Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 10h ngày 8/9, vị trí vùng áp thấp ở khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ).
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây suy yếu và tan dần.
Các chuyên gia lưu ý tình hình mưa lớn ở Bắc Bộ; gió mạnh và sóng lớn ở Vịnh Bắc Bộ còn diễn biến phức tạp. Cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo mưa lớn và tin thời tiết nguy hiểm trên biển tiếp theo.
Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới đang suy yếu thành vùng áp thấp. Nguồn: NCHMF. |
Cơ quan khí tượng cho biết đêm 7/9 và sáng 8/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 7/9 đến 8h sáng nay có nơi trên 250 mm như: Vạn Mai (Hòa Bình) 333.4 mm, Tô Múa (Sơn La) 326.2 mm, Tà Si Láng (Yên Bái) 283 mm, Xuân Sơn (Phú Thọ) 279.6 mm,…
Dự báo trong 1-2 ngày tới, phía Tây Bắc Bộ, từ sáng 8/9 đến sáng 9/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm; từ sáng mai đến sáng 10/9 tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa 50-120 mm, có nơi trên 200 mm.
Tương tự, phía Đông Bắc Bộ, từ sáng nay đến sáng mai, có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to và giông với lượng mưa 20-50 mm, có nơi trên 100 mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa 60-120 mm, cục bộ có nơi trên 250 mm. Từ sáng mai đến sáng 10/9, khu vực này vẫn có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa 30-60 mm, có nơi trên 120 mm.
Cảnh báo, chiều và đêm 10/9, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa còn mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa 30-50 mm, cục bộ có nơi trên 100 mm.
Cơ quan khí tượng lưu ý, mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.