Theo CNN, thẻ điệp viên được cấp vào năm 1985 thuộc về ông Vladimir Putin, lúc đó là sĩ quan Liên Xô cấp trung. Ông Putin hoạt động cho cơ quan tình báo Nga (KGB) và phụ trách liên lạc với Cơ quan An ninh Đông Đức (Staatssicherheitsdienst, gọi tắt là Stasi).
Từ năm 1985-1990, ông Putin hoạt động tại Dresden, Đông Đức. Theo tờ Bild của Đức, thẻ nhận dạng được tìm thấy trong kho lưu trữ chứng minh ông Putin từng làm việc cho Stasi, nhưng Cơ quan Lưu trữ Stasi (BStU) cho biết sự tồn tại của chiếc thẻ không đồng nghĩa với việc này.
Thẻ nhận dạng của ông Putin được tìm thấy tại Đức. Ảnh: Kho lưu trữ tình báo quốc gia. |
Người phát ngôn Dagmar Hovestädt nói với CNN qua điện thoại rằng ông Putin có thể sử dụng thẻ nhận dạng để ra vào các cơ sở của Stasi. Theo bà Hovestädt, ông Putin từng hoạt động tại Đức với chức vụ sĩ quan liên lạc, giữ vai trò tạo điều kiện cho quá trình trao đổi, tư vấn thuận lợi giữa các cơ quan tình báo.
“Trong 15 quận Đông Đức, các sĩ quan đại diện KGB được quyền ra vào tòa nhà văn phòng quận của Stasi” bằng thẻ nhận dạng, CNN dẫn thông cáo của BStU. “Đây cũng là trường hợp của ông Vladimir Putin”.
Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, cho biết việc tìm thấy thẻ của ông Putin không hoàn toàn bất ngờ.
“Như nhiều người biết vào thời điểm Liên Xô còn tồn tại, KGB và Stasi là hai cơ quan tình báo đối tác, nên bạn không thể loại trừ khả năng có sự trao đổi các loại thẻ nhận dạng như vậy”, Reuters dẫn lời ông.
Mặt sau của tấm thẻ. Ảnh: Kho lưu trữ tình báo quốc gia. |
Trên chiếc thẻ có tấm ảnh đen trắng của ông Putin hồi trẻ và các con dấu từ những tháng cuối năm 1989. Trong giai đoạn này, người biểu tình ủng hộ dân chủ làm lung lay chế độ xã hội chủ nghĩa và cuối cùng dẫn tới sự tan rã của Liên Xô. Cùng lúc đó, Bức tường Berlin sụp đổ, Đông Đức và Tây Đức tái thống nhất.
Sau khi trở lại Nga, ông Putin vươn lên đứng đầu cơ quan tình báo FSB, kế thừa KGB. Năm 2000, ông trở thành tổng thống thứ hai được bầu theo hình thức dân chủ tại nước này, sau Boris Yeltsin.