Đại tá Đào Xuân Kính ký biên bản trao trả, hồi hương hài cốt cựu binh Fisher. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Bà là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Australia thăm Việt Nam sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện (tháng 3/2024).
Để có được mối quan hệ nồng ấm, phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất như vậy là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực của hai bên trong suốt hơn 50 năm phát triển quan hệ ngoại giao.
Đại tá Đào Xuân Kính nay đã ngoài 70 tuổi, nguyên là Chỉ huy trưởng Cơ quan tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (MIA), Phó Giám đốc Cơ quan Việt Nam Tìm kiếm người mất tích (VNOSMP).
Sau khi nghỉ chế độ, ông Đào Xuân Kính tham gia Trung ương Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam với tư cách là Chánh Văn phòng Trung ương Hội.
Khi hay tin ngày 27/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines, ông Kính hồi tưởng lại một trong nhiều câu chuyện trong thời gian gần 8 năm công tác tại MIA.
Ông coi đó là một kỷ niệm đẹp, mang ý nghĩa quan trọng và đóng góp vào phát triển quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ và Việt Nam - Australia...
Hoạt động hỗn hợp tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh đã được Việt Nam bắt đầu ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973. Cũng trong năm 1973, Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) được thành lập để điều phối nhiệm vụ này.
Kể từ năm 1988, hoạt động tìm kiếm người mất tích bắt đầu được tiến hành với sự tham gia của các đội tìm kiếm hỗn hợp Việt Nam với các nước.
VNOSMP gồm: Bộ Ngoại giao là cơ quan thường trực; Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản về hoạt động tìm kiếm; Bộ Công an là cơ quan phối hợp, thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao.
Ông Kính kể, cách đây hơn 15 năm, Bộ trưởng Quốc phòng Australia từng có thư đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ việc tìm kiếm quân nhân Australia. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó đã giao nhiệm vụ trực tiếp này cho cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các cơ quan và địa phương thực hiện.
Ông Kính kể về trường hợp binh nhì David John Fisher - quân nhân Australia mất tích ngày 27/9/1969 trong vụ máy bay trực thăng rơi ở khu rừng rậm thuộc Đồng Nai. Phía Australia đưa chúng ta xem hồ sơ chiến tranh, gồm có tọa độ máy bay rơi và những thông tin cá nhân.
Với lính Mỹ cũng như đồng minh của họ khi tham chiến tại Việt Nam, trên người luôn có tấm thẻ bài cỡ 3x4cm bằng inox và dập chữ nổi với đầy đủ những thông tin cần thiết (họ tên, năm sinh và nhóm máu, số lính). Như vậy, khi tìm kiếm nếu thấy hài cốt thì rất dễ xác định bởi bên cạnh sẽ có tấm thẻ này.
Lần đi tìm kiếm quân nhân Fisher, ngoài cơ quan MIA còn có các chuyên viên là những cựu chiến binh của Australia sang hỗ trợ, trong đó có chuyên gia nhân chủng học. Họ chỉ nhìn lướt qua phần hài cốt thu được là có thể sơ bộ biết người đó là da trắng hay da vàng, người châu Mỹ hay châu Á...
Thật kỳ lạ đến bất ngờ, chỉ sau ít phút tiếp cận hiện trường bằng tọa độ được định vị, các chuyên viên của ta đã thấy phát lộ một đoạn xương ống chân nằm trong vạt đất rừng.
Sau khi đội tìm kiếm khai quật rồi dùng máy dò kim loại, đã thu hồi thêm được những mảnh xương người cùng với một tấm thẻ bài đúng danh tính Fisher. Như vậy là đủ kết luận tìm chính xác đến 100%.
Thời điểm bàn giao, Fisher là trường hợp thứ 4 và là trường hợp lính lục quân Australia mất tích cuối cùng được tìm thấy.
Lễ bàn giao hài cốt người lính Fisher được cử hành trang trọng, Australia cử sang một chuyến chuyên cơ quân sự có gia đình cựu binh.
Đến năm 2009, hài cốt của trung úy không quân Michael Herbert và thiếu úy không quân Robert Carver cũng được tìm thấy. Sự kiện này hoàn tất công việc tìm kiếm các binh sĩ Australia mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam.
Ông Kính đặc biệt cảm động khi nhận được lá thư bằng tiếng Anh từ em gái của người lính Australia gửi sang Việt Nam bày tỏ cảm ơn ông cùng những cộng sự.
Trong gần 8 năm công tác tại MIA, ông Kính đã ký bàn giao cho Mỹ hàng trăm bộ hài cốt lính Mỹ và đủ hài cốt 6 lính Australia mất tích trong chiến tranh.
Trong những năm qua, Việt Nam và các nước đối tác đã, đang làm hết sức mình trong giải quyết, khắc phục hậu quả chiến tranh.
Ngoài tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh, Việt Nam và Australia còn hợp tác trong các dự án rà phá bom mìn, cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng nghìn người bị thương do bom mìn.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.