Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chế biến cá ngừ

Sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia trên thế giới, được nhiều thị trường ưa chuộng, trong đó có các thị trường khó tính nhất như: Nhật, Mỹ, EU...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các ngành chức năng đang đề xuất Chính phủ những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản. PV đã có cuộc trao đổi cùng ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam xung quanh vấn đề này.

- Ông đánh giá như thế nào về hoạt động chế biến cá ngừ đại dương của Việt Nam hiện nay?

- Hiện cả nước có hơn 50 doanh nghiệp chế biến cá ngừ đại dương, tập trung ở các tỉnh miền Trung, trong đó chỉ khoảng 10 doanh nghiệp chế biến cá ngừ vằn. Hầu hết các doanh nghiệp không chuyên về chế biến cá ngừ đại dương mà chế biến nhiều loại thủy sản, trong đó có cá ngừ đại dương. Năng lực, công nghệ chế biến thủy sản của các nhà máy ở Việt Nam được đánh giá hiện đại so với các nước trong khu vực. Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của nước ta rất đa dạng và được nhiều nước ưa chuộng.

Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam.
Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam.

Tuy nhiên, giá trị cá ngừ đại dương của Việt Nam còn thấp, do chất lượng cá nguyên liệu không đảm bảo. Ngư dân Việt Nam chú trọng nhiều vào sản lượng đánh bắt mà ít quan tâm đến chất lượng cá, nên giá trị ngày càng giảm. Đỉnh điểm là trong năm 2013, ngành chế biến cá ngừ đại dương có một cú “sốc” lớn khi năng suất cá ngừ đại dương tăng nhưng giá trị lại giảm mạnh. Ngoài ra, sản lượng cá ngừ đại dương đánh bắt cũng chưa đáp ứng được năng lực sản xuất của các doanh nghiệp chế biến cá ngừ xuất khẩu. Hiện lượng cá ngừ đại dương của ngư dân Việt Nam khai thác mới chỉ đáp ứng khoảng 40% cá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản trong nước; còn 60% cá nguyên liệu phải nhập khẩu từ các nước lân cận.

Nguyên nhân là do kỹ thuật câu cá ngừ đại dương của ngư dân Việt Nam còn lạc hậu, dẫn đến chất lượng cá không đảm bảo. Để khắc phục tình trạng này, ngư dân cần đầu tư tàu có công suất lớn, công nghệ hiện đại để đánh bắt xa bờ nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương, đặc biệt là cá ngừ vằn.

Trúng mùa cá ngừ, ngư dân lãi trăm triệu mỗi chuyến ra khơi

Lãi bình quân cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi đánh bắt cá ngừ, nhưng băn khoăn lớn nhất của ngư dân Phú Yên là làm thế nào để bảo quản "vàng của biển" được tốt nhất.


- Vậy sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam hiện nay được tiêu thụ chính ở những thị trường nào, thưa ông?

- Hiện các sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia trên thế giới, đang được nhiều thị trường ưa chuộng, trong đó có các thị trường khó tính nhất như: Nhật Bản, EU, Mỹ, Tây Ban Nha, Trung Quốc…

Trong thời gian tới, dự kiến các sản phẩm cá ngừ đại dương vẫn tiếp tục được các thị trường trên ưa chuộng, nhất là dòng sản phẩm tươi sống. Thêm vào đó, khi hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương được ký kết sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho ngành Thủy sản khi xâm nhập vào các thị trường này. Do vậy, thị trường xuất khẩu cá ngừ đại dương của Việt Nam còn rất rộng mở.

- Hiện nay, ngành chế biến thủy sản của Việt Nam còn gặp những khó khăn, rào cản gì?

- Theo xu hướng chung thì trong thời gian tới các sản phẩm chế biến thủy sản của các nước đều phải được chứng nhận MSC (Marine Stewardship Council - Hội đồng quản lý biển) khi xuất khẩu, lưu hành sản phẩm. Nếu các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam không xây dựng được bộ tiêu chuẩn MSC thì sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu. MSC là một tổ chức quốc tế phi chính phủ được thành lập để khuyến khích các vùng khai thác thủy sản bền vững và thực hành nghề cá có trách nhiệm trên toàn thế giới thông qua các giải pháp thị trường dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu và mục tiêu cả về môi trường và thương mại. MSC có giá trị như một giấy thông hành, đảm bảo phát triển thủy sản an toàn và là thương hiệu bảo hộ cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Tiêu chuẩn này giúp xác định nguồn gốc, lý lịch con cá như vị trí đánh bắt, thời gian đánh bắt…

Chế biến cá ngừ đại dương tại một doanh nghiệp ở Phú Yên.
Chế biến cá ngừ đại dương tại một doanh nghiệp ở Phú Yên.

Hiện các nước nhập khẩu cá ngừ, đặc biệt là cá ngừ vằn luôn yêu cầu người đánh bắt phải cung cấp lý lịch, nguồn gốc con cá. Việc đạt được chứng nhận MSC giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc từ các thị trường như EU, Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện ngư dân Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến việc áp dụng tiêu chí MSC để xác định nguồn gốc con cá. Trong thời gian tới, đây có lẽ là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương của Việt Nam.

- Sắp tới, Chính phủ có chính sách gì hỗ trợ người đánh bắt, chế biến thủy sản không, thưa ông?

- Tại hội nghị “Giải pháp và chính sách phát triển thủy sản” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì vừa diễn ra, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển xa bờ, hỗ trợ khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển, hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trong thủy sản; ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các địa phương vay không lãi suất để đầu tư hạ tầng sản xuất…

Những con cá ngừ đại dương nửa tạ trên biển Phú Yên

Cá ngừ đại dương được ngư dân Phú Yên gọi là cá “bò gù”, vì lưng cá gù, thịt đỏ như thịt bò. Mỗi con cá nặng 40-50kg, cũng có nhiều con lên đến cả tạ, gấp đôi cân nặng người lớn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nghiên cứu, sửa đổi và nâng cao hiệu quả một số chính sách về tín dụng để ngư dân đóng mới, hiện đại hóa tàu cá; hỗ trợ trang thiết bị thông tin liên lạc và giám sát hoạt động của tàu cá trên biển… Tại hội nghị này, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã cam kết thành lập gói hỗ trợ ngư dân 10.000 tỷ đồng, đồng thời sẽ triển khai thí điểm chính sách tín dụng hỗ trợ các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

Chúng tôi đang rất kỳ vọng những chính sách này sẽ tháo gỡ khó khăn của ngành thủy sản nói chung và ngành chế biến cá ngừ đại dương nói riêng; tạo ra động lực phát triển mới cho ngành thủy sản trong những năm sắp tới.

http://www.baophuyen.com.vn/0/114394/tim-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-che-bien-ca-ngu.html

Theo Báo Phú Yên

Bạn có thể quan tâm