Cá ngừ Việt Nam không thể làm sushi tại Nhật
Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mới đây, Việt Nam đã đưa 4 con cá ngừ đại dương sang Nhật chào bán ở dạng cá nguyên con để làm các món sashimi, sushi, nhưng phần lớn không đạt chất lượng. Thay vì bán với giá 30 USD/kg để làm các món hải sản tươi, số cá trên chỉ được mua làm đồ hộp với giá 3 USD/kg.
Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản cho biết, nguyên nhân khiến cá ngừ đại dương Việt Nam không đạt được chất lượng mà phía Nhật yêu cầu là do ngư dân hầu như không hiểu biết cơ bản về bảo quản cá sau khi bắt như dùng chày gỗ đập chết cá, chọn thời điểm mua cá vào gần giữa trưa, để cá trên nền đất… Điều này khiến số lượng cá đủ điều kiện xuất khẩu chỉ chiếm 5-6% số cá ngừ đánh bắt được, lãng phí một nguồn lợi không nhỏ.
Không bán sang Nhật để làm sushi nhưng cá ngừ đại dương vẫn là nguyên liệu chính cho các nhà hàng Nhật tại Việt Nam để chế biến món ăn này. Mức giá cá ngừ Việt Nam khi đến các nhà hàng, siêu thị dù cao gấp 2-4 lần so với giá mua tại ngư trường, nhưng chỉ bằng 1/10 mức giá cá ngừ Nhật nhập khẩu. Theo các chủ cửa hàng quán ăn Nhật ở Việt Nam, cá ngừ trong nước tuy không béo ngậy bằng cá Nhật nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của thực khách, và có giá phù hợp với túi tiền của người Việt.
Tiền 200 đồng bán giá gấp 250 lần
Trên một số trang giao dịch trực tuyến, các loại tiền giấy của Việt Nam đang được rao bán khá nhiều, phục vụ chủ yếu cho sở thích sưu tầm. Một tờ tiền cotton mệnh giá 200 đồng được rao bán với mức 2,49 USD (khoảng 53.000 đồng), và chi phí chuyển hàng lên tới 12,95 USD từ Middleton, Wisconsin, Mỹ.
Trong khi đó, tiền giấy không còn giá trị lưu hành và khá hiếm, như tiền cotton 20.000 đồng, 50.000 đồng và 100.000 đồng được bán với giá cao ngất ngưởng, từ 100.000 đồng đến vài triệu đồng/tờ. Riêng set tiền giấy 10 tờ được phát hành từ năm 1987 đến 1994 đang được rao bán với giá 35 USD, kèm phí chuyển hàng 7 USD.
Ngay tại Việt Nam, một số diễn đàn cũng từng rao bán tiền cotton với mức giá cao gấp nhiều lần mệnh giá, tùy thuộc vào độ hiếm của tiền và ý nghĩa. Vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, tiền cotton 10.000 đồng rất được ưa chuộng để mừng tuổi, nên giá của đồng tiền này có lúc đã đội tới bạc triệu. Tương tự, khá nhiều đồng tiền của các quốc gia khác mang ý nghĩa may mắn như tờ 2 USD của Mỹ, tiền hình ngựa của Mông Cổ ... cũng từng được bán tại Việt Nam với giá bán chênh từ vài chục đến vài trăm lần so với mệnh giá thực.
Cá trắm hồ Tây giá nửa triệu đồng vẫn hút khách
Giá cao hơn so với tại từ 5.000 đến 15.000 đồng/kg, song những con cá hồ Tây vẫn bán khá chạy. Cá hồ Tây có khá nhiều loại, từ cua, ốc, tôm... đến các loại cá lớn như cá trắm với cân nặng tới 8kg, giá nửa triệu đồng. Đây hầu hết là thành quả của những người đi câu, bán tại các chợ cá lưu động quanh hồ lớn nhất Hà Nội, và được khách hàng ưa thích vì độ tươi ngon, sạch, không có hoặc ít hóa chất hơn so với các loại bán ngoài thị trường.
Tuy nhiên, cũng không ít người lợi dụng mác thủy sản hồ Tây để trà trộn các loại hàng khác vào bán cùng. Để phân biệt cá hồ “xịn” với cá “chợ” trộn vào, các khách quen của chợ cá lưu đông ven hồ Tây cho biết, nên nhìn vào số lượng cá to bán tại chợ. Cá hồ Tây nhiều, nhưng hiếm khi câu được cá to. Cả ngày câu được một con cá trắm đã là may mắn, nên với những hàng bán cả chậu trắm to, thì khả năng không phải cá hồ Tây xịn.
Nghịch lý xuất khẩu của dưa hấu và xoài
Cùng là mặt hàng nông sản đang vào chính vụ, nhưng nếu dưa hấu chật vật xuất hàng với giá rẻ thì xoài lại đang được tiêu thụ trong nước với giá khá cao, thậm chí dấy lên nghi án xoài sang Trung Quốc rồi quay ngược về Việt Nam. Giá của 2 mặt hàng này cũng chênh lệch khá lớn, trong khi dưa hấu chỉ được thu mua tại ruộng với giá chưa đầy 1.000 đồng/kg thì đại lý chỉ chấp nhận xuất xoài nếu được giá trên 40.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, chất lượng và nguồn gốc xoài khiến người tiêu dùng khá e ngại. Anh Bình, nhà tại Phạm Hùng, Cầu Giấy cho biết, hàng mang danh xoài cát Hoà Lộc rất dễ mua tại các khu vực ngoại thành Hà Nội với mức giá khá rẻ. Thậm chí, nếu cùng mức giá, cùng tên gọi, xuất xứ, nhưng chất lượng hàng rất khác biệt. "Nếu may thì mua được xoài ngon, nhưng không may thì phải đổ đi hết dù cùng là loại 'hàng Sài Gòn'. Phía ngoài quả cầm rất chắc tay, màu vàng xanh đẹp mắt. Thế nhưng khi bổ ra, phần thịt quả ở xung quanh hạt đã chuyển màu, chảy nước. Đặc biệt, xoài và ổi mua chung tại một số mối lẻ ăn có vị giống nhau, ngọt gắt và khó phân biệt mùi đặc trưng".
Mua bánh tráng trộn phải lấy số thứ tự ở Sài GònNhững gian hàng bán bánh tráng trộn trên đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3, TP.HCM luôn tấp nập khách. Nơi đây được mệnh danh là điểm bán bánh tráng trộn ngon nhất Sài Gòn. Mỡ hành và nước sốt, phần quan trọng làm nên thương hiệu riêng của các cửa hàng nơi đây. Với mức giá 10.000-20.000 đồng/bịch tùy quán và tùy nguyên liệu, bánh tráng trộn là món ăn vặt đặc biệt thu hút giới trẻ Sài Gòn, nhất là sinh viên, học sinh, nhân viên văn phòng.
Vì rất đông khách vây quanh các gian hàng chờ đến lượt mua nên tại nhiều điểm bán, khách hàng phải lấy số thứ tự rồi xếp hàng. Chị Nga, chủ một xe bánh tráng trộn, cho biết mỗi ngày chị bán từ 15h đến 22h, một xe bán hết 3 đến 4 triệu đồng tiền nguyên liệu. Không tiết lộ mức lãi bao nhiêu, nhưng từ xe bánh nhỏ mở bán 4 năm trước, nay chị đã đầu tư hẳn 4 xe lớn cho chị em ở quê Quảng Ngãi vào cùng phụ bán.