Tổng Cục Thống kê vừa công bố số liệu tình hình kinh tế xã hội quý I/2021, trong đó, cơ quan thống kê ghi nhận dịch Covid-19 bùng phát đầu năm nay nhưng đã được khoanh vùng và kiểm soát giúp hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường. Điều này cũng giúp nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng trở lại.
Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán từ đầu năm ước tăng 1,49%, giảm nhẹ so với mức tăng 1,55% cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ tiêu huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,54% (cùng kỳ tăng 0,51%) và tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 1,47%, cao gấp đôi cùng kỳ là 0,68%.
Tuy tăng mạnh so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng tín dụng kể trên đã chậm hơn rõ rệt so với những tháng cuối năm 2020. Bình quân mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm 2021 đến nay mới chỉ đạt chưa tới 0,6%/tháng, thấp hơn nhiều lần so với quý cuối cùng trong năm 2020.
Cụ thể, cuối tháng 9/2020, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,09%, nhưng đến hết năm, chỉ tiêu này đã đạt tới 12,13%. Như vậy, bình quân mỗi tháng trong quý cuối cùng của năm 2020, tăng trưởng tín dụng lên tới hơn 2%, cao gấp 3,4 lần so với bình quân tháng từ đầu năm 2021. Thậm chí, riêng tháng cuối năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 3,67%, cao gấp 6 lần.
Thực tế, việc tăng trưởng tín dụng giảm tốc trong những tháng đầu năm 2021 có một phần nguyên nhân từ việc dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại 13 tỉnh, thành phố lớn bao gồm Hải Dương, Quảng Ninh, TP.HCM, Hà Nội…
Tăng trưởng tín dụng đã chậm lại trong những tháng đầu năm 2021. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngoài ra, tín dụng giảm cũng có nguyên nhân đến từ việc các ngân hàng thương mại được giao mức tăng trưởng tín dụng thấp.
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng ứng với tình hình diễn biến Covid-19.
Trong đó, kịch bản 1 là tín dụng tăng trưởng 12-13%, tối đa có thể lên 14% nếu dịch dừng trong quý I và tiêm chủng vaccine đại trà. Kịch bản 2, tăng trưởng tín dụng là 10-12% nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 6 và Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vaccine. Kịch bản cuối là dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm, theo đó tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ là 7-8%.
Theo các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ do tác động của làn sóng Covid-19 gần đây. Tuy nhiên, số liệu cho thấy hạn mức tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng lại thấp hơn nhiều so với năm ngoái.
HẠN MỨC TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG CỦA MỘT SỐ NGÂN HÀNG NĂM 2020 VÀ 2021 | ||||||||||
Nguồn: VDSC | ||||||||||
Nhãn | Techcombank | Vietcombank | MBBank | ACB | VIB | BIDV | VietinBank | Agribank | Eximbank | |
Hạn mức ban đầu năm 2021 | % | 12 | 10.5 | 10.5 | 9.5 | 8.5 | 7.5 | 7.5 | 6.5 | 6.5 |
Tăng trưởng thực tế năm 2020 | 23.3 | 14 | 22.9 | 15.7 | 29 | 8.3 | 7.7 | 8 | 11 |
VDSC cho rằng diễn biến này có liên quan tới việc cơ quan quản lý tiền tệ thường đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng tùy thuộc vào tình hình hoạt động của các ngân hàng và chất lượng tài sản. Vì vậy, NHNN luôn đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu ở mức thấp trong những năm gần đây.
Sau giai đoạn đầu năm, tùy thuộc vào tình hình thực tế của thị trường và các ngân hàng, NHNN sẽ mở rộng hạn mức tín dụng phù hợp với nhu cầu tăng trưởng cả năm. Vì vậy, việc các ngân hàng chỉ được giao tăng trưởng tín dụng thấp từ đầu năm chủ yếu nhằm mục đích quản lý rủi ro chứ không phải xu hướng tín dụng trong cả năm.
Theo số liệu từ các công ty chứng khoán, mức tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng thương mại đã ghi nhận tăng trưởng trong quý I/2021 như ACB tăng khoảng 3,5%, cao hơn 1,2 điểm % so với cùng kỳ; VPBank tăng 3,9%, cao hơn 1,3 điểm %... Đặc biệt, nhóm ngân hàng quốc doanh cùng kỳ năm 2020 đều ghi nhận tăng trưởng âm thì đến năm nay đã tăng trưởng dương trở lại với BIDV đạt 2,7% và VietinBank đạt 2,6%...
Tuy vậy, mức tăng kể trên chủ yếu đến từ nền thấp trong quý I/2020 do là cao điểm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo số liệu của VDSC, hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu NHNN cho một số ngân hàng năm 2021 cũng đang thấp hơn nhiều so với tăng trưởng thực tế. Trong đó, Agribank được giao tăng 6,5%, thấp hơn 1,5 điểm %; BIDV được giao tăng 7,5%, thấp hơn 0,8 điểm %; VietinBank được giao tăng 7,5%, thấp hơn 0,2 điểm %; Vietcombank được giao 10,5%, thấp hơn 3,5 điểm %; MBBank là 10,5%, thấp hơn 12,4 điểm %...