Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không khí ô nhiễm, tại sao Việt Nam không từ bỏ được điện than?

Theo các chuyên gia, điện than là động lực quá quan trọng để phát triển kinh tế và Việt Nam chưa sẵn sàng để từ bỏ.

Sáng 11/10, tại Hội thảo: "Hiểu đúng về Ô nhiễm Không khí tại Hà Nội", các nhà khoa học về môi trường, đô thị cũng như đại diện Sở Tài nguyên Môi trường TP đã thông tin về chất lượng không khí thời gian qua tại thủ đô.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phân tích về hệ thống, phương pháp cũng như các thiết bị đo đạc chất lượng không khí tại các trang cung cấp AQI người dân đang sử dụng.

cat bo dien than Viet Nam anh 1
GS Hoàng Xuân Cơ cho rằng Việt Nam vẫn chưa thể từ bỏ điện than thời gian tới. Ảnh: Xuân Mai.

Hệ quả của phát triển kinh tế

Nhận định về tình trạng chất lượng không khí tại Hà Nội thời gian gần đây, GS. TS Hoàng Xuân Cơ, giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho rằng đây là thực trạng chung của các nước trong quá trình phát triển "nóng".

"Về nguyên lý, có mối quan hệ tương quan giữa các điều kiện bất lợi gây ra bởi quá trình tăng trưởng GDP ở các quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Chúng ta phát triển, bắt buộc phải đánh đổi, nhưng đánh đổi ở mức độ chấp nhận được", giáo sư Cơ phát biểu.

Nói về nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí, GS Xuân Cơ cho rằng mỗi kW/h điện người dân sử dụng mỗi ngày, km chạy xe, hay mỗi ngôi nhà công trình xây dựng cũng đều góp phần gây ô nhiễm không khí.

"Chúng ta đang trong giai đoạn phát triển thì nguồn thải không ổn định, các nguồn vẫn tăng. Theo tôi, sắp tới các nhà máy nhiệt điện than sẽ không giảm đi do đòi hỏi nhu cầu tăng trưởng, lượng xe cộ gia tăng...", ông Cơ nói.

Chỉ khi nào Việt Nam đạt đến mức độ GDP nhất định, thì các chỉ số ô nhiễm mới có thể giảm, chất lượng môi trường có điều kiện cải thiện do kinh tế được nâng cao.

Theo chuyên gia này, Nhà nước và cụ thể là thành phố Hà Nội đã có các động thái tích cực trong thời gian qua trong kiềm chế nguồn thải ô nhiễm ra môi trường.

"Nhà nước đã không quy hoạch các nhà máy phát thải gần các TP lớn, loại bỏ được xăng pha chì, nâng cao được tiêu chuẩn phương tiện giao thông Euro 3, Euro 4, ủng hộ thúc đẩy năng lượng sạch", vị này chỉ ra.

Tuy nhiên, theo ông Cơ, việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng không khí, quan trắc, kiểm soát phát thải còn rất hạn chế.

Dấu hỏi lớn đối với các trang quan trắc không chính thống

TS Hà Đăng Sơn, Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các trang quan trắc như AirVisual, Pam Air và cả các cổng thông tin chính thống như Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, Đại sứ quán Mỹ.

cat bo dien than Viet Nam anh 2
TS Hà Đăng Sơn nhận định người dân đang bị nhiễu loạn thông tin. Ảnh: Xuân Mai.

"So với 3 năm trước, hiện chúng ta có quá nhiều nguồn để tham khảo thông tin chất lượng không khí. Tuy nhiên, chính vì số liệu nguồn thông tin nhiều như vậy nên người dân đang bị ngợp thông tin", ông Sơn cho hay.

Vị chuyên gia nhận định hiện Hà Nội có 2 loại thiết bị quan trắc được sử dụng chủ yếu. Một là các trạm quan trắc đủ tiêu chuẩn quốc tế để quan trắc không khí trong phạm vi lớn, hai là các máy đo cảm biến, giá rẻ và quan trắc trong phạm vi hẹp.

"Như các trạm quan trắc của Chi cục Bảo vệ Môi trường, đây là các trạm đủ tiêu chuẩn, cho con số đáng tin cậy, nhưng có độ trễ nhất định, số liệu không tức thời, nhanh nhạy. Vậy làm sao để cải thiện chất lượng cung cấp thông tin, làm sao để người dân nhận biết được hiện trạng chất lượng không khí tức thời, tại lúc đó?", ông đặt vấn đề.

Nhận xét về các trang quan trắc không chính thống như AirVisual, Pam Air, ông Sơn cho hay các trang quan trắc này thường sử dụng các thiết bị cảm biến, cầm tay, giá rẻ. Các thiết bị này rất tiện dụng trong đo đạc được ở nhiều địa điểm nhưng nhược điểm là độ chính xác không cao.

Theo vị này, các máy đo cảm biến có độ chênh lệch lớn, dễ bị tác động bởi các nhân tố môi trường bên ngoài và phạm vi quan trắc của các máy đo cảm biến cũng đang có nhiều nghi vấn.

"Có một số ý kiến cho rằng các máy đo cảm biến này có phạm vi 1 km, nhưng tôi cầm máy đo này đứng đầu đường và cuối đường cách nhau 10 m có khi kết quả đã thay đổi", ông Sơn nói.

Ngoài ra, các máy đo này vòng đời trung bình thấp chỉ trên dưới 1 năm, trong quá trình sử dụng phải liên tục hiệu chỉnh, điều chỉnh để đảm bảo các chỉ số quan trắc đưa ra chính xác, khách quan.

"Tôi luôn thắc mắc các máy đo này có được hiệu chỉnh, bảo dưỡng thường xuyên không bởi các máy đo này nếu không được đảm bảo các điều kiện nhất định sẽ cho các sai số lớn", ông nói.

Ông đề nghị người dân khi sử dụng các ứng dụng quan trắc này nên là những "người tiêu dùng thông thái", bởi có những nguồn thông tin chỉ nên dùng để tham khảo do độ tin cậy không cao, không được các cơ quan chuyên môn quản lý về chất lượng.

Các nhà máy nhiệt điện than lớn cách Hà Nội và TP.HCM bao xa?

Theo quy hoạch đến năm 2020, nhiệt điện than sẽ cung cấp gần một nửa sản lượng điện của Việt Nam. Quảng Ninh là địa phương có nhiều nhà máy công suất lớn trên 600 MW nhất.

Không khí Hà Nội ô nhiễm do mỗi ngày đốt 528 tấn than?

Cơ quan chức năng Hà Nội xác định việc người dân đốt 528 tấn than mỗi ngày là một trong những nguyên nhân khiến không khí trên địa bàn ô nhiễm như những ngày qua.




Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm