Đây là nhận định của các chuyên gia phân tích tại Bộ phận phân tích và đầu tư Công ty Chứng khoán SSI – SSI Research về thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 15-19/3 vừa qua.
Cụ thể, theo dữ liệu của các chuyên gia, mặt bằng lãi suất tuần gần nhất trên thị trường vẫn duy trì trạng thái ổn định. Trong đó, tuần qua, thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch, lãi suất trên thị trường liên ngân nhích nhẹ 0,02-0,03 điểm %, chốt tuần ở mức 0,36%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,5%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Từ đầu tháng 3 đến nay, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi với khách hàng cá nhân, phổ biến khoảng 0,1-0,4 điểm % nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất tiền gửi với khách hàng tổ chức.
Theo các chuyên gia, diễn biến này vẫn chỉ mang tính chất cục bộ tại từng ngân hàng, vì vậy, trong ngắn hạn, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay vẫn sẽ duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, đến cuối quý II, khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng, mặt bằng lãi suất sẽ tăng trở lại.
Nguồn: SSI Research, NHNN |
Quan điểm tương tự cũng được các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Vietcombank – VCBS đưa ra khi lãi suất huy động từ đầu năm vẫn tiếp tục trong xu hướng giảm và sau đó duy trì ở mặt bằng thấp.
Theo VCBS, nếu có áp lực tăng với lãi suấi huy động thì nhiều khả năng chỉ mang tính chất cục bộ ngắn hạn và ở các kỳ hạn ngắn khi đây là giai đoạn chuyển tiếp đối với phương thức giao dịch ngoại tệ là giao dịch kỳ hạn 6 tháng áp dụng đầu năm nay. Điều này khiến cho các ngân hàng phải chuẩn bị và tính toán một cách kỹ càng và hợp lý nguồn lực.
Các chuyên gia tại đây kỳ vọng NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt và duy trì thanh khoản hệ thống dồi dào. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm khá trong khoảng 1 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, trường hợp tín dụng tăng cao trở lại, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể tăng lên.
Trước đó, kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý I/2021 do Vụ dự báo, thống kê (thuộc Ngân hàng Nhà nước) thực hiện cũng ghi nhận thanh khoản toàn hệ thống được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt trong quý I/2021 và cả năm 2021. Đây là cơ sở cho kỳ vọng mặt bằng lãi suất duy trì thấp từ đầu năm và tín dụng sẽ phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19.
Các ngân hàng đều nhận định mặt bằng lãi suất đã giảm rõ rệt trong năm 2020 và sẽ tiếp tục giảm trong quý I/2021, với mức giảm bình quân 0,05-0,16 điểm % so với cuối năm 2020.
Trong quý I, các ngân hàng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 3,5% và tăng 11,9% trong cả năm 2021. Hầu hết nhóm ngân hàng đều nâng dự báo về tăng trưởng huy động vốn trong năm 2021, ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cỡ nhỏ.
Ở chiều tín dụng, các ngân hàng dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống quý đầu tiên của năm 2021 sẽ đạt 3,6% và tăng 13% trong cả năm. Ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cỡ lớn, hầu hết nhà băng còn lại đều nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng trong năm nay.