Đọc qua Văn bia Hán Nôm Thành phố Hồ Chí Minh: Khảo cứu và giới thiệu, sẽ khơi gợi cho chúng ta nhiều thông tin về Sài Gòn xưa, TP.HCM nay với những lĩnh vực khác nhau trong dặm dài lịch sử vùng đất này.
Những thông tin bổ ích về kinh tế, văn hóa, tôn giáo... trong dặm dài lịch sử TP.HCM
Giới thiệu tác phẩm Văn bia Hán Nôm Thành phố Hồ Chí Minh: Khảo cứu và giới thiệu, PGS.TS Phan An cho hay: "Kết quả khảo cứu văn bia ở Thành phố Hồ Chí Minh của công trình cho thấy tính đa dạng và phong phú của văn bia nơi đây trên nhiều phương diện lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội, tộc người…".
Với tác phẩm này, tác giả Phạm Ngọc Hường đã thống kê văn bia với số lượng cụ thể, cho thấy sự khảo sát, thực địa dày công. Đã có 325 văn bia Hán Nôm được tác giả khảo sát, thống kê rõ ràng nơi phần Phụ lục. Với chừng ấy văn bia, nhiều thông tin về TP.HCM được giới thiệu.
Trước hết, là sự phân bố văn bia được phân loại theo khu vực, theo tiến trình thời gian và theo loại hình của di tích. Những đặc điểm riêng biệt của văn bia Hán Nôm ở TP.HCM cũng được tác giả phân tích, tìm hiểu.
Chẳng hạn, nơi đây không có bất cứ một văn bia thuần Nôm nào mà chỉ có một số văn bia chữ Hán, trong đó có khắc địa danh bằng chữ Nôm nhưng không nhiều; hoặc ngoài bia khắc bằng chất liệu đá, còn có văn bia bằng gỗ và hợp chất ô dước, cá biệt có bia bằng nhôm...
Tác phẩm Văn bia Hán Nôm Thành phố Hồ Chí Minh: Khảo cứu và giới thiệu do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Trần B.A. |
Tác phẩm cung cấp nhiều thông tin về lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội hoặc tư tưởng, tôn giáo ở TP.HCM qua những thông tin từ văn bia. Đây là những dữ liệu đáng quý mà tác giả đã gia công trong nghiên cứu.
Chẳng hạn, đó là những tên gọi liên quan đến TP.HCM được nhắc nhiều trong văn bia, tiêu biểu có thể kể một số tên như: Gia Định, Phiên An, Đê Ngạn (Chợ Lớn), Nam Kỳ, Tây Cống (Sài Gòn)...
Trong lĩnh vực kinh tế, qua văn bia giúp ta biết thêm về hoạt động giao thương nơi đây, trong đó có hoạt động của thương nhân người Hoa. Chẳng hạn văn bia vô đề ở hội quán Quỳnh Phủ, Quận 5, làm năm 1875 có đoạn:
Gia Định là nơi phố chợ nổi tiếng, là chỗ xung yếu của người Di Hạ (Trung Hoa), xe cộ, tàu thuyền tấp nập, hàng hóa lưu thông, nhân sĩ Trung Hoa trèo non vượt bể mà tới liên tiếp không dứt, thật là một đô hội lớn ở Giao Chỉ vậy”.
Trong số 325 văn bia được thống kê, tác giả cũng chọn dịch nguyên vẹn 12 văn bia với nhiều thông tin giúp độc giả biết thêm về nhân vật, sự kiện. Như bia "Phan công bi ký" cho ta biết thêm về thân thế, sự nghiệp Huỳnh Ngọc hầu Phan Tấn Huỳnh thời Nguyễn sơ; bia vô đề chùa Hoa Nghiêm Giảng tự, quận Phú Nhuận cung cấp thông tin về tháp La Hán và những bức họa của cao tăng Trúc Thiền...
Những bổ khuyết thú vị cùng trăn trở cho mai sau
Lần giở 360 trang Văn bia Hán Nôm Thành phố Hồ Chí Minh: Khảo cứu và giới thiệu, ta thấy gì? Đó là nhiều thông tin mới giúp ta minh định, cải chính nhiều vấn đề; hoặc cung cấp cho độc giả thêm những dữ kiện không dễ tìm, mà dăm thông tin dẫn ra dưới đây có thể cho thấy điều đó.
Lâu nay thông tin về Hui Bon Hoa (Hoàng Văn Hoa), thường gọi là "chú Hỏa" cùng gia tộc của ông thảng nghe hay biết qua các tài liệu nhưng không nhiều. Bằng các tư liệu văn bia liên quan cùng tài liệu Hán ngữ, tác giả đã cung cấp thêm thông tin đầy đủ hơn về gia tộc chú Hỏa cùng người con trai Hoàng Trọng Huấn và những thành tựu kinh tế của gia tộc này trên đất TP.HCM xưa.
Chi tiết năm mất của Hoàng Trọng Huấn cũng được xác định lại là năm 1956 thay vì 1951 mà nhiều báo chí Việt ngữ ghi.
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hiện nay, xưa thuộc sở hữu của gia đình chú Hỏa. Ảnh: Phạm Ngọc Hường. |
Với Văn bia Hán Nôm Thành phố Hồ Chí Minh: Khảo cứu và giới thiệu, tác giả cũng dành một dung lượng lớn cho vấn đề người Hoa cùng những hoạt động kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng, giáo dục của họ tại TP.HCM. Ở đó, có nhiều thông tin thú vị giúp ta hiểu thêm về đóng góp của người Hoa vào sự phát triển chung trong cộng đồng các dân tộc tại TP.HCM.
Tỉ như hoạt động, vai trò của hội quán người Hoa ở TP.HCM được chỉ rõ: "Đó chính là ý nghĩa của việc lấy sự hòa mục để thân thiết, gắn bó tình đồng hương, lấy việc chăm sóc để chỉnh đốn lại phong tục tốt đẹp, cũng chính là việc để tu chỉnh lễ nghĩa vậy" ("Ôn Lăng hội quán bi ký" lập năm 1869, thuộc Quận 5); "Thường nghe việc xây dựng hội quán là để nhớ ơn thần mà lo báo đáp, nghĩ tình quê mà dốc tình nghĩa vậy" ("Trùng tu Tuệ Thành hội quán bi ký" lập năm 1830, Quận 5).
Hay vai trò của người phụ nữ trong hoạt động công ích, từ thiện được tác giả tìm hiểu. Theo đó, tên tuổi của họ còn để lại qua văn bia như trường hợp bà Đỗ Thị Phận vợ Tổng trấn Lê Văn Duyệt được ghi ơn trong văn bia "Thất phủ vũ miếu", có đoạn: "Bà Đỗ Thị là phu nhân chính thất ông Khâm sai chưởng Tả quân Bình Tây tướng quân kiêm Giám Thần sách quân thành Gia Định quyên số tiền trùng tu hội quán 200 quan”.
Rồi tên tuổi của phu nhân Tổng đốc Phương quyên góp tiền bạc cho hội quán Nghĩa Nhuận; bà Lê Thị Truyền, Vũ Thị Thu lập quỹ riêng dựng nhà công đường cho hội quán cũng được văn bia ghi lại...
Qua tác phẩm, tác giả cũng gửi gắm mong muốn, trăn trở cho di sản thành văn thể hiện nơi văn bia đang dần bị mai một, bị xâm hại và cần lắm những quyết sách giữ gìn, phát huy loại hình di sản này tại TP.HCM:
"Ngoài một số công trình, di tích được xếp hạng, được bảo tồn và gìn giữ ra thì vẫn còn nhiều công trình còn bị thờ ơ, coi nhẹ những tư liệu có giá trị văn hóa này. Nhiều di tích bị quên lãng như chưa hề tồn tại. Nhiều công trình, di tích bị giải tỏa mà không có sự can thiệp nào của các ban ngành văn hóa.
Đất nước cần phát triển kinh tế, mở rộng giao thông đường sá, nhưng cũng cần phải gắn với sự phát triển về văn hóa. Việc bảo vệ giữ gìn những di sản quý của ông cha, trong đó có văn bia Hán Nôm chính là góp phần bảo vệ, giữ gìn nền văn hóa của dân tộc".