Chiều 20/3, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì buổi giao ban trực tuyến công tác phòng chống dịch Covid-19 với các sở, ngành, quận huyện.
Đại diện Sở Công Thương cho biết tình hình dịch diễn biến phức tạp, ca bệnh tăng cao nên số người cách ly cũng tăng. Vì thế, Sở Công Thương đã xây dựng phương án chuẩn bị hàng hoá phục vụ người dân trên địa bàn và phục vụ các khu cách ly. Theo đó, lượng hàng hoá hoá dự trữ sẽ gấp đôi so với thông thường.
Khó kiểm soát thông tin trong các nhóm kín
“Tổng lượng hàng hoá dự trữ có giá trị khoảng 174 tỷ đồng với những hàng thiết yếu như nước, sữa, khẩu trang, nước sát khuẩn…”, vị này nói và đề nghị đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân không mua sắm dự trữ hàng hoá, tránh lan truyền thông tin không chính thống khiến người dân hoang mang.
Sở Công Thương Hà Nội đảm bảo đủ nhu yếu phẩm cho người dân, người dân không cần lo tích trữ. Ảnh: Duy Hiệu. |
Vị này cho rằng thông tin thất thiệt về việc phong toả thành phố khiến người dân đổ xô mua hàng dự trữ và khẳng định thành phố đủ hàng hoá phục vụ nhu cầu của người dân.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng nhấn mạnh yêu cầu vừa chống dịch, vừa phải đảm bảo chất lượng giáo dục. Ngoài việc nắm bắt thông tin về sức khoẻ của giáo viên, học sinh, ông Dũng đề nghị quán triệt tới các thầy cô giáo và học sinh, phụ huynh về việc không tung tin đồn thất thiệt.
“Phải vận động cha mẹ học sinh không tung tin thất thiệt trong các nhóm chat riêng để ảnh hưởng tới công tác tránh dịch của thành phố”, ông Dũng nói.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng. Ảnh: Sơn Hà. |
Cùng đề cập đến vấn đề này, Phó giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thị Mai Hương cho biết vừa qua mạng xã hội xuất hiện khá nhiều tin đồn như phong toả Hà Nội, thiếu khu cách ly tập trung, không có năng lực sản xuất khẩu trang. Song ngay sau đó, Sở TT&TT đã bác bỏ.
“Các tin đồn không chỉ xuất hiện trên mạng xã hội mà còn trong các nhóm kín nên việc kiểm soát thông tin khó khăn, nhất là nhóm kín do các bà mẹ bỉm sữa hay các phụ huynh chia sẻ”, bà Hương nói và cho rằng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa.
Phó giám đốc Sở TT&TT cho hay đơn vị này đã chuyển Công an thành phố và các địa phương thông tin về hơn 20 tài khoản tung tin đồn và sai sự thật về việc Hà Nội phải phong tỏa cả thành phố và sẽ xử lý nghiêm.
Hà Nội đề xuất mua 200.000 bộ kit xét nghiệm
Báo cáo tại cuộc họp, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho hay 425 người tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính của Hà Nội, đã lấy mẫu xét nghiệm được 417 người, kết quả xét nghiệm 416 người âm tính, 1 trường hợp chưa có kết quả.
129 người của Hà Nội tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính của các tỉnh khác, tất cả các trường hợp này đã được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính.
Từ ngày 0h ngày 15/3, Hà Nội đã thực hiện kiểm dịch và lấy mẫu xét nghiệm cho 2.454 hành khách từ các quốc gia có dịch về sân bay Nội Bài và chuyển tới các khu cách ly tập trung theo quy định.
Thành phố đã bố trí thêm 3 khu cách ly tập trung với quy mô 10.100 chỗ ở tại Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai); Khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II (quận Nam Từ Liêm); Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (quận Nam Từ Liêm) và Trường Trung cấp nghề số 18 (huyện Thanh Trì).
Hiện tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đang chạy 4 máy xét nghiệm Covid-19, dự kiến sẽ có thêm 8 máy trong những ngày tới. Thành phố đang đề xuất mua thêm 200.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm để đáp ứng cho nhu cầu xét nghiệm sàng lọc sớm.
Nhằm đảm bảo nhân lực cho công tác phòng chống dịch, lãnh đạo Sở Y tế cho hay đang xây dựng phương án huy động nhân lực là sinh viên năm cuối của các trường y tham gia công tác phòng, chống dịch.
Tính đến 12h ngày 20/3, Việt Nam đã ghi nhận 85 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó có 17 trường hợp đã hồi phục và xuất viện. Hà Nội hiện là địa phương có nhiều trường hợp mắc nhất với 24 trường hợp và cũng là địa phương đầu tiên có 2 nhân viên y tế bị nhiễm.