Theo ghi nhận lúc 8h sáng 30/9, chất lượng không khí trên toàn thành phố đều màu đỏ, có nơi chuyển màu tím. Trong đó, những khu vực có chất lượng không khí thường xuyên ở mức thấp đã vượt mức 200 đơn vị (ảnh hưởng đến sức khỏe toàn bộ dân cư, đặc biệt nhóm nhạy cảm).
Chỉ số đo được ở khu vực Tây Hồ là 290, đường Tô Ngọc Vân 264, đường Tố Hữu 242, Học viện Tài Chính cho kết quả là 211.
Chất lượng không khí ngày 30/9 tại Hà Nội cho chỉ số cao bất thường. Ảnh: Air Visual. |
Theo trang quan trắc và tổng hợp dữ liệu về không khí Air Visual, chỉ số AQI sáng 30/9 cũng là số đo cao nhất từ đầu tháng, và cao gần gấp 3 lần so với ngày không khí sạch nhất. (AQI 79 ngày 21/9).
Còn tại trang cập nhật AQI thời gian thực Pam Air, chỉ số AQI ghi nhận cũng ở mức rất cao, trên mức 150 ở tất cả các điểm. Không khí ghi nhận được ở mức tím (mức rất không lành mạnh) tại nhiều nơi.
Tuy nhiên, thông tin quan trắc chất lượng không khí của Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội lại cho kết quả thấp hơn rất nhiều so với các website nước ngoài.
Trong đó, AQI đo được tại 10 điểm trong thành phố dù vẫn ở mức kém, nhưng chỉ trên dưới 150. Nơi đo được AQI cao nhất là Đại sứ quán Pháp (174), nơi chất lượng không khí tốt nhất là khu vực Mỹ Đình (112).
Giải thích về sự chênh lệch này, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho rằng có 2 nguyên nhân chính.
"Thứ nhất, các công cụ, máy móc quan trắc của chúng tôi có thể áp dụng theo những tiêu chuẩn khác với các thiết bị do các công ty nước ngoài đặt tại Việt Nam. Tiêu chuẩn đo đạc của Sở Tài nguyên tuân thủ theo quy định của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường, đảm bảo chính xác, khách quan", vị đại diện cho biết.
Chất lượng không khí khu vực Tây Hồ thường xuyên ở ngưỡng tím (ngưỡng rất không tốt cho sức khỏe). Ảnh: Air Visual. |
Theo vị này, các thiết bị đo đạc của các trang như Air Visual hay Pam Air cũng chưa hẳn đã chính xác bởi đây có thể là các thiết bị nhập từ nước ngoài, công thức, và cách tính chỉ số AQI sẽ thích hợp hơn với điều kiện khí hậu nước đó, nên chưa chắc đánh giá được đúng khi đặt tại Việt Nam.
"Thứ hai, cách tính AQI của Đại sứ quán Mỹ cũng khác so với cách tính AQI tại các trạm quan trắc của Sở TNMT. Và mỗi quốc gia có cách tính, phương pháp đánh giá chất lượng không khí khác nhau. Vì vậy, đây là những nguồn tham khảo, người dân không nên quá lo lắng".
Về việc chất lượng không khí khu vực Tây Hồ thường xuyên ở mức xấu, thậm chí tiệm cận mức nguy hại (290 sáng 30/9), đại diện chi cục cho hay đơn vị vẫn chưa nắm được chính xác cách đo đạc tại những trạm quan trắc này thế nào.
Theo đánh giá sơ bộ, khu vực này có không khí kém là do gần hồ, lượng sương mù lớn, gây khó khăn cho việc lưu thông không khí, thoát bụi lên trên tầng cao.