Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đề ra mục tiêu phát triển các nguồn cung năng lượng theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm hiệu quả, tin cậy và bền vững.
Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ việc xây dựng mới chiến lược phát triển ngành than phải gắn với nhiệm vụ đầu tư hiệu quả ra nước ngoài và nhập khẩu than dài hạn, thực hiện dự trữ than phù hợp, đáp ứng yêu cầu cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện.
Bể than sông Hồng nằm trên địa bàn Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam với trữ lượng khoảng 210 tỷ tấn. Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường. |
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng yêu cầu mở rộng tìm kiếm, thăm dò, nâng cao chất lượng đánh giá các cấp trữ lượng và tài nguyên, đẩy mạnh khai thác than trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên. Đặc biệt, khẩn trương nghiên cứu công nghệ để có thể khai thác bể than đồng bằng Sông Hồng.
Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng yêu cầu triển khai nhanh việc xây dựng hệ thống cảng, kho dự trữ và trung chuyển than quy mô lớn; tăng cường cơ giới hóa, hiện đại hóa thiết bị sàng, tuyển và khai thác than. Rà soát, đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch và tối ưu hoá các giải pháp cung cấp than ổn định cho sản xuất điện phù hợp với cơ chế thị trường.
Về phát triển nhiệt điện than, nghị quyết yêu cầu phát triển ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như công nghệ siêu tới hạn trở lên; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Theo TS Đào Văn Thịnh, Viện Địa chất và Môi trường (Tổng hội Địa chất Việt Nam), các nghiên cứu cho thấy bể than sông Hồng có tiềm năng tài nguyên than rất cao. Nếu tính đến độ sâu 3.500 m thì tổng tài nguyên than đạt 210 tỷ tấn, gấp 20 lần bể than Quảng Ninh.
Tuy nhiên, tiềm năng tài nguyên và trữ lượng có khả năng khai thác thực tế hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng bể than sông Hồng có điều kiện địa chất phức tạp cho việc khai thác, lại nằm trong vùng nhạy cảm về môi trường, xã hội và có nhiều tài nguyên, văn hóa, nhất là tài nguyên nước và đất nông nghiệp.