Pyun Hye-young là nhà văn đương đại được giới phê bình đánh giá cao tại Hàn Quốc. Trong sáng tác, cô thiên về dòng tiểu thuyết phản địa đàng pha trộn các yếu tố tâm lý ly kỳ.
Pyun Hye-young luôn trăn trở về sự an toàn của con người trong đời sống hiện đại. Những suy tư của tác giả về vấn đề này được thể hiện rõ trong tiểu thuyết Hố đen sâu thẳm.
Tiểu thuyết Hố đen sâu thẳm của Pyun Hye-young. Ảnh: Nhã Nam. |
Bi kịch không hẹn trước
Ogi là người đàn ông trung niên tẻ nhạt. Anh ta có thể sống khá ổn với đồng lương của một giảng viên đại học. Bên cạnh Ogi là người vợ hiền lành, chẳng mấy khi tranh cãi với chồng. Tuy không có con cái, cả hai chẳng bận tâm về điều đó. Họ cứ thế sống qua ngày, một cuộc sống bình yên, không nhiều biến động.
Một vụ tai nạn bất ngờ đã thay đổi tất cả. Ogi bị liệt từ cổ trở xuống, còn vợ anh không thể qua khỏi. Một đàn ông trung niên đang khỏe mạnh bỗng nhiên phải sống cuộc đời của người tàn phế. Việc duy nhất mà Ogi có thể làm là chớp mắt và lắng nghe. Từ giây phút tỉnh dậy sau cơn hôn mê dài, anh biết mình sẽ phải sống một cuộc đời khác.
Thay vì bất mãn và hình thành những ý nghĩ tiêu cực, Ogi đón nhận tin dữ ấy một cách khá bình thản. Nằm trên giường bệnh, anh suy nghĩ rất nhiều về quá khứ.
Việc mẹ của Ogi tự tử khi con trai duy nhất mới lên mười. Khoản nợ không hề nhỏ do người cha làm ăn thua lỗ bỗng nhiên rơi xuống đầu anh, khi vừa mới tốt nghiệp đại học.
Một ngày kia, cha của Ogi phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối, thời gian mà ông còn sống trên cõi đời bỗng chốc chỉ được tính bằng tháng. Từng chuyện trong quá khứ bỗng hiện lên trong tâm trí anh rất rõ, như một thước phim quay chậm.
Trước kia, anh nghĩ đã quên chúng, nhưng hóa ra không phải. Từng chuyện đều được Ogi ghi nhớ một cách rất kỹ lưỡng, chẳng qua vì cuộc sống quá bận rộn, anh chẳng còn thời gian nghĩ về nó mà thôi.
Ogi và vợ sống một cuộc đời vô vị và nhạt nhẽo bên nhau. Dù không được học ngành mà mình thích, Ogi vẫn nỗ lực trong công việc. Ngược lại, vợ anh là người cả thèm chóng chán. Cô không gắn bó được với công việc nào đó quá lâu. Khi họ mới quen nhau, vợ anh có rất nhiều hoài bão, nhưng thất bại và sự nhụt chí đã khiến chúng chết dần chết mòn.
Ogi nghĩ vợ đã chết từ lâu. Chỉ là giờ đây người ta mới mang cô ấy đi chôn mà thôi. Họ không cùng chí hướng, chẳng có sở thích chung để chia sẻ cùng nhau, không có con cái để gắn kết. Cuộc hôn nhân của họ được duy trì như một thói quen.
Giờ đây, cuộc sống của Ogi dựa vào mẹ vợ, bà trở thành người giám hộ hợp pháp duy nhất của anh. Nhưng tiếc rằng Ogi chưa hiểu rõ người phụ nữ ấy.
Nhà văn người Hàn Quốc Pyun Hye-young. Ngoài Hố đen sâu thẳm, người đọc Việt Nam còn biết tới cô qua tiểu thuyết Tro tàn sắc đỏ. Ảnh: Quaisdupolar. |
Cuộc sống nhiều bất an
Khi tình trạng của đứa con rể tội nghiệp tạm ổn, mẹ vợ mang anh về căn nhà cũ của hai vợ chồng. Bà biết khả năng Ogi trở lại bình phục rất thấp, y học hiện đại cũng không mang lại nhiều hy vọng cho anh.
Mẹ vợ đành cầu đấng tối cao như một giải pháp để xoa dịu tâm trạng của chính mình. Ogi để các linh mục tới nhà cầu nguyện cho anh, dù tâm hồn anh không thuộc về chúa.
Sống trong sự sắp đặt của mẹ vợ, bị người hộ lý lạm dụng và đối xử lạnh nhạt, nhưng Ogi vẫn cam chịu. Anh không thể phản kháng và quan trọng hơn, anh không muốn phải kháng.
Sống một mình trong căn nhà lớn, Ogi thấy cô độc. Dẫu họ mang tới những nỗi sợ vô hình, chính họ cũng khỏa lấp những cô đơn trong lòng anh.
Hố đen sâu thẳm là cuộc đấu tranh tâm lý không khoan nhượng của nhân vật chính. Từ nhỏ, anh luôn muốn làm chủ vận mệnh của mình. Nhưng cuối cùng, anh nhận ra bản thân luôn phải đầu hàng trước số phận. Tai nạn bất ngờ và những ngày tháng sống trên giường bệnh cho anh cơ hội nhìn lại cuộc đời mình và những người mà anh luôn tin tưởng.
Cuốn tiểu thuyết của Pyun Hye-young được xây dựng chủ yếu bằng độc thoại nội tâm của nhân vật chính. Không có nhiều nút thắt và tình huống gây bất ngờ, nhưng nó vẫn cuốn hút người đọc theo cách riêng.
Tác giả đã khéo léo lồng ghép vào câu chuyện một màu của mình những tính huống chờ, cùng hàng loạt câu hỏi nhỏ, để người đọc suy luận và phỏng đoán.
Không có những cảnh hù dọa hay đổ máu, nhưng Hố đen sâu thẳm vẫn gieo vào lòng người đọc những bất an và sợ hãi. Pyun Hye-young đã khéo léo khai thác tâm lý nhân vật, cô cho độc giả thấy những góc tối ẩn sâu trong tiềm thức con người, những phần xấu xa cố hữu mà thường ngày ai đó vẫn khéo léo che đậy bằng vẻ ngoài hòa nhã, lịch sự.
Bi kịch mà nhân vật chính gặp phải có thể xảy ra với bất cứ ai. Những nỗi sợ của anh ta cũng chính là lo âu thường trực ám ảnh con người trong đời sống.