Bất cứ một quốc gia dân chủ phát triển nào cũng luôn có sự hiện diện của thể chế thực hiện quyền lập pháp và tùy theo quy định của từng quốc gia mà có tên gọi khác nhau. Cuốn sách Quyền lập pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 mang đến những thông tin hữu ích dành cho những ai quan tâm đến chủ đề này.
Khởi đầu từ tư tưởng của thời Hy Lạp cổ đại đến những nhà lý thuyết phân quyền J. Locke, S. Montesquieu và của rất nhiều tác giả khác sau này, quyền lập pháp trải qua biết bao thăng trầm lịch sử cho đến khi được tách ra khỏi sự tập quyền của nhà vua cũng như của các thể chế độc tài khác. Khi ấy, quyền lập pháp được giao cho thể chế dân chủ do dân trực tiếp bầu ra, với tên gọi khác nhau, tùy quy định mỗi quốc gia như Quốc hội, Đại hội công dân, Nghị viện.
Theo GS.TS Nguyễn Đăng Dung, chủ biên cuốn sách Quyền lập pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, với tư cách là một nền dân chủ đang phát triển, Việt Nam có một thể chế thực hiện quyền lập pháp được gọi là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam là bản hiến pháp đầu tiên quy định rõ quyền lập pháp thuộc về Quốc hội.
Quyền lập pháp không chỉ giản đơn được hiểu là quyền ban hành các đạo luật, mà cần phải được hiểu rộng hơn nữa, bao gồm tất cả các hoạt động của Quốc hội, từ việc thảo luận, tranh luận, thông qua các dự thảo luật, đến quyền thành lập và giám sát các cơ quan nhà nước khác.
Các tác giả của cuốn sách cho rằng dân chủ là một trong những mô hình tổ chức nhà nước khó khăn nhất, và Quốc hội là một thể chế cấu thành khó khăn nhất của nhà nước dân chủ.
Là một thiết chế mới nhất trong lịch sử Việt Nam, Quốc hội phải vừa làm, vừa học. Từ một nền kinh tế tập trung chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Quốc hội Việt Nam đã trưởng thành, trở thành diễn đàn sôi động quyết định những vấn đề nóng bỏng của quốc gia, nơi các quan chức cấp cao nhất của Nhà nước phải giải trình các quyết sách của mình trước quốc dân.
"Cuốn sách chuyên khảo Quyền lập pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là sự tổng hợp từ nhận thức, khái niệm cho đến những đặc điểm, cơ cấu, hình thức của hoạt động Quốc hội theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Những điều đó đã và đang được tổng hợp thành văn hóa nghị trường - những thứ mà chúng ta cần phải học hỏi, cần phải trao đổi và cần phấn đấu làm cho bằng được trong tương lai” - GS.TS Nguyễn Đăng Dung chia sẻ.
Với 4 chương, cuốn sách là tài liệu hữu ích với các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia nghiên cứu về Luật Hành chính - Hiến pháp, sinh viên ngành luật hay những độc giả quan tâm tới hành trình ra đời, phát triển lý luận về quyền lập pháp trên thế giới cũng như Việt Nam. Cuốn sách do Nhà xuất bản Hà Nội và Omega Plus liên kết xuất bản.
GS.TS Nguyễn Đăng Dung, chủ biên cuốn sách, là chuyên gia đầu ngành của Việt Nam chuyên nghiên cứu về Luật Hành chính - Hiến pháp, hiện làm việc tại Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, và giảng dạy tại khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.