Trong nghiên cứu được đăng ngày 29/3 trên tạp chí Circulation, các nhà khoa học đã phát hiện buồng tim lớn nhất của Scott Kelly giảm khối lượng từ 190 g còn 139 g, tương đương 27% sau gần một năm phi hành gia này sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) từ 2015 đến 2016.
Đây không phải biến đổi duy nhất trong cơ thể người sau khi về từ không gian. Các nghiên cứu trước đây cho thấy phi hành gia có xu hướng bị phù đầu, bẹp nhãn cầu, co rút chân và giòn xương, theo New York Times.
Phi hành gia Scott Kelly dành 340 ngày trên ISS. Ảnh: NASA. |
"Trái tim của Kelly đã biến đổi để thích nghi với môi trường trọng lực giảm. Nó không bị rối loạn chức năng. Ông ấy vẫn khỏe mạnh", Tiến sĩ Benjamin D. Levine, Giáo sư nội khoa tại Trung tâm Y khoa khu vực Tây Nam thuộc Đại học Texas (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Nếu không có lực hấp dẫn, tim không cần bơm máu hết cỡ và sẽ biến đổi do cường độ hoạt động ít hơn. Đối với Kelly, tình trạng trên vẫn xảy ra dù ông tập thể dục đều đặn trên ISS, chế độ tập luyện được cho là hiệu quả trong việc hạn chế giòn xương và giảm cơ.
"Giống các cơ bắp, trái tim cũng phản ứng với tải trọng đặt lên nó", Tiến sĩ Levine nhận định.
Hiện tượng này sẽ cần được quan tâm cho các sứ mệnh đưa người lên Hỏa tinh trong tương lai. Theo Levine, người lên Hỏa tinh vẫn có sức khỏe ổn định, nhưng vấn đề có thể nghiêm trọng nếu họ bị thương, bệnh, không tập thể dục hoặc thiết bị tập bị hỏng.
Với trái tim yếu ớt hơn, họ có thể bị choáng, ngất xỉu trước khi bước chân lên Hỏa tinh sau nhiều tháng du hành trong môi trường không trọng lực.
Nghiên cứu cũng so sánh trái tim của Kelly với Benoît Lecomte, vận động viên từng bơi xuyên Thái Bình Dương vào năm 2018. Kết quả cho thấy tác động lên tim khi cơ thể nổi trên nước giống như môi trường không trọng lượng.
Sau hơn 159 ngày trên biển, Lecomte phải từ bỏ hành trình do con thuyền bị bão phá hủy. Qua siêu âm, người ta phát hiện trọng lượng tâm thất trái của ông giảm từ 170 g còn 141 g, tốc độ khoảng 0,71 g/tuần. Tâm thất trái là buồng mạnh và lớn nhất của tim, làm nhiệm vụ bơm máu vào động mạch chủ và đi khắp cơ thể.
Tiến sĩ Levine cho biết ông khá bất ngờ với kết quả. "Tôi nghĩ rằng trái tim của Lecomte sẽ nặng hơn do khối luợng tập luyện rất lớn", ông cho biết.
Các phi hành gia trên ISS tập thể dục để bảo đảm sức khỏe. Ảnh: NASA. |
Với các sứ mệnh không gian, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) có thể điều chỉnh chương trình tập thể dục cho phi hành gia, gồm cường độ và thời gian tập luyện, theo lời Tiến sĩ James MacNamara, chuyên gia tim mạch tại Trung tâm Y khoa khu vực Tây Nam thuộc Đại học Texas.
Trên ISS, Kelly tập thể dục 6 ngày/tuần, gồm 30-40 phút chạy bộ trên máy tập chạy hoặc đạp xe. Ông cũng sử dụng máy kháng thủy lực để mô phỏng động tác nâng tạ.
"Chế độ này khá vất vả. Rất khó đẩy tạ vì nó nặng hơn mức tôi có thể nâng ở nhà", Kelly cho biết. "Trái tim tôi hoạt động tương tự vận động viên nổi tiếng", phi hành gia 57 tuổi cảm thấy khá thú vị với cuộc nghiên cứu.
Tiến sĩ Lenive tiết lộ ông đang tham gia nghiên cứu theo dõi trạng thái tim của 13 phi hành gia trước và sau 6 tháng sống trên ISS. Sau khi được xuất bản, nó sẽ mang đến nhiều dữ liệu hơn. NASA cũng hỗ trợ chi phí cho các nghiên cứu về tim của 10 phi hành gia sau một năm trong không gian.
Sau khi trở về, cơ thể của Kelly có khá nhiều thay đổi nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe. "Nếu cho phép (lên không gian một lần nữa - PV), tôi vẫn sẽ đồng ý", Kelly chia sẻ.