Những tháng gần đây, Triều Tiên liên tiếp giới thiệu các loại tên lửa, mới nhất là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm ra mắt trong cuộc diễu binh hôm 14/1 ở thủ đô Bình Nhưỡng, đánh dấu kết thúc kỳ họp đại hội đảng Lao động cầm quyền.
Tên lửa mới có tên Pukguksong-5, đây là loại tên lửa lớn nhất chạy bằng nhiên liệu rắn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Pukguksong-5 mang lại cho Triều Tiên khả năng răn đe Mỹ từ trên biển.
Sẽ sớm gửi thông điệp tới chính quyền Biden
Pukguksong-5 được ra mắt chỉ 4 tháng sau khi Triều Tiên giới thiệu một phiên bản nhỏ hơn của chính loại tên lửa này trong cuộc diễu binh hồi tháng 10/2020. Cũng trong sự kiện này, Bình Nhưỡng ra mắt một tên lửa đạn đạo liên lục địa khác, được cho là loại vũ khí phóng từ phương tiện cơ động trên bộ lớn nhất thế giới.
Mặc dù vậy, vấn đề đối với Triều Tiên là những hệ thống vũ khí mới này chưa được kiểm chứng sức mạnh.
"Nếu ông Kim Jong Un muốn đạt được chương trình hạt nhân tham vọng như đã vạch ra tại đại hội đảng Lao động vừa rồi, Triều Tiên cần sớm phóng tên lửa", Bloomberg bình luận.
Tên lửa Pukguksong-5 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA. |
"Tôi chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến các cuộc phóng thử trong tương lai gần", Melissa Hanham, chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế Stanford, nhận định.
Triều Tiên đã tạm dừng bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa từ tháng 11/2017, khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un khởi động đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đi vào bế tắc suốt thời gian dài, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tuyên bố chấm dứt đóng băng các cuộc thử nghiệm. Đầu tuần qua, ông Kim gọi Mỹ là "kẻ thù chính lớn nhất".
Kể từ khi Bình Nhưỡng dừng các cuộc thử nghiệm, cộng đồng quốc tế không có nhiều thông tin về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Chính vì thế, các cuộc phóng thử tới đây sẽ cho thấy chương trình vũ khí của Triều Tiên đã phát triển như thế nào trong 3 năm qua. Bên cạnh đó, các cuộc thử nghiệm cũng có thể là công cụ giúp Bình Nhưỡng buộc chính quyền Joe Biden nhượng bộ trong vấn đề cấm vận.
Năm 2009, Triều Tiên đã thách thức các giới hạn của Nhà Trắng bằng một cuộc phóng tên lửa tầm xa và thử hạt nhân chỉ trong vài tháng sau khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức.
Bình Nhưỡng cũng chào đón chính quyền của Tổng thống Trump bằng cách tương tự, với hàng loạt vụ thử nghiệm, đỉnh điểm là việc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14, loại ICBM có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn bao trùm nhiều thành phố lớn của Mỹ.
"Chính quyền Biden cần chấp nhận thực tế điều đó sẽ xảy ra. Ông Kim có thể lường trước tín hiệu sớm từ Mỹ, nhưng ông Biden cần đưa ra một hứa hẹn có giá trị rõ ràng, như viễn cảnh dỡ bỏ cấm vận", Ankit Panda, chuyên gia Chương trình Chính sách hạt nhân thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, nhận định.
Mục tiêu của Bình Nhưỡng
Đội ngũ của tổng thống đắc cử Biden đã phát tín hiệu cho thấy chính quyền mới có thể giảm nhẹ các lệnh trừng phạt, đổi lại Triều Tiên đóng băng và cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Trao đổi này, ngược lại, sẽ giúp ông Kim Jong Un cải thiện tình trạng nền kinh tế vốn đang gặp nhiều thách thức.
Ông Kim tuyên bố không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Mỗi một tên lửa mới được ra mắt giống như lời khẳng định Mỹ nên từ bỏ yêu cầu "phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng", và chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Đầu tháng 1, ông Kim phác thảo kế hoạch phát triển các vũ khí hạt nhân nhỏ và nhẹ hơn, tăng cường năng lực tấn công các mục tiêu chiến lược trong phạm vi 15.000 km, một thông điệp kín đáo gửi tới Washington. Ưu tiên của ông Kim là phát triển ICBM chạy bằng nhiên liệu rắn và tàu ngầm hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: KCNA/DW. |
Hình ảnh cuộc diễu binh mới nhất được truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố hôm 15/1. Ông Kim có thể sẽ làm rõ thêm ý định của mình tại phiên họp Quốc hội Triều Tiên, dự kiến diễn ra ngày 17/1 ở Bình Nhưỡng.
Koh Yu-hwan, chủ tịch Viện Thống nhất quốc gia có trụ sở tại Seoul, cho rằng Triều Tiên có thể tạm thời trì hoãn thử nghiệm tên lửa Pukguksong-5.
"Ông Kim có lẽ chỉ muốn gửi thông điệp tới Washington rằng Triều Tiên sẽ chỉ phát triển vũ khí nếu Mỹ tiếp tục gây sức ép, mục tiêu là mở ra cơ hội đàm phán với chính quyền mới", ông Koh nói.
Để phóng Pukguksong-5, Triều Tiên cần có khí tài hiện đại hơn so với loại tầu ngầm Gorae mà nước này đang sở hữu, theo ông Joseph Dempsey, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế.
"Đường kính thân rộng hơn đáng kể của Pukguksong-3, 4 và nay là 5 đặt ra câu hỏi những tên lửa này liệu có thể lắp vừa trên tàu ngầm Triều Tiên hiện có, kể cả mẫu cải tiến", ông Dempsey nói. Chuyên gia này cho biết Triều Tiên đang phát triển ít nhất một loại tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới.
Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và tàu ngầm sẽ đòi hỏi rất nhiều cuộc thử nghiệm bị Mỹ và đồng minh coi là khiêu khích. Triều Tiên có thể phóng thử Pukguksong-5 trên đất liền trước khi đưa chúng xuống một phương tiện dưới nước, và cuối cùng là phóng từ tàu ngầm, ông Hanham nhận định.
Hơn nữa, các vũ khí này sẽ giúp Triều Tiên đến gần mục tiêu phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nguyên liệu rắn, loại có thể dễ dàng cất giấu và di chuyển để tránh đòn phản kích sau lần phóng đầu tiên.
Đường kính thân của tên lửa Pukguksong-5 có thể đã đạt tới 1,7 m, đây là kích thước cần thiết để tên lửa có khả năng bay xuyên Thái Bình Dương, đe dọa các thành phố trên lãnh thổ lục địa của Mỹ, theo ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí Đông Á tại Viên Nghiên cứu quốc tế Middlebury, đánh giá.
"Trong một năm qua, chúng ta đã nói về khả năng Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nguyên liệu rắn trong năm 2021. Tôi cho rằng sẽ có thêm nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa trong năm tới, trừ khi có những thay đổi đột biến trong quan hệ (với Mỹ)", ông Lewis cho biết.