Tân Hoa xã dẫn thông tin từ Giám đốc Cục Hàng không dân dụng Lào, Yakao Lopangkao ngày 18/10 cho biết, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 30 thi thể nạn nhân vụ tai nạn trong chuyến bay QV 301 rơi xuống sông Mekong hôm 16/10. Gia đình một nạn nhân người Trung Quốc được tìm thấy đã đến Lào và dự kiến sẽ tiến hành hỏa thiêu người thân vào ngày 19/10.
Giám đốc Cục Hàng không dân dụng Lào, ông Yakao Lopangkao cho biết, các "hộp đen" ghi dữ liệu chuyến bay vẫn chưa được phục hồi.
Nguồn tin trên Tân Hoa xã cũng cho biết, khoảng 40 binh sĩ Thái Lan, trong đó có 10 thành viên đội lặn của Hải quân Thái Lan cũng vừa tới Lào để hỗ trợ công tác tìm kiếm. Đội lặn được trang bị các thiết bị chuyên dụng như thiết bị quét sonar, siêu âm và thiết bị phát hiện kim loại để hỗ trợ việc tìm kiếm.
Xác nạn nhân được đặt tại đền thờ Chond De để chờ xác định (Ảnh: AP). |
Hiện tại, công tác tìm kiếm đang gặp nhiều khó khăn do đoạn sông này có độ sâu từ 7-8m, với dòng chảy xiết rất nguy hiểm cho các thợ lặn khi tiến hành tìm kiếm.
Một không khí ảm đạm bao trùm khu đền thờ Chond De, nơi thi thể của các nạn nhân vụ tai nạn đang chờ để được xác định. Xe cảnh sát và xe cứu thương liên tục tới đây mang theo thi thể của các nạn nhân mới tìm được.
Chiếc máy bay của hãng hàng không Lào (Lao Airlines) được cho là đã đâm xuống đất trước khi lao xuống sông Mekong hôm 16/10 trong điều kiện thời tiết xấu.
Có 44 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay QV301 xuất phát từ thủ đô Vientiane đi Pakse ở miền Nam nước này.
Lãnh đạo cao cấp của Lao Airlines, Somphone Douangdara xác nhận, cơ trưởng của chiếc máy bay là một phi công giàu kinh nghiệm đến từ Campuchia, và cho rằng điều kiện thời tiết xấu có thể là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn. Ông cũng cho biết, chiếc máy bay gặp nạn mới được đưa vào sử dụng từ hồi tháng 3 năm nay, và mới thực hiện được 758 giờ bay.
Ông Douangdara cũng nhấn mạnh, yêu cầu về an toàn cho các chuyến bay của Lao Airlines là tiêu chí hàng đầu, chỉ có các phi công và kỹ thuật viên trình độ cao mới được thuê. Vụ tai nạn mới nhất của Lao Airlines xảy ra năm 1999.
Lời kể của nhân chứng
Những người dân sống tại bản Phaling, tỉnh Cham pasak đến nay vẫn chưa hết kinh hoàng. Ông Vy lay, bản Phaling, Champasak, kể lại: “Tôi nghe tiếng máy bay không giống như mọi khi, tiếng gầm dữ lắm. Tiếp đó là tiếng nổ như tiếng bom. Tôi cố nhìn phía tiếng nổ nhưng không thấy gì. Tôi mới chạy ra tìm. Khi tôi chạy tới nơi đã thấy xác người nổi trên mặt nước, cùng các mảnh vỡ máy bay”.
Ông Chanda, bản Phaling nhớ lại: “Tiếng máy bay sát trên đầu rồi lao xuống cùng với tiếng nổ lớn. Chiếc máy bay lao xuống rất nhanh. Khi tôi chạy tới thì đã thấy các mảnh vỡ nổi lên rồi. Nếu như chiếc máy bay rơi đúng chỗ tôi, tôi cũng không thể thoát được”.
Theo một số nhân chứng là người dân địa phương, chiếc máy bay đã đâm xuống vùng đất ở bờ sông, sau đó mới văng xuống nước. Lúc vụ tai nạn xảy ra, trời đang mưa rất to và có gió.
Hiện trên bờ còn có rất nhiều mảnh vỡ vụn của chiếc máy bay bị nạn mà các nhà chức trách đang khoanh lại để điều tra tìm nguyên nhân. Cho đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng và vẫn chưa định vị được vị trí chiếc máy bay dưới lòng sông; Nhưng nhiều khả năng cho thấy, chiếc máy bay này đã bị vỡ làm nhiều mảnh và đang trôi theo dòng sông. Trong khi đó nhiều nguồn thông tin cho rằng, máy bay đã đâm xuống sông.
5 người gốc Việt thiệt mạng trong vụ tai nạn
Đại sứ quán Việt Nam tại Lào biết, toàn bộ số người đi trên máy bay đã không còn ai sống sót, gồm 44 hành khách cùng với phi hành đoàn 5 người; trong đó có 3 người mang hộ chiếu Quốc tịch Việt Nam là ông Lê Huề, bà Vương Thị Ngân -Việt kiều Champasak và bà Đào Thị Liễu, Việt kiều Canada, từng sống ở Champasak.
Bảng thống kê danh sách nạn nhân cũng cho thấy, trong số thiệt mạng có 16 người Lào, 6 người Australia, 3 người Hàn Quốc, 5 người Thái Lan, 7 người Pháp, 1 người Mỹ, 1 người Trung Quốc, 1 người Đài Loan, và 1 người Malaysia.
Ngoài ra theo ông Cao Đình Hạnh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Champasak và người dân địa phương, trong số những người tử nạn có 2 người Lào gốc Việt là chị Chida Phomasone con gái ông Lê Huề và bà Vương Thị Ngân, và Nang Kesone, nữ tiếp viên hàng không. Như vậy có 5 người gốc Việt.
Cảnh sát canh gác thi thể những nạn nhân của vụ tai nạn máy bay trên sông Mekong hôm 16/10. Ảnh: Reuters. |
Ông Yakua Lopangkao - Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Lào, đang có mặt tại hiện trường, cho biết: “Chúng tôi chưa thể tìm thấy xác máy bay, có thể là những thi thể còn lại vẫn đang mắc kẹt trong chiếc máy bay gặp nạn kia. Cũng đã có một vài người được phát hiện bị dạt vào bờ sông Mekong”.
Ngay từ chiều 16/10, khi nhận được thông tin vụ tai nạn thảm khốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã chỉ đạo Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Champasak, Hội người Việt Nam tỉnh Cham pasak và các cơ quan liên quan của Việt Nam tại Lào khẩn trương phối hợp với phía Lào xử lý các vấn đề liên quan cũng như động viên thăm hỏi các gia đình Việt kiều có người thân bị nạn.