Theo CNN, thị trường trái phiếu Mỹ đang phát đi một tín hiệu cảnh báo. Đó là đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đảo ngược. Đáng nói, trong vòng 60 năm qua, tín hiệu này đã cảnh báo chính xác hầu hết cuộc suy thoái của Mỹ.
Về cơ bản, đường cong lợi suất là một đồ thị cho thấy sự khác biệt giữa khoản lợi suất bình quân mà các nhà đầu tư có được khi mua trái phiếu ngắn hạn và dài hạn, chẳng hạn 3 tháng, 1 năm, 5 năm hay 10 năm.
Thông thường, đường cong lợi suất có xu hướng đi lên, bởi thời gian đáo hạn càng dài thì rủi ro càng tăng, lợi suất càng cao. Nếu chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu dài hạn và ngắn hạn giảm xuống bằng 0, đường cong lợi suất sẽ đi ngang.
Khi mức chênh lệch rơi xuống âm, tức thời gian đáo hạn dài hơn nhưng lợi suất được hưởng lại thấp hơn, đường cong này sẽ bị đảo ngược.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa lần đầu nâng lãi suất trong hơn 3 năm. Cơ quan này cũng sẽ tiếp tục tăng lãi trong 6 cuộc họp chính sách khác trong năm nay nhằm kiểm soát lạm phát. Ảnh: Reuters. |
Tín hiệu cảnh báo
Đường cong lợi suất đảo ngược được coi là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư lo lắng về tương lai trước mắt hơn là dài hạn, khiến lãi suất trái phiếu ngắn hạn tăng cao hơn lãi suất trái phiếu dài hạn.
Hiện tượng này có thể sắp xảy ra bởi những lo ngại về xung đột giữa Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt mạnh tay giáng vào Moscow.
Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần đầu nâng lãi suất trong hơn 3 năm. Cơ quan này cũng sẽ tiếp tục tăng lãi trong 6 cuộc họp chính sách khác trong năm nay nhằm kiểm soát lạm phát.
Trong cuộc họp báo hôm 23/3, Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định sẽ làm giảm lạm phát bằng cách ngăn tiền lương tăng quá nóng và vẫn giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Nhưng một số nhà đầu tư lo ngại rằng FED sẵn sàng hành động mạnh tay để cắt giảm lạm phát.
Đường cong lợi suất đảo ngược được coi là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư lo lắng về tương lai trước mắt hơn là dài hạn. Ảnh: Reuters. |
Cuộc chiến ở Ukraine và những lệnh trừng phạt nhắm vào Nga đã giáng đòn lên chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang chao đảo. Điều này phủ bóng lên nền kinh tế thế giới và đẩy các ngân hàng trung ương vào thế tiến thoái lưỡng nan. Câu hỏi đặt ra là họ nên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hay đối phó với lạm phát.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã đưa ra các động thái nhằm hạ nhiệt giá cả. "Chúng ta đang đối mặt với một tình huống phức tạp và không chắc chắn", ông Klaas Knot - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan, nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - nhận định.
Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, cuộc chiến ở Ukraine sẽ khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm hơn 1 điểm phần trăm trong năm nay, đồng thời đẩy lạm phát thêm 2,5 điểm phần trăm trên toàn cầu.
Nguy cơ suy thoái
Trái phiếu kho bạc Mỹ đang giành được sự chú ý trong những tuần qua. Nguyên nhân là bất ổn địa chính trị và FED thắt chặt các chính sách tiền tệ. Điều này khiến nhà đầu tư không còn hứng thú với cổ phiếu và những tài sản rủi ro khác. Thay vào đó, họ đổ tiền vào các tài sản an toàn hơn.
Nhưng khi ngày càng nhiều người đổ xô vào trái phiếu kho bạc, lãi suất sẽ giảm, trái phiếu từ đó trở thành khoản đầu tư kém hấp dẫn hơn. Một số nhà đầu tư thậm chí bắt đầu tìm kiếm các tài sản như Bitcoin và tiền mặt, vốn không ổn định bằng trái phiếu.
Trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm thường mang lại tỷ suất sinh lời cao hơn những trái phiếu kho bạc có kỳ hạn ngắn hơn, chẳng hạn trái phiếu 2 năm hoặc 3 năm. Bởi nhà đầu tư dễ dự đoán rủi ro của các trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn.
Chúng ta đang đối mặt với một tình huống phức tạp và không chắc chắn
Ông Klaas Knot, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan, nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)
Nhưng khi lợi tức của trái phiếu kỳ hạn 10 năm thấp hơn kỳ hạn 2 năm, điều đó cho thấy giới đầu tư đang bi quan về triển vọng kinh tế trong ngắn hạn.
Chênh lệch giữa trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và trái phiếu kỳ hạn 2 năm hiện ở mức khoảng 0,2%, so với khoảng 1,5% một năm trước đó.
Theo nghiên cứu từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco, kể từ năm 1955, hiện tượng đảo ngược đường cong lợi suất đã xuất hiện trước mọi cuộc suy thoái kinh tế.
Hiện tượng này có thể xảy ra trước cuộc suy thoái trong vòng 12 tháng, nhưng cũng có khả năng mất nhiều năm. Chẳng hạn, đường cong lợi suất đã bị đảo ngược vào năm 2005, nhưng cuộc Đại suy thoái diễn ra trong năm 2007.
Nhưng giới quan sát vẫn gióng lên hồi chuông cảnh báo. Nói với CNBC, nhà đầu tư Carl Icahn cho rằng một cuộc suy thoái rất có thể sẽ diễn ra, thậm chí còn tồi tệ hơn. "Chúng tôi đã sử dụng những 'hàng rào' phòng vệ vững chắc cho các vị thế mua trong ngắn hạn. Bởi chúng tôi không thể đoán trước", ông tiết lộ.
Nói với CNN hồi tuần trước, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics cảnh báo có ít nhất một trong ba khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới.