Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội nói ô nhiễm không khí báo động là do đốt rơm rạ

Theo đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí ghi nhận sáng 30/9 ở mức đặc biệt kém là do hiện tượng khí hậu bất thường và hoạt động đốt rơm rạ.

Trao đổi với Zing.vn sáng 30/9, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, đã thông tin nhanh về nguyên nhân chất lượng không khí ở thủ đô đặc biệt xấu trong sáng nay.

"Do điều kiện khí tượng, cùng với lớp sương mù rất dày, các chất gây ô nhiễm trong không khí không thể khuếch tán lên các tầng trên cao được. Theo quan sát của chúng tôi, trong 1 tuần trở lại đây, lớp sương mù còn dày thêm, khiến chất lượng không khí giảm sút rõ rệt", vị này phân tích.

Ha Noi o nhiem khong khi nghiem trong anh 1
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội chạm đỉnh ngày 30/9. Ảnh: Air Visual.

Không khí xấu do đốt rơm rạ

Bên cạnh đó, Chi cục Bảo vệ Môi trường thành phố cũng cho biết nhiều huyện ngoại thành đang vào vụ gặt và tình trạng đốt rơm rạ trên nhiều cánh đồng vẫn tái diễn. Đây cũng là nguyên nhân khiến chỉ số AQI tăng vọt trong vài ngày qua.

"Tình hình người dân đốt rơm rạ vẫn rất phức tạp, chúng tôi đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, thậm chí xử phạt, nhưng chưa ngăn chặn được triệt để. Hàng năm, cứ vào giai đoạn này trong năm, chất lượng không khí ở Hà Nội cũng thường duy trì ở mức kém là do vậy", vị này cho hay.

Để đảm bảo sức khỏe trong những ngày không khí xấu, kém, Chi cục Bảo vệ Môi trường khuyến cáo người dân, nhất là người già, trẻ nhỏ, người có bệnh về hô hấp nên ở trong nhà. Các hộ dân ở trong khu vực có, hoặc gần các nguồn gây ô nhiễm như khu vực tắc đường, công trường đang thi công nên che chắn, đóng cửa.

Ngoài ra, người lao động làm việc ngoài trời, hay thường xuyên đi trên đường cần trang bị khẩu trang, kính mắt và cố gắng không ở ngoài trời quá lâu, liên tục.

Theo các dữ liệu của chi cục, dự kiến trong 2-3 ngày tới, Hà Nội có thể đón nhận nhiều trận mưa, tình hình không khí có thể được cải thiện.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, cho rằng người dân thủ đô nên có các biện pháp để bảo vệ sức khỏe của mình, đặc biệt cho trẻ em và người già trong gia đình.

"Chỉ số AQI ở mức trên dưới 200 thì chưa phải nguy hại, ảnh hưởng chủ yếu đến nhóm nhạy cảm như trẻ em, người già, và có nguy cơ làm trầm trọng hơn với những người có bệnh về hô hấp, tim mạch. Tuy nhiên, chất lượng không khí xấu ở mức thường xuyên như vậy cũng rất đáng lo ngại", GS Ngọc Đăng bày tỏ quan điểm.

Ha Noi o nhiem khong khi nghiem trong anh 2
Sương mù dày đặc khiến chất lượng không khí suy giảm. Ảnh:Việt Linh.

Cần xem lại cách tính AQI của các website nước ngoài

Chất lượng không khí ở Hà Nội đang ở mức xấu, nhưng ông Đăng cũng đề nghị người dân nên tham khảo các thông tin quan trắc khác, tránh việc lo lắng quá mức.

"Những khu vực không khí đáng lẽ tốt như Tây Hồ thì lại đang cho thấy điều ngược lại cũng cần phải đặt câu hỏi về tính chính xác của những chỉ số này. Theo tôi, có thể đây là hiện tượng ô nhiễm cục bộ, cần xác định các trạm quan trắc này có đảm bảo đủ điều kiện không, có đặt gần nguồn ô nhiễm lớn nào không", vị giáo sư bày tỏ nghi ngờ.

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, các chỉ số AQI đo bởi các app nước ngoài áp dụng các công thức, cách tính khác với Việt Nam, nên chưa chắc đã khách quan do khác rất nhiều về điều kiện khí hậu, môi trường.

"Các app, website nước ngoài có cách tính, tiêu chuẩn khác với Việt Nam, nên đây mới chỉ là nguồn tham khảo. Các chỉ số họ đo cũng theo thời gian thực, tức là biến thiên liên tục hàng phút, hàng giờ. Trong khi dữ liệu quan trắc của Sở TNMT là số liệu trung bình trong 24 giờ, và được cập nhật mỗi 4 giờ nên mới có sự khác nhau nhiều như vậy", đại diện chi cục lý giải.

Nhằm có các thông tin quan trắc đầy đủ, chính xác, kịp thời hơn, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, dự kiến năm 2021, TP sẽ lắp đặt thêm 33 trạm quan trắc nữa và xây dựng mô hình dự báo chất lượng không khí, thời tiết.

"Hệ thống này sẽ dự báo được chất lượng không khí các ngày tới, có cả đưa lên truyền hình. Công nghệ quan trắc, thiết bị đo đạc này sẽ nhập khẩu từ Pháp sẽ có thể có thông tin khuyến cáo chi tiết và kịp thời cho người dân", đại diện chi cục nói.

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết mỗi năm thành phố phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp và một lượng lớn trong số đó được đốt trên đồng.

Từ năm 2017, Hà Nội đã triển khai kế hoạch hạn chế, tiến tới chấm dứt đốt rơm rạ vào năm 2020. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ, nhưng tình trạng này vẫn chưa giải quyết được triệt để.

Ô nhiễm không khí Hà Nội đạt đỉnh mới, tiệm cận mức nguy hại

Sáng 30/9, theo số liệu quan trắc của Air Visual, Pam Air, nhiều địa điểm tại thủ đô có chỉ số ô nhiễm lên rất cao, nơi cao nhất đo được là 290.



Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm