Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tin giả về Ronaldo là vấn nạn nhức nhối

Một tin tức không đúng sự thật - ngay cả khi nó mang thông điệp tốt - cũng gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.

Câu chuyện về khách sạn của Cristiano Ronaldo trong thời gian qua là ví dụ cho điều đó.

Tuần trước, thế giới bóng đá xôn xao trước thông tin Ronaldo sẽ biến khách sạn của mình tại Bồ Đào Nha thành bệnh viện để chống dịch bệnh. Không chỉ dừng lại ở việc hiến khách sạn, Ronaldo còn được cho sẵn sàng trả tiền lương cho các bác sĩ và y tá đang chiến đấu với bệnh tật.

Cristiano Ronaldo anh 1

Khách sạn PestanaCR7 của Cristiano Ronaldo ở Bồ Đào Nha. Ảnh: AP.

Ronaldo và Messi - nạn nhân của tin giả

Hàng trăm website và tờ báo trên thế giới đã đăng lại thông tin nói trên, trong đó có cả những đơn vị truyền thông nổi tiếng như Marca (Tây Ban Nha) hay Talk Sports (Anh).

Câu chuyện của Ronaldo nhanh chóng lan truyền trên mạng và để lại hiệu ứng vô cùng tích cực. Ngay cả các fan của Lionel Messi cũng bày tỏ sự ủng hộ với hành động đẹp nói trên của Ronaldo.

Theo cây viết Andy Mitten, câu chuyện của Ronaldo bắt đầu từ một người dẫn chương trình truyền hình tên Adriano Del Monte. MC người Italy thậm chí có một tài khoản được "tick xanh" trên mạng xã hội và dùng nó để đưa thông tin về siêu sao của Juventus.

"Khách sạn PestanaCR7 của Cristiano Ronaldo sẽ trở thành bệnh viện tuần tới, nơi các bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ được chữa trị miễn phí. Ronaldo sẽ trả lương cho toàn bộ các nhân viên y tế. Thật là người đàn ông tốt bụng", Del Monte viết.

Đó là câu chuyện có vẻ hoàn hảo. Ronaldo, cầu thủ nổi tiếng bậc nhất thế giới bóng đá, vẫn hay làm từ thiện. Và việc anh biến khách sạn trở thành bệnh viện, chi trả một phần tiền trong khối tài sản trị giá hàng trăm triệu USD dường như không là vấn đề lớn. Vấn đề duy nhất (và cũng lớn nhất) đó là việc Ronaldo chưa bao giờ làm điều đó.

Thông tin của Del Monte là một tin giả, hay còn được phổ biến với cái tên "fakes news" trong nhiều năm trở lại đây. Phát ngôn viên của khách sạn PestanaCR7 phủ nhận thông tin nói trên. Ronaldo không đề cập đến điều này trong các phát ngôn chính thức vì đơn giản nó không có thật.

Khách sạn của CR7 đang trải qua quãng thời gian khó khăn vì dịch bệnh. Một nguồn tin từ PestanaCR7 chia sẻ với AFP: "Tất cả đều không đúng sự thật. Chúng tôi không nhận được bất cứ đề nghị hay chỉ dẫn nào về thông tin nói trên".

Không chỉ Ronaldo, Messi cũng là nạn nhân khác của tin giả trong thời gian qua. Gần một tuần sau khi Ronaldinho bị chính quyền Paraguay tạm giữ vì dùng hộ chiếu giả, Messi được cho là sẵn sàng bỏ ra 4,5 triệu USD để giúp đồng đội cũ thoát khỏi rắc rối với pháp luật.

Nhiều ngày sau, tờ báo thân Barca Sport khẳng định tin Messi chi tiền để cứu Ronaldinho khỏi nhà tù Paraguay là không đúng sự thật. "Messi lấy làm tiếc về chuyện của Ronaldinho, nhưng anh không hề thực hiện bất kỳ động thái kinh tế hay pháp lý nào để đưa cựu cầu thủ bóng đá Brazil ra khỏi tù", Sport dẫn lời các nguồn tin thân cận của cầu thủ người Argentina.

Cristiano Ronaldo anh 2

Messi đã phủ nhận việc chi số tiền lớn để cứu Ronaldinho khỏi rắc rối với pháp luật. Ảnh: Getty.

Hệ lụy

Cả hai "fake news" về Ronaldo và Messi đều là minh chứng tiêu biểu cho những hỗn loạn trong thời đại bùng nổ thông tin. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng nổ, vấn nạn đó trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết.

Những tin giả với thông điệp xấu thường gieo rắc nỗi sợ hãi, nhưng ngay cả những tin giả với thông điệp tốt như của Ronaldo và Messi vừa qua cũng tạo ra hiệu ứng tiêu cực.

Cây viết Andy Mitten bình luận mọi người luôn có xu hướng thích đọc những câu chuyện tốt về các thần tượng của họ. Messi và Ronaldo có hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới, và sẽ thật tuyệt vời nếu những thông tin như ở trên là đúng sự thật.

Còn gì tuyệt vời hơn khi Ronaldo trở thành người hùng giữa thời dịch bệnh bùng phát khắp châu Âu? Với Messi, 4,5 triệu USD giúp Ronaldinho có lẽ là nghĩa cử đẹp nhất Leo từng dành cho đàn anh, người đồng đội từng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của mình.

Tuy nhiên, công chúng có thể cực kỳ thất vọng khi biết những thông tin kể trên về các thần tượng của họ là không đúng sự thật. Từ vị thế người hùng, Messi và Ronaldo có thể nhanh chóng trở thành những kẻ keo kiệt, bủn xỉn khi các thông tin nói trên bị phát giác.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) từng đưa ra cảnh báo, thế giới có thể rơi vào tình cảnh "cháy rừng không thể kiểm soát trên không gian mạng - digital wildfire", khi những tin giả được lan truyền với tốc độ cao.

Đặc biệt là trong bối cảnh thế giới phải chống chọi với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện tại. Chỉ một thông tin giả cũng có thể khiến tình hình xấu đi trông thấy.

Ở lĩnh vực bóng đá, "tin giả" có thể trở thành thứ "vũ khí cảm xúc" đem lại tác hại khó đong đếm hết. Ngay cả những siêu sao như Messi hay Ronaldo cũng có thể trở thành nạn nhân của thứ vũ khí cảm xúc đó.

Thước phim về Cristiano Ronaldo năm 14 tuổi 21 năm trước, Ronaldo là một trong những tài năng sáng nhất của lò trẻ Sporting Lisbon. Anh từng bước thể hiện khả năng và vươn tầm thành siêu sao như hiện nay.

Ronaldo mất bao nhiêu tiền khi bị giảm lương?

Trong trường hợp các CLB tại Serie A quyết định cắt giảm lương cầu thủ, nhiều ngôi sao lớn như Cristiano Ronaldo sẽ mất những khoản tiền không hề nhỏ.

Hồng An

Bạn có thể quan tâm