Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ô nhiễm tăng vọt trong những ngày 'nhìn thấy' không khí ở Hà Nội

Những ngày vừa qua, có những thời điểm, một số trạm quan trắc đo được chỉ số ô nhiễm ở Hà Nội lên đến 181, sát mức xấu theo tiêu chuẩn đánh giá của WHO.

Theo kết quả quan trắc được cập nhật thường xuyên bởi trang Air Visual, chất lượng không khí ở nhiều nơi tại Hà Nội thường xuyên "đỏ" trong 2 ngày 17-18/9. Một số điểm quan trắc cho chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) tiệm cận với mức xấu (200) như Tây Hồ 191, Đại sứ quán Mỹ 183, Minh Khai - Bắc Từ Liêm 175.

Trong 7 điểm quan trắc có chất lượng không khí ở ngưỡng kém ghi lại được hôm 17/9, còn có Kim Liên 149, Hàng Đậu 170, Hoàn Kiếm 163, Thành Công 168.

Trong 10 ngày vừa qua 7-17/9, chỉ số AQI trung bình cũng duy trì ở mức kém, trong đó có Tây Hồ 136, Đại sứ quán Mỹ 125, Minh Khai - Bắc Từ Liêm 134, Hàng Đậu 133.

Tiệm cận mức xấu trong vài ngày qua

o nhiem khong khi Ha Noi anh 1
Chất lượng không khí trung bình và cao nhất tại một số điểm tại Hà Nội 7-17/9. Đồ họa: Sơn Hà.

Theo lý giải của Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, ô nhiễm bụi thường tăng cao, tập trung vào mùa đông, đầu xuân, thời điểm chuyển mùa. Hiện tượng này vẫn thường xuất hiện theo quy luật.

"Sự thay đổi nồng độ của các chất ô nhiễm không khí phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn phát thải, điều kiện khí tượng, tốc độ gió, khả năng khuấy trộn của không khí. Ngoài ra còn tính đến bức xạ mặt trời, độ ẩm và các phản ứng quang hóa", đại diện Chi cục Môi trường cho hay.

Trong những ngày qua, vào buổi sáng sớm cho đến trưa, chiều xuất hiện 1 lớp sương mù bao phủ toàn thành phố. Đêm và ngày không có mưa, lặng gió hoặc gió quẩn. Ban ngày trời nắng về đêm trời dịu mát khiến nhiệt độ giảm mạnh.

Khi nhiệt độ giảm nhanh chóng, hơi nước ngưng kết lại kết hợp với bụi tạo thành sương mù bao bọc toàn thành phố. Trong khi đó, các loại khí thải và khói bụi vẫn liên tục thải ra môi trường hàng ngày kết hợp với tốc độ gió thấp đã dẫn đến sự phân tán ô nhiễm không khí kém, sự đối lưu không khí giữa các tầng giảm.

"Không khí không thể thoát lên cao để pha loãng mà bị giữ lại lớp không khí sát mặt đất, làm tăng nồng độ bụi", Chi cục Bảo vệ Môi trường cho hay.

Ngoài ra, theo phần mềm mô hình lan truyền dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội, Hà Nội có thể đang bị ảnh hưởng bởi luồng không khí ô nhiễm từ Trung Quốc.

"Đợt vừa rồi có gió mùa Đông Bắc, đã kéo theo một khối khí từ hướng Trung Quốc về Việt Nam, nên có thể cũng là một nguyên nhân khiến lượng bụi tăng cao. Đây mới chỉ là dự đoán, chúng tôi vẫn cần đánh giá thêm mới biết chính xác", vị đại diện chi cục cho hay.

o nhiem khong khi Ha Noi anh 2
Chất lượng không khí tại Hà Nội đặc biệt kém ngày 17/9. Đồ họa: Sơn Hà.

Làm gì khi không khí ở mức kém, xấu?

Theo các kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ Môi trường, chất lượng không khí các ngày gần đây ở Hà Nội vẫn chủ yếu ở mức kém. Ở mức độ này, nhóm nhạy cảm bao gồm trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp cần hạn chế ra ngoài. Người lớn vẫn có thể ra ngoài, tuy nhiên cần trang bị khẩu trang đạt chuẩn để bảo vệ sức khỏe.

Chi cục cho hay bụi mịn có kích thước bằng 1/30 sợi tóc nên có khả năng đi sâu vào hệ hô hấp, phổi, mạch máu, gây nên nhiều bệnh, hoặc khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn.

Do đó, để chủ động trong công tác bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình, người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin về chất lượng không khí nơi mình đang sinh sống thông qua các trang công bố chất lượng không khí trước khi ra khỏi nhà để có các biện pháp phòng tránh.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người dân ở khu vực có chất lượng không khí thấp, thường xuyên kiểm tra, cập nhật các chỉ số AQI hàng ngày, liên tục để kịp thời phòng tránh.

o nhiem khong khi Ha Noi anh 3
Tác hại sức khỏe của không khí ô nhiễm. Nguồn: WHO.

Những ngày có chỉ số chất lượng không khí xấu, kém, người dân tránh đi ra ngoài, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ và người có bệnh về hô hấp, tim mạch.

Những người thường xuyên phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên có các biện pháp bảo hộ, che chắn như kính mắt, khăn trùm, khẩu trang, tránh hoạt động thể dục thể thao ngoài trời tại các khu vực có nồng độ bụi cao như nơi đông xe cộ, công trường xây dựng.

Người lớn nhắc nhở trẻ em tránh xa ống xả của ôtô, xe máy, nơi đông xe cộ, và yêu cầu mọi thành viên trong gia đình không hút thuốc lá trong nhà.

Theo thông tin dự báo từ trung tâm KTTV quốc gia, chiều tối ngày 18/9 trên toàn TP Hà Nội sẽ có mưa vừa và mưa to kèm theo gió do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường. Nhiệt độ ban ngày giảm, sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cũng sẽ giảm.

Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết theo những quan trắc mới nhất, chất lượng không khí ở Hà Nội đã về mức bình thường và sẽ chuyển biến tốt trong vài ngày tới.

Vì sao chất lượng không khí ở Hà Nội liên tục ở mức báo động?

Theo số đo ở 11 trạm quan trắc, chất lượng không khí thủ đô duy trì ở mức kém trong nhiều ngày qua. Đây là mức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người già và trẻ nhỏ.




Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm