Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bản nhạc buồn của thành phố phồn hoa

Tiểu thuyết "Phồn hoa" không chỉ được viết bằng sự tinh tế của nhà văn. Sâu thẳm trong từng câu chữ là những rung cảm của một tâm hồn thiết tha với Thượng Hải (Trung Quốc).

Được xem là một trong những nhà văn đương đại có tầm ảnh hưởng trên văn đàn Trung Quốc, Kim Vũ Trừng đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm tạo được dấu ấn nhất định trong lòng độc giả như: Khinh hàn, Phương đảo, Uyển, Phồn hoa, Hồi vọng

Bên cạnh đó, ông còn gây ấn tượng với các nhà phê bình bằng việc liên tiếp giành nhiều giải thưởng văn học lớn nhỏ, trong đó, phải kể đến giải thưởng Mao Thuẫn lần thứ 9 và Thi Nại Am lần thứ hai.

Nếu Mạc Ngôn có vùng Cao Mật, Diêm Liên Khoa có núi Bá Lâu thì Kim Vũ Trừng có Thượng Hải. Nói tới Thượng Hải trong văn của Kim Vũ Trừng làm sao có thể bỏ qua một cuốn tiểu thuyết như Phồn hoa.

Trong cuộc đời dài rộng này, hỏi có mấy ai tha thiết với mảnh đất như cách kẻ si tình đang thương nhớ người yêu. Dù chỉ là yêu trong tiếc nhớ, thứ tình cảm ấy vẫn đẹp biết bao

Tieu thuyet Phon hoa anh 1

Tiểu thuyết Phồn hoa của Kim Vũ Trừng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành. Ảnh: Hồ Huy Sơn.

Kim Vũ Trừng và tình yêu với Thượng Hải

Cuốn tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời của 3 chàng trai A Bảo, Hỗ Sinh và Tiểu Mao. Số phận đã đem họ tới những ngã rẽ khác nhau. A Bảo xuất thân trong gia đình tư bản, ông nội của cậu là đại tư sản. Cha của A Bảo từng hoạt động tình báo, nhưng khi thành lập nhà nước mới, ông lại bị hắt hủi. Cả gia đình phải chuyển từ khu tô giới Pháp tới vùng ven đô Tào Dương xa xôi.

Khi còn nhỏ, A Bảo kết thân với hai người bạn là Hỗ Sinh và Tiểu Mao. Hỗ Sinh xuất thân trong gia đình cán bộ không quân, sống ở chung cư Lạp Đức trong khu tô giới. Vì vụ án Lâm Bưu, gia đình mới sa sút, phải chuyển đến khu chung cư nhỏ tồi tàn.

Tiểu Mao sinh ra trong gia đình công nhân, sống ở ngõ hẻm ẩm mốc thuộc khu Hỗ Tây. Thời niên thiếu, cậu thích đọc sách cổ và giỏi võ nghệ. Một sự tình cờ đã khiến 3 đứa trẻ ấy gặp gỡ và trở nên thân thiết.

Đặt cuộc đời, số phận của A Bảo, Hỗ Sinh và Tiểu Mao cạnh nhau, Kim Vũ Trừng đã tạo nên sự soi chiếu đa chiều trong đời sống thị dân Thượng Hải ở cả khu tô giới thượng lưu và khu dân nghèo thành thị.

Ba chàng thiếu niên ấy được xem như “tâm điểm” để từ đó tác giả soi chiếu, quan sát và suy ngẫm về cuộc sống, con người, cùng bao đổi thay của thành phố Thượng Hải trong suốt 30 năm biến động, từ thập niên 60 đến những năm 90 của thế kỷ XX.

Tieu thuyet Phon hoa anh 2

Dự Viên, một thắng cảnh nổi tiếng của Thượng Hải. Ảnh: Chudu 24.

Viên ngọc phương Đông chỉ còn trong hoài niệm

Phồn hoa là cuốn tiểu thuyết đồ sộ. Từ ba nhân vật chính đã nêu ở trên, tác giả phát triển ra nhiều nhánh truyện phụ đan xen, với hàng chục câu chuyện lớn nhỏ, cùng hơn một trăm con người.

Trong “biển người mênh mông” ấy, có người có tên, có người chỉ là hạt cát vô danh, nhưng họ đều mang đến cho tác phẩm những thanh âm riêng. Thiếu đi một người, thiếu đi một tình tiết, cuốn tiểu thuyết này đều không trọn vẹn.

Mỗi câu chuyện trong Phồn hoa mang đến cho độc giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Có vui buồn, hờn giận, oán trách, hoan lạc và bi ai. Tất cả thứ xúc cảm hết sức phàm tục ấy tạo nên một cuốn tiểu thuyết tinh mỹ và gân guốc, một logic riêng của Kim Vũ Trừng.

Thượng Hải trong Phồn hoa không chỉ là của ba thập kỷ đầy biến động. Trong những nhộn nhịp ồn ào của phố phường, những năm cuối thế kỷ XX, người ta cảm nhận được thanh điệu trầm lắng của quá khứ đang vọng về.

Một quá khứ đã xa nhưng còn hiện hữu đâu đây, nơi góc phố con đường đã ngả màu thời gian. Tác phẩm không chỉ là cuốn tiểu thuyết. Lớn hơn thế, nó đã trở thành cuốn “bách khoa thư” về Thượng Hải.

Đọc Phồn hoa của Kim Vũ Trừng, nhiều độc giả có thể nhớ tới hàng loạt truyện ngắn xuất sắc của Trương Ái Linh. Hai nhà văn ấy đều là những con người đã dành hết tâm can để yêu Thượng Hải.

Thành phố này hiện lên trong văn của họ những sắc thái và âm hưởng riêng biệt. Nhưng sâu thẳm trong từng áng văn chậm rãi và từ tốn ấy là nỗi buồn, sự tiếc nhớ cho một thuở vàng son đã qua.

Mỗi chi tiết nhỏ trong tác phẩm đều mang phong vị Thượng Hải và nhịp điệu riêng có của chốn đô thành này. Bởi thế, “Paris của phương Đông” hiện lên trong tác phẩm vừa diễm lệ xa hoa, vừa bi ai tủi nhục, vừa phóng túng bất cần, vừa luyến lưu trì níu.

Nhà văn Kim Vũ Trừng dường như đã nhìn thấu Thượng Hải trong đèn màu và bóng tối, xuyên qua các tầng bậc phức tạp của các nếp gấp văn hoá để làm thức dậy trên trang văn linh hồn của thành phố này.

Phồn hoa viết về những con người bé nhỏ trong bức tranh lịch sử rộng lớn. Biến động của thời cuộc có thể làm người ta sợ hãi nhưng nó không thể thay đổi được truyền thống thị dân với những điều thường nhật mà đầy tinh tế. Chúng luôn kiên định bên trong những người con của Thượng Hải. Câu chuyện cuộc đời họ đã ngầm nói lên bản chất của đời sống.

‘Khi ta mơ quá lâu’, phải làm gì khi mình lạc lối?

Tiểu thuyết đầu tiên của văn chương Singapore là cuộc tự vấn của người đàn ông trước những ngã rẽ cuộc đời. Gần 50 năm sau, nhiều người trẻ vẫn thấy bóng dáng mình trong tác phẩm.

Cậu bé đưa điện, nước về ngôi làng nghèo nhất châu Phi

Sức hấp dẫn của hồi ký này có lẽ nằm ở sự nhào nặn giữa đời sống khốn khó, lạc hậu, bế tắc với khát vọng, niềm đam mê sách vở, ước muốn thay đổi cuộc đời.

Nhan cach 'oc muon hon

Nhân cách 'ốc mượn hồn" là gì?

0

Sự trao đổi giữa người với người không thể nào cứ thông thuận mãi được, sẽ có mâu thuẫn, xung đột, không vui, muốn giải quyết những vấn đề này vẫn nên quay về giải quyết từ bản thân chuyện trao đổi.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm