Đầu tuần này, trang mạng Twitter của Ofir Gendelman - phát ngôn viên Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - xuất hiện video dài 28 giây. Trong video, binh sĩ người Palestine dường như đang nã rocket vào Israel từ những khu vực đông dân tại Dải Gaza, New York Times đưa tin ngày 15/5.
Trong lúc xung đột Palestine - Israel bùng phát, video trên được chia sẻ hàng trăm lượt. Tuy nhiên, video này đã xuất hiện từ năm 2018. Chú thích cũ cho thấy binh sĩ trong video bắn rocket từ Syria hoặc Libya, không phải Dải Gaza. Đến ngày 13/5, video trên đã bị gỡ xuống sau khi được xác định là “nội dung gây nhầm lần”.
Đây chỉ là một trong nhiều mẩu thông tin sai sự thật được lan truyền trong tuần này trên Twitter, Facebook, TikTok, và các mạng xã hội khác nói về tình trạng bạo lực leo thang giữa người Israel và Palestine.
Thiệt hại tại thành phố Ashkelon, Israel do tên lửa từ Gaza gây ra vào ngày 12/4. Ảnh: The New York Times. |
Dạng tin giả này tiềm ẩn nguy cơ chết người vì càng khoét sâu sự thù hận giữa người Israel và Palestine, trong khi hai bên vốn đã nghi kỵ lẫn nhau, chuyên gia về tin giả nhận định.
“Rất nhiều tin giả là thông tin đồn đoán hoặc bị truyền đạt sai. Nhưng chúng đang được chia sẻ ngay bây giờ vì người ta rất muốn chia sẻ thông tin về tình hình hiện tại”, Arieh Kovler, nhà nghiên cứu độc lập về tin giả tại Jerusalem, nói. “Càng gây hiểu nhầm là khi thông tin thật giả lẫn lộn, tức là khi dữ kiện bị gắn sai mốc thời gian hoặc địa điểm”.
New York Times vào tuần này đã tìm được một số tin giả như thông tin cảnh báo rằng người Palestine chuẩn bị tấn công dân Israel.
“Dân Palestine sắp tới. Bố mẹ hãy bảo vệ con cái mình”, một mẩu tin giả viết. Nhưng tại những địa điểm được nhắc tới trong bài đăng không ghi nhận vụ bạo lực nào xảy ra.
Một vài tờ báo tiếng Arab và Hebrew cũng giúp khuếch tán một số nội dung sai sự thật. Mới đây, các tờ báo Israel bàn luận về video một gia đình đưa thi thể bọc vải tới lễ tang nhưng đã vứt mọi thứ để chạy khi thấy cảnh sát. Đây được cho là chứng cứ cho thấy các gia đình Palestine đang làm lễ tang giả để phóng đại số người chết trong giao tranh.
Trên thực tế, video này xuất hiện trên YouTube hơn một năm trước với nội dung về một gia đình người Jordan tổ chức lễ tang giả, theo chú thích của video gốc.
Một video người Do Thái xé quần áo để thể hiện lòng thành kính cũng bị các tờ báo tiếng Arab lấy làm chứng cứ chứng minh người Do Thái đang giả vờ bị thương trong các cuộc đụng độ tại Jerusalem. Tuy nhiên, video này đã được đăng lên WhatsApp và Facebook vài lần vào đầu năm nay, theo New York Times.