Trao đổi với Zing.vn về lộ trình thay thế, loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trước năm 2021 của UBND Hà Nội, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cho hay tính đến 31/12/2019, số lượng bếp than tổ ong đã giảm 58% so với năm 2017, nhưng vẫn còn đến hơn 23.000 bếp.
Theo đó, năm 2017, tổng số bếp than sử dụng trên địa bàn là 55.000 bếp, phần lớn lượng bếp than tổ ong được sử dụng lại nằm trong nội thành, lên đến 63%, số lượng bếp than ở các huyện ngoại thành chỉ 37%.
Phần lớn bếp than tổ ong tập trung trong các quận nội thành ở Hà Nội. Ảnh: Duy Hiệu. |
Báo cáo kết quả thực hiện của các quận, huyện tính đến ngày 31/11/2019 cho thấy nhiều quận, huyện đã triển khai tốt như quận Long Biên (80,3%); huyện Ứng Hòa (71,9%) và quận Hoàn Kiếm (65,5%).
Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, việc bếp than tổ ong tập trung chủ yếu trong nội thành là nguyên nhân quan trọng khiến chất lượng không khí khu vực đô thị thường kém hơn rất nhiều so với khu vực ngoại thành.
"Đặc điểm của các khu vực trong nội thành là chật hẹp, đông đúc, những nơi tập trung nhiều bếp than tổ ong lại thường là các khu tập thể, khu đông dân cư, đô thị cũ. Khí thải từ bếp than tổ ong cộng hưởng với khí thải phương tiện và bụi xây dựng tích tụ trong khu vực hẹp, khó phát tán", TS Dương Tùng phân tích.
Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng không khí chung của thành phố, TS Dương Tùng cho hay khói bếp còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng bởi có chứa nhiều khí độc hại. Hà Nội đã ghi nhận vài trường hợp tử vong do khói loại bếp này.
Bên cạnh đó, ông cho rằng khói bếp than tổ ong chưa phải nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ông dẫn chứng cách đây 2-3 năm, số lượng bếp tổ ong ở Hà Nội còn hơn 60.000 bếp, bây giờ chỉ còn 1/3 nhưng chất lượng không khí gần như không cải thiện.
"Cắt giảm được 2/3 lượng bếp than tổ ong trong thời gian qua là thành công lớn của Hà Nội, nhưng thế là chưa đủ. Để cải thiện chất lượng không khí cần các giải pháp đồng bộ, quyết liệt được thực hiện đồng thời. Than tổ ong thì dễ, chứ để cắt giảm xe máy, ôtô mới khó khăn", vị tiến sĩ nêu quan điểm.
Về lộ trình cắt giảm, tiến tới loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong ở Hà Nội, Chi cục Bảo vệ môi trường cho hay từ nay cho đến ngày 31/12, thành phố sẽ yêu cầu người dân chuyển sang sử dụng các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2021, Hà Nội áp dụng chế tài xử phạt cho các hành vi sử dụng bếp than trên địa bàn thành phố dựa vào các nghị định của Chính phủ và Luật Thủ đô.
Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, mỗi ngày người dân thủ đô tiêu thụ 528 tấn than, góp phần thải vào bầu không khí của 8 triệu người Hà Nội 1.872 tấn khí CO2. Cũng theo lãnh đạo chi cục, quá trình tiêu thụ than tổ ong sẽ phát sinh ra bụi, trong đó có bụi mịn PM2.5 và khí thải khác như CO2, CO, SO2, PAHs...
Đầu tháng 11, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành chỉ thị về việc thay thế, loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Thành phố hướng đến loại bỏ hoàn toàn than tổ ong trước năm 2021.