Chính phủ Timor-Leste gần đây đã nắm quyền sở hữu phần lớn dự án sau khi mua lại các đối tác cũ của mình - ConocoPhillips và Shell - với mục đích đảm bảo khí đốt được dẫn đến bờ biển nước này thay vì Australia.
Họ đang tìm kiếm các đối tác tài chính để phát triển trữ lượng chưa được khai thác ở Biển Timor, ước tính trị giá khoảng 50 tỷ USD.
Hôm 25/6, Australian cho biết Timor Gap định vay 15,9 tỷ USD từ ngân hàng Exim thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc theo một khoản vay thương mại, làm dấy lên báo động từ một số nhà quan sát về nguy cơ dẫn tới sự hiện diện của quân đội Trung Quốc chỉ cách thành phố Darwin của Australia 500 km.
Cựu tổng thống Jose Ramos Horta cho biết Timor Leste đang tìm kiếm nhiều đối tác và nhà đầu tư. Ảnh: AAP. |
Timor Gap nói với Guardian Australia rằng họ đang nói chuyện với Trung Quốc nhưng cũng đang thu hút các nhà đầu tư và tổ chức tài chính ở Mỹ, Australia và các nước khác về việc tài trợ cho dự án Tasi Mane.
"Các tuyên bố rằng Timor Gap sắp ký hợp đồng tài chính với Ngân hàng Exim của Trung Quốc là không chính xác cũng như ý kiến cho rằng chúng tôi đã từ chối lời đề nghị cạnh tranh từ các quỹ hưu trí của Mỹ", một phát ngôn viên cho biết.
Jose Ramos Horta, cựu tổng thống và thủ tướng của Timor Leste, nói rằng nước này "vẫn đang tích cực tìm kiếm nhiều đối tác và nhà đầu tư".
Tiến sĩ Ryan Manuel, học giả Trung Quốc tại Hong Kong, cho biết việc khoản vay được nói tới không được đề cập trên báo chí Trung Quốc là điều không bình thường đối với một số tiền cực kỳ lớn như vậy.
Ông Manuel nói rằng triển vọng đầu tư lớn của Trung Quốc vào Greater Sunrise sẽ khiến chính phủ Australia bận tâm vì nó cho thấy nước này đang bị Trung Quốc thúc đẩy ngoại giao.
"Exim là ngân hàng chính sách của Trung Quốc, vì vậy nếu họ cung cấp 11 tỷ USD từ ngân hàng chính sách, họ sẽ mong đợi một số kết quả chính sách", ông nói.
Các thỏa thuận giữa Australia và Timor Leste chưa được xác định đầy đủ khi hiệp ước biên giới trên biển được ký kết vào tháng 3/2018. Một điểm rắc rối vẫn còn là nơi khí gas được xử lý, vì cả hai quốc gia đều muốn nó được chuyển đến một cơ sở trong nước và sẵn sàng trả lại một phần doanh thu.
Australian cho biết khoản vay của Timor Leste sẽ thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, chính sách quan trọng của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã rót hàng tỷ USD tài trợ cho các dự án trên toàn thế giới.
Các nhà quan sát chính sách đối ngoại lo ngại các nước nghèo mắc kẹt trong "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc thông qua sáng kiến nếu không thể trả được các khoản vay và buộc phải nhượng bộ theo những cách khác.
Timor Leste đang đối mặt với các điều kiện kinh tế tàn khốc vì dự trữ của các dự án tài nguyên hiện tại của họ - nguồn cung cấp tới 80% doanh thu của đất nước - dự kiến sẽ hết trong vài năm tới.