10/2020 cho thấy chương trình tên lửa đã tiếp tục phát triển.

Triều Tiên đã thực hiện thành công vụ phóng thử tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn từ tàu ngầm - được đặt tên là Pukguksong-3 - ngoài khơi bờ biển phía đông đất nước vào tháng 10/2019.

Tên lửa nhiên liệu rắn có thể được phóng nhanh chóng và khả năng sống sót cao hơn so với các tên lửa nhiên liệu lỏng chiếm phần lớn trong kho vũ khí của ông Kim. Song vì được cất giữ trong hầm chứa hoặc trên tàu ngầm, chúng có thể dễ dàng bị nhắm đến hơn trong các cuộc tấn công phủ đầu.

Theo các chuyên gia, dù ông Kim quyết định làm gì, nhà lãnh đạo cũng đang gửi cho ông Biden một thông điệp rõ ràng. Ông Kim sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, và nếu Mỹ muốn nói về việc đóng băng hoặc cắt giảm kho vũ khí của Bình Nhưỡng, ông sẽ ra một mức giá rất cao.

Triều Tiên phô diễn tên lửa đạn đạo 'mạnh nhất thế giới'

Dưới sự chứng kiến của ông Kim Jong Un, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) thế hệ mới của Triều Tiên lần lượt xuất hiện trong buổi diễu binh ở Bình Nhưỡng vào đêm 14/1.

Tên lửa, xe tăng nối đuôi xuất hiện trong buổi diễu binh ở Triều Tiên

Triều Tiên tổ chức diễu binh vào đêm 14/1 để chúc mừng thành công của đại hội đảng vừa diễn ra. Nhiều vũ khí, bao gồm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, được phô diễn tại sự kiện.

Vì sao Triều Tiên ra mắt 'tên lửa mạnh nhất thế giới' vào lúc này?

Việc Triều Tiên công bố tên lửa Pukguksong-5 tuần qua là thông điệp Bình Nhưỡng gửi tới chính quyền mới sắp nhậm chức của ông Joe Biden.

Đông Phong

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm