Cơ quan chức năng Nhật Bản đã xác định được nghi phạm đe dọa bắn hạ máy bay Vietnam Airlines trên vịnh Tokyo vào ngày 5/1.
Theo đó, nghi phạm là một nam giới người Nhật Bản. Người này đã theo dõi thông tin chuyến bay trên Internet và nảy sinh ý định đe dọa an toàn chuyến bay.
Nghi phạm thừa nhận hành vi đe dọa bắn hạ máy bay của Việt Nam nhưng không nêu động cơ hay mục đích cụ thể. Cơ quan chức năng Nhật Bản đang tiếp tục xác minh.
Máy bay Vietnam Airlines phải quay đầu hạ cánh tại Fukuoka (Nhật Bản) sau lời đe dọa. Ảnh: Flightradar. |
Trao đổi với Zing, PGS.TS Ngô Huy Cương, chuyên gia luật từng tham gia xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, khẳng định dọa bắn hạ máy bay được coi là hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng. Pháp luật ở Việt Nam hay Nhật Bản đều trừng trị hành vi này.
"Có 3 công ước về an ninh hàng không mà thành viên Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO đều tham gia. Trong công ước, các quốc gia cam kết hỗ trợ nhau trong việc đảm bảo an ninh, an toàn, trừng trị hành vi can thiệp bất hợp pháp", PGS Cương khẳng định.
Ngày 5/1, chuyến bay VN5311 của Vietnam Airlines khởi hành từ Narita (Nhật Bản) về Hà Nội. Loại máy bay sử dụng là Boeing 787, gồm 15 thành viên tổ bay (12 tiếp viên, 3 phi công) cùng 47 hành khách.
Khoảng 11h10 (giờ địa phương), chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật Bản nhận được cuộc điện thoại từ một người giọng nam giới tự xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật, với nội dung trao đổi: "Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi bay qua vịnh Tokyo".
Dù đã bay qua vịnh Tokyo một quãng khá xa (khoảng 800 km), máy bay vẫn quay đầu hạ cánh tại Fukuoka để kiểm tra an ninh sau cuộc gọi đe dọa. Quá trình kiểm tra cho thấy máy bay an toàn, không có dấu hiệu bất thường. Chuyến bay được tiếp tục hành trình về Hà Nội trong chiều cùng ngày.