Chiều 18/12, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố với các quận, huyện, sở ngành về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết thành phố luôn quan tâm, đôn đốc công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong lĩnh vực không khí. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề ô nhiễm cần phải có thời gian, chiến lược lâu dài, bền vững và nguồn lực ngân sách lớn. Ông nhấn mạnh trách nhiệm thuộc mỗi người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh trên địa bàn thành phố.
Cần chiến lược dài hơi
“Chúng ta không đốt cháy giai đoạn được, mà phải làm bài bản. Hàn Quốc mất 26 năm, TP Viên (Áo) mất 32 năm, Chương trình trồng cây xanh của Singapore mất 40 năm (bắt đầu từ năm 1980, đến năm 2020 họ mới tổng kết) còn Hà Nội chúng ta mới bắt đầu chương trình trồng cây xanh được 3 năm”, người đứng đầu chính quyền Hà Nội phát biểu.
Đề cập đến các giải pháp, Chủ tịch Hà Nội cho biết thành phố đang xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực quản lý Nhà nước trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước.
Hà Nội có thể banh bố tình trạng khẩn cấp nếu AQI vượt 300 đơn vị. Ảnh: Duy Hiệu. |
Báo cáo tại hội nghị, Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho hay có 12 nguồn phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường tại Hà Nội. Trong đó chủ yếu từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động dân sinh đun nấu, sử dụng than tổ ong, đốt rác rơm rạ.
Bên cạnh đó, chất lượng không khí thủ đô cũng suy giảm bởi nhiều nguyên nhân khách quan như địa hình đa dạng với núi thấp, khu vực nội thành là vùng trũng thấp dẫn đến tích tụ, khó khăn trong lưu thông không khí. Bên cạnh đó, tháng 12 đến tháng 1 là lúc lượng mưa ít, lặng gió nên chất lượng không khí đặc biệt xấu.
Ông Định đánh giá năm 2019 xuất hiện nhiều dạng thời tiết cực đoan, tác động biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, trong khi đó nguồn thải vẫn giữ nguyên, gây khó khăn cho việc phát tán chất gây ô nhiễm.
Không khí nguy hại, học sinh có thể nghỉ học
Đề cập đến các giải pháp ứng phó trước tình trạng ô nhiễm không khí diễn biến phức tạp, Sở TN&MT đề nghị UBND Hà Nội giao các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các công trình thi công, xây dựng, các khu công nghiệp, làng nghề, các khu xử lý chất thải tập trung.
Sở cũng đề nghị thành phố thiết lập quy định về tình trạng khẩn cấp khi không khí chạm ngưỡng nguy hại (AQI >300). Theo đó, trong những ngày này, UBND Hà Nội ban hành thông báo về tình hình chất lượng không khí tới Sở Giáo dục Đào tạo để các trường mầm non, tiểu học cho các em học sinh nghỉ học.
Ngoài ra, trong những ngày này, Sở TN&MT đề nghị thành phố cấm các loại xe tải nặng, đặc biệt là xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng lưu hành trong 12 quận nội thành, tạm dừng các hoạt động xây dựng, phá dỡ cải tạo công trình trong giờ cao điểm.
Sở cũng đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu đánh giá các tác động ô nhiễm xuyên biên giới và các tỉnh thành lân cận của Hà Nội. Bộ cũng sớm trình Quốc hội, Thủ tướng ban hành sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường trong đó có các thông tư, hướng dẫn về xử phạt các các hành vi hủy hoại môi trường.
Sở cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm ban hành tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện và đẩy nhanh các dự án đường sắt trên cao tại địa bàn Hà Nội để giảm thiểu phương tiện cá nhân.