Vào ngày 7/12, Trung Quốc đã công bố những thay đổi sâu rộng nhất trong chiến lược chống dịch cứng rắn được duy trì suốt 3 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu.
10 biện pháp mới bao gồm quy định cho phép những người mắc Covid-19 mà không có triệu chứng hoặc các trường hợp nhẹ cách ly tại nhà. Người dân Trung Quốc cũng không cần xuất trình mã sức khỏe trên ứng dụng điện thoại khi di chuyển giữa các khu vực trong nước.
Bloomberg nhận định đây là sự thay đổi lớn trong chính sách chống dịch của Trung Quốc nhằm khôi phục nền kinh tế. Và với quy mô kinh tế của nước này, chuyên gia nhận định đây cũng là tín hiệu tích cực cho thị trường toàn cầu, đặc biệt là việc giảm bớt áp lực chuỗi cung ứng.
“Nếu năng lực cung cấp của Trung Quốc được cải thiện, điều đó có thể mang lại lợi ích cho chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp hạ giá và giảm áp lực lạm phát, từ đó (tác động tích cực) đến các nền kinh tế khác”, tiến sĩ Yixiao Zhou, giảng viên kinh tế cấp cao tại Đại học Quốc gia Australia, nói với SBS.
"Khi biên giới quốc tế được mở lại và thời gian cách ly giảm, đó sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế, giúp mọi người di chuyển và kinh doanh dễ dàng hơn”, bà nói thêm.
Dấu hiệu tích cực
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vào năm 2021, gần 30% hàng hóa thế giới được sản xuất tại nước này, theo Guardian.
Ông Thomas O'Connor - chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Gartner Inc. ở Sydney - từng nhận định: "Thực tế, Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất toàn cầu. Khi những thách thức liên quan đến Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và hậu cần tại nước này, môi trường kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng".
Nhân viên y tế tại một con phố vắng vẻ ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Mối lo ngại này đang dần được giải quyết sau động thái nới lỏng biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc.
Tuần trước, Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan, quan chức hàng đầu phụ trách kiểm soát Covid-19, cho biết bản chất của virus đã thay đổi và các biến thể mới ít gây bệnh hơn. Do đó, bà nhấn mạnh đất nước đang đứng trước "một giai đoạn mới, với nhiệm vụ mới", đồng thời kêu gọi tối ưu hóa hơn nữa các biện pháp ứng phó với Covid-19, Tân Hoa xã đưa tin.
Với những thay đổi lần này, ông Chi Lo, nhà nghiên cứu chiến lược thị trường cấp cao tại công ty quản lý tài sản BNP Paribas, Hong Kong, cho rằng khu vực tiêu dùng sẽ có chuyển biến tích cực, theo Reuters.
"Rõ ràng khu vực tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Các dịch vụ và ngành liên quan đến con người và du lịch cũng sẽ hưởng lợi đáng kể”, ông nói.
Ông Gary Ng, nhà kinh tế tại Natixis, Hong Kong (Trung Quốc), cũng nhận định: "Những thông báo mới nhất cho thấy Trung Quốc quyết tâm tăng tốc mở cửa trở lại do áp lực kinh tế. Có khả năng (chúng ta) sẽ chứng kiến tâm lý kinh doanh được cải thiện, đặc biệt là trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế”.
Trong khi đó, ông Harley Seyedin, chủ tịch Phòng thương mại Mỹ (AmCham) ở khu vực phía nam Trung Quốc, cho biết quyết định nới lỏng hạn chế mới nhất là một bước đi đáng khích lệ đối với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, theo South China Morning Post.
Nhiều thành viên của AmCham tại Trung Quốc đã tạm dừng các dự án ngân sách lớn vì các chuyên gia không thể đến nước này, ông Seyedin nói thêm.
“Để xây dựng các nhà máy mới, chúng tôi cần đưa các chuyên gia mới đến Trung Quốc. 20 biện pháp mới nhất sẽ cho phép các chuyên gia xây dựng nước ngoài đến Trung Quốc và biến những dự án đầu tư quan trọng thành hiện thực”, ông nhấn mạnh.
Khôi phục chuỗi cung ứng
Nhiều công ty châu Âu cũng đặt trụ sở hoặc xây dựng các đơn vị sản xuất tại Trung Quốc. Điều đó có nghĩa khi các chuỗi cung ứng tại nước này không còn bị gián đoạn, họ có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh một cách thuận lợi hơn, theo Euronews.
Bà Bettina Schoen-Behanzin, phó chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc, cho biết trước khi Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, một số công ty được phép hoạt động nhưng gặp nhiều khó khăn vì “không thể đưa công nhân từ khu vực bị phong tỏa đến làm việc”. Bên cạnh đó, “việc tìm tài xế xe tải vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm cũng gặp trở ngại”.
Một trong những tập đoàn lớn có thể hưởng lợi từ những thay đổi mới nhất ở Trung Quốc là Apple. Theo Fortune, các hạn chế tại thành phố Trịnh Châu - nơi có cơ sở sản xuất lớn nhất của Apple Inc. tại Trung Quốc - đang dần được dỡ bỏ.
Người dân xếp hàng tại một điểm xét nghiệm axit nucleic ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/12. Ảnh: Reuters. |
Vào ngày 4/12, giới chức Trịnh Châu đã thông báo dừng yêu cầu xét nghiệm Covid-19 bắt buộc đối với những người sử dụng xe buýt, tàu điện ngầm, taxi và một số địa điểm công cộng khác.
Trước đó, Apple đã cảnh báo về tình trạng thiếu hàng dịp Giáng sinh. Các nhà phân tích cho rằng việc nhà máy sản xuất iPhone khổng lồ ở Trịnh Châu đóng cửa có thể khiến Apple mất 1/3 hàng tồn kho trong dịp lễ này, theo Guardian.
Những thay đổi trong chính sách chống dịch cũng đánh dấu sự trở lại của các trung tâm tài chính lớn, kết nối Trung Quốc với thế giới.
Trong một tuyên bố vào ngày 4/12, chính quyền thành phố Thượng Hải thông báo loại bỏ các yêu cầu xét nghiệm PCR khi sử dụng phương tiện công cộng và địa điểm công cộng ngoài trời như công viên. Hàng Châu, quê hương của gã khổng lồ công nghệ Alibaba Group Holding Ltd., cũng có thông báo tương tự.
Trong khi đó, Bussiness Insider cho rằng việc Trung Quốc nới lỏng hạn chế và tiến tới khôi phục các chuyến bay quốc tế cũng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của nước này ra thị trường thế giới. Nhiều chuyến bay chở khách hơn đồng nghĩa khả năng vận chuyển hàng hóa được cải thiện, giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển.
Trên thực tế, hơn một nửa số hàng hóa hàng không trên toàn thế giới được vận chuyển bằng các máy bay chở khách. Khi không có chuyến bay chở khách thường xuyên, giá vận chuyển hàng hóa bằng máy bay đến và đi từ Trung Quốc cao ngất ngưởng. Song với những biện pháp mới, các chuyên gia kỳ vọng chi phí sẽ giảm.
Sự bùng nổ của Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Sự bùng nổ của Trung Quốc” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản tháng 4/2021. Cuốn sách được kết cấu thành 2 phần, bắt đầu với việc phác thảo bối cảnh lịch sử diễn ra sự bùng nổ tư bản (vốn) của Trung Quốc và cơ cấu tổ chức xã hội - chính trị những năm 1980 dẫn tới sự bùng nổ này.